|
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để người dân hiểu và dần ứng dụng “một cửa điện tử”. |
Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình một cửa điện tử cấp huyện khu vực miền Bắc” diễn ra tại thành phố Hải Phòng mới đây, đại diện các Sở TT&TT đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của “một cửa điện tử” để tìm ra giải pháp ứng dụng hiệu quả hơn.
Khó hết chuyện… chạy chọt
Từ thực tế triển khai hệ thống “một cửa điện tử” tại tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Sở TT&TT của tỉnh nhận định: Ứng dụng “một cửa điện tử”, các tổ chức và công dân thông qua việc truy vấn thông tin tự động có thể biết được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình như đang nằm ở khâu nào, ai là người chịu trách nhiệm giải quyết mà không phải tiếp xúc trực tiếp với các bộ phận giải quyết. Đồng thời, tính năng này còn tạo ra áp lực khiến cán bộ ở bộ phận giải quyết thủ tục phải tích cực hơn.
Tuy nhiên, ông Diệu cũng khẳng định tính năng hiện đại này còn bộc lộ yếu tố tiêu cực đó là khi các doanh nghiệp, cá nhân nắm được ai là người đang giải quyết hồ sơ của mình (nhất là “nắm thóp” được cán bộ nào thường hay gây khó khăn), thì người ta sẽ tìm mọi cách tranh thủ để tiếp xúc, nhờ cậy giải quyết. “Như vậy, điều đó cũng đồng nghĩa với chuyện giảm thiểu tiêu cực phát sinh so với chuyện tiếp xúc trực tiếp trong giải quyết thủ tục hành chính công như trước kia cũng không thực hiện được”, ông Diệu nhận định.
Tại hội thảo, ý kiến của một số lãnh đạo Sở TT&TT một số địa phương cũng đồng quan điểm với ông Diệu: Nên chăng, tính năng này chỉ nên được đưa ra ứng dụng với tính chất như một “hộp đen” để lãnh đạo các cơ quan hành chính có thể giám sát được tình hình, tiến độ mà nhân viên dưới quyền đang thực hiện?
Đầu tư cần phù hợp với đặc thù địa phương
Cũng theo nhận định của đại diện các Sở TT&TT, việc bố trí cán bộ ở bộ phận một cửa điện tử (kể cả bộ phận một cửa) hiện nay tại nhiều địa phương còn chưa hợp lý. “Như tại Bắc Giang, các huyện thường bố trí 5 cán bộ ở bộ phận một cửa điện tử, tuy nhiên qua khảo sát của Sở TT&TT, thường bộ phận một cửa điện tử ở huyện trung bình hàng ngày tiếp nhận từ 10-15 thủ tục hành chính (trừ thành phố Bắc Giang), khối lượng công việc của bộ phận một cửa còn ít”, ông Diệu nhận định.
Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng chung các cơ quan đều bố trí cán bộ giỏi chuyên môn ở bộ phận một cửa cũng chưa hợp lý. Ông Tô Trọng Tôn – Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lào Cai, cho rằng việc đầu tư cho “một cửa điện tử” rất tốn kém, ít cũng từ vài ba trăm triệu cho tới hàng tỷ đồng, tuy nhiên nhiều nơi (nhất là các địa phương miền núi, địa phương kinh tế xã hội còn phát triển chậm…) lại đang bộc lộ sự lãng phí.
“Chúng ta cần phải thấy rằng, cán bộ ở bộ phận “một cửa” chủ yếu là người tiếp nhận hồ sơ, chứ không phải là người giải quyết công việc (hồ sơ nhận ở bộ phận một cửa sau đó lại chuyển về phòng chuyên môn giải quyết), do vậy chỉ nên bố trí cán bộ nắm rõ thủ tục hành chính làm ở bộ phận một của là đủ hoặc một cán bộ có thể phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau để tiết kiệm nguồn nhân lực, đồng thời cũng giảm được đầu tư cho trang thiết bị”, ông Tôn cho hay.
Để “một cửa điện tử” thực sự… “điện tử”
Qua quá trình hoạt động của các bộ phận một cửa, một thực trạng chung mà các đơn vị thường gặp phải đó là quy trình xử lý thường xuyên có sự thay đổi, số lượng thủ tục hành chính ngày càng được mở rộng, những trục trặc của hệ thống thường xuyên xảy ra… và những lúc như vậy lại phải cậy nhờ đến các đơn vị tư vấn, xử lý sự cố thuê ngoài, rất mất thời gian và tốn kém, gây đình trệ công việc. Để giải quyết được những hạn chế này, kinh nghiệm từ Sở TT&TT Bắc Giang cho thấy Sở đã hỗ trợ cán bộ tự học, tập trung nghiên cứu để có thể làm chủ được hệ thống.
Bên cạnh đó, việc đầu tư một số thiết bị, phần mềm còn chưa hiệu quả do chưa phù hợp với trình độ dân trí. Hiện đa phần các công dân đều chưa biết sử dụng CNTT, nên không biết cách tra cứu tài liệu trong hệ thống màn hình cảm ứng, không biết xếp hàng điện tử, không biết dùng mã vạch tra cứu kết quả… “Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để người dân hiểu và dần ứng dụng “một cửa điện tử””, đại diện Sở TT&TT Hải Phòng nhận định.
Cũng qua thảo luận, ý kiến của các Sở TT&TT cũng cho rằng Chính phủ, Bộ TT&TT cần sớm hoàn thành xác thực điện tử để đáp ứng cho vấn đề pháp lý của hồ sơ điện tử để người dân chỉ cần ở nhà gửi hồ sơ đến bộ phận một cửa, giúp hệ thống “một cửa điện tử” hiện nay hoạt động thực sự “điện tử”. Cùng đó, Bộ TT&TT cũng cần sớm ban hành quy định về mã hồ sơ của các cấp, các ngành để thống nhất sử dụng trong toàn quốc, phục vụ nhu cầu quản lý, tích hợp dữ liệu, tra cứu hồ sơ về giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian tới…
Để “một cửa điện tử” thực sự… “điện tử”, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để người dân hiểu và dần ứng dụng “một cửa điện tử.
Theo www.ictnews.vn