|
Các CEO (ngồi hàng đầu) cùng đông đảo sinh viên tại buổi giao lưu. |
Khách mời chia sẻ kinh nghiệm thành công trong sự nghiệp với sinh viên là 4 CEO hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT, gồm: ông Nguyễn Tử Quảng - Giám đốc Trung tâm an ninh mạng BKIS, ông Hoàng Minh Châu - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ông Chu Tiến Dũng - Giám đốc Công ty phát triển Công viên phầm mềm Quang Trung (QTSC), ông Nguyễn Hòa Bình - Giám đốc Công ty Giải pháp Peacesoft.
Chia sẻ… cơ may
Bằng sự khiêm tốn của những người thành đạt, lần lượt cả 4 vị CEO đều mở đầu câu chuyện thành công của mình trong lĩnh vực CNTT là nhờ sự may mắn. Cho dù mỗi người có xuất phát điểm và con đường đến với CNTT khác nhau.
Ông Châu chia sẻ sự may mắn của mình là được nhà nước cử đi học ĐH về điện toán ở Liên Xô từ những năm 1970, sau đó về nước và được làm trong môi trường CNTT từ rất sớm. Thời kỳ những năm 1980 – 1990 khoảng cách về CNTT giữa Việt Nam và thế giới còn nhỏ. Vì vậy những người hoạt động trong lĩnh vực này lúc bấy giờ dễ gặt hái được thành công.
Ông Dũng cho biết may mắn của ông là ở quyết tâm đầu tư cho ngành công nghiệp phần mềm nằm trong chiến lược phát triển của TP.HCM, và ông là người được chọn giao nhận nhiệm vụ xây dựng QTSC. Nhận nhiệm vụ nhưng hầu như ông chưa biết gì, vì ở Việt Nam lúc đó Công viên phần mềm là khái niệm hoàn toàn mới.
Ông Bình nhớ lại thuở đang còn học phổ thông, bố mẹ đã phải bán mảnh đất để có tiền mua một chiếc máy vi tính cho anh trai (lúc đó đang theo học ngành kiến trúc). Dùng ké máy tính với anh mình, Nguyễn Hoà Bình thường chơi game và cũng bắt đầu tự học lập trình rồi trở nên đam mê sau những thành công với những chương trình tự viết ban đầu.
Khát vọng vươn lên
Cơ may chỉ là cái duyên đến với nghề. Sẽ không có được thành công như ngày hôm nay nếu thiếu ước mơ và khát vọng vươn lên, đó là khẳng định của các CEO trong buổi giao lưu.
Ông Dũng cho biết, khi được tiếp cận với máy tính, nhận thấy công nghệ giúp thay đổi chất lượng cuộc sống nên ông hăng say lao vào với những khát vọng đổi mới của tuổi trẻ. Đó cũng là lý do ông sẵn sàng nhận nhiệm vụ xây dựng QTSC, dù cho không có chút gì kiến thức cũng như kinh nghiệm. Điều ông tâm đắc chính là khát vọng cùng sự quyết tâm và lòng kiên định. Ông kể lần đầu tiên cùng phái đoàn của TP.HCM ra nước ngoài học tập các mô hình Công viên phần mềm của Ấn Độ, Thái Lan, Malaisia…, tiếng Anh còn lõm bõm, phiên dịch thì không có (để tiết kiệm chi phí cho ngân sách) ông đã phải mang theo cả chồng băng từ ghi lại để về nghe, vì thời hạn hoàn thành báo cáo chỉ có 2 tuần…
Ngay từ khi còn là sinh viên, không chỉ dừng lại ở mơ ước sau này sẽ có được công ty to, mà ông Bình đã khởi đầu bằng việc thành lập công ty “3 không” – Không vốn, không quan hệ, không nhân viên. Dĩ nhiên cần có may mắn và một chút năng khiếu trong lĩnh vực theo đuổi, nhưng quan trọng là phải có đam mê, ông Bình nói. Ông cho biết đã dấn thân gây dựng công ty từ chỗ “không có gì” bằng cả sự đam mê và khát vọng vươn lên.
Sự kiên trì là đức tính được ông Quảng đánh giá cao. Ông tâm đắc với câu “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn!”, và nó đã trở thành slogan của Bkis. Theo ông, mặc dù có lúc gặp điều không tốt, hoặc những khó khăn gặp phải, nhưng hãy cứ làm việc hết mình rồi thành công sẽ đến.
Đồng quan điểm với ông Quảng, ông Châu cho rằng để thành công không thể không làm việc hết sức. Không nên quá trông cậy vào tài năng và chờ đợi sự may mắn, ông nói.
Bổ sung cho ông Châu, ông Dũng khẳng định cần phải làm việc quên mình với một niềm tin kiên định. Như khi ông nhận xây dựng QTSC, cho dù không có kiến thức gì nhưng ông có niềm tin và khát vọng cùng với tinh thần quyết tâm của người cán bộ Đoàn. Ông Dũng đúc kết lại 4 yếu tố dẫn tới thành công: kiên trì – đam mê – hết mình – học tập, và nói thêm CNTT đem lại nhiều cơ hội để học tập.
|
Các CEO chụp ảnh lưu niệm cùng các sinh viên có câu hỏi hay. |
Giải đáp thắc mắc của sinh viên về kiến thức học trong trường và yêu cầu từ các doanh nghiệp đang có sự lệch pha, ông Châu cho rằng, kiến thức có được là do học - làm - giao lưu - và cả thất bại. Theo ông, kiến thức từ học mà có chiếm tỉ lệ ít, tuy nhiên lại mang giá trị căn bản. Ông khuyến khích sinh viên đi làm thêm (bất kể nghề gì) để thu nhận được nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ cuộc sống. Cần có ý chí mạnh mẽ, cần có người giúp đỡ (đó là thông qua hoạt động giao lưu, bản thân mình cũng giúp người), dĩ nhiên kiến thức chuyên môn không thể thiếu, ông Châu kết luận.
Buổi giao lưu kết thúc với thông điệp được 4 CEO gửi tới các bạn sinh viên: khát vọng sẽ nuôi ý chí vươn tới thành công của mỗi người, hãy đam mê làm việc quên mình cùng với sự học hỏi không ngừng, rồi thành công sẽ đến.
Theo www.pcworld.com.vn