|
Ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam. |
Ông Lê Hồng Hà:
Đối với hệ thống chỉ tiêu đánh giá, năm 2010 khối bộ, ngành có 4 nhóm chỉ tiêu bao gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT: 5 chỉ tiêu; Hạ tầng nhân lực CNTT-TT: 3 chỉ tiêu; Ứng dụng CNTT-TT: 11 chỉ tiêu; Môi trường tổ chức và chính sách: 3 chỉ tiêu. Tổng cộng có 22 chỉ tiêu, tăng 2 chỉ tiêu so với năm 2009. Khối các tỉnh thành có 5 nhóm chỉ tiêu bao gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT: 12 chỉ tiêu; Hạ tầng nhân lực CNTT-TT: 05 chỉ tiêu; Ứng dụng CNTT-TT: 10 chỉ tiêu; Sản xuất-kinh doanh CNTT-TT: 3 chỉ tiêu; Môi trường tổ chức và chính sách: 3 chỉ tiêu.
Đánh giá sơ bộ về số liệu thu thập, khối các bộ, cơ quan ngang bộ có 23 báo cáo và 53 báo cáo của các tỉnh thành. Vietnam ICT Index 2010 có 2 nguồn số liệu mới cập nhật rất đáng tin cậy, đó là: Số liệu báo cáo kết thúc giai đoạn I thực hiện Đề án 30 về Đơn giải hóa thủ tục hành chính. Nguồn số liệu thứ 2 là tổng hợp nhanh từ cuộc điều tra về hiện trạng phổ cập điện thoại, Internet và truyền hình trên phạm vi toàn quốc do Bộ TTTT thực hiện. Các địa phương hiện đang tổng hợp các số liệu này. Khảo sát của chúng tôi cũng đã tận dụng được nguồn số liệu “nóng” từ các địa phương.
Từ kết quả ban đầu của Vietnam ICT Index 2010, ông có đánh giá như thế nào về thực trạng phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam năm 2010?
Ông Lê Hồng Hà: Trên cơ sở các số liệu đã được xử lý, chúng tôi rút ra được một vài tóm tắt về sự phát triển CNTT-TT Việt Nam năm 2010. Về hạ tầng CNTT, khối các Bộ ngành có tỷ lệ máy tính trên đầu người tăng từ 0,79 máy/người lên 0,86 máy/người. Ở khối địa phương, tỷ lệ này còn thấp và tốc độ tăng trưởng cũng rất thấp (từ 0,3 lên 0,31%).
Cùng với sự phát triển mạnh mạnh mẽ về hạ tầng CNTT, tỷ lệ người được sử dụng Internet tăng đáng kể. Về nhân sự chuyên trách CNTT, khối các cơ quan trung ương có sự tăng trưởng liên tục, năm 2010 là 3,7%. Trong khi đó, khối các tỉnh thành phố tỷ lệ cán bộ chuyên trách về CNTT lại giảm liên tục trong 3 năm qua, từ 0,8% năm 2008, 0,7% năm 2009 và hiện chỉ còn 0,6%. Điều đó cho thấy một một trở ngại lớn trong việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước ở các địa phương. Cũng theo số liệu thống kê, 100% các cơ quan trực thuộc trung ương có website, trong khi ở các địa phương vấn còn một vài tỉnh chưa có website và cổng thông tin điện tử.
Chúng tôi cũng đã thử so sánh các số liệu thống kê năm 2010 với mục tiêu của Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2009 - 2010. Theo số liệu của ICT Index 2010, việc đưa thông tin chỉ đạo điều hành lên mạng hiện nay đã đạt được mục tiêu đề ra của Quyết định 48 (mục tiêu đặt ra là 60%, thực tế đạt 72,2%). Việc ứng dụng phầm mềm quản lý văn bản – điều hành trên mạng cũng đạt 91,4%. Khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 2 trở lên hiện cũng đã đạt 87,9% (mục tiêu là 80%). Ngược lại, các chỉ tiêu về cán bộ công chức sử dụng email cho công việc và 100% các đơn vị có website hoặc cổng thông tin điện tử vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Quyết đinh 48. Hiện chỉ mới có 46,4% cán bộ công chức sử dụng email cho công việc và 96,6% các tỉnh thành có website. Từ nay đến hết năm 2010 chỉ còn rất ít thời gian và để đạt được mục tiêu đề ra trong Quyết định 48 của Chính phủ đòi hỏi chúng ta cần phải rất nhiều cố gắng.
Ông có nhận xét gì về thứ hạng của các đơn vị dẫn đầu danh sách khối các bộ, ngành và địa phương?
Ông Lê Hồng Hà: Năm 2010, Bộ GDĐT đạt chỉ số ICT Index 0,83 điểm xếp vị trí đầu tiên. Trong 3 năm liên tiếp, Bộ này luôn ở vị trí thứ nhất hoặc thứ 2. Bộ Tài chính cũng đã vươn liên vị trí thứ 2, cải thiện hơn so với năm 2009 là 1 bậc. Trong khi đó, Bộ TTTT cùng được 0,77 điểm như Bộ Tài chính và xếp thứ 3. Bộ Công Thương từ vị trí số 1 năm 2009 đã tụt xuống vị trí thứ 4. Những kết quả này cho thấy không có nhiều bất ngờ trong việc “thăng hạng” của các bộ, ngành ở vị trí top 3.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, năm 2010 không có sự thay đổi thứ hạng. Cả 3 vị trí dẫn đầu vẫn là TP.Đà Nẵng, TP.HCM và TP.Hà Nội. TP.Hải Phòng vươn lên 2 bậc và đạt vị trí thứ 4 trong khi tỉnh Bình Dương vẫn giữ nguyên vị trí thứ 5. Ngoài 4 vị trí dẫn đầu nói trên đều thuộc về các thành phố trực thuộc Trung ương thì riêng TP.Cần Thơ lại tiếp tục tụt hạng từ vị trí thứ 14 năm 2009 xuống vị trí 20. Với chỉ số ICT Index khá thấp, khả năng trong năm tới, TP.Cần Thơ sẽ khó cải thiện được vị trí của mình. Địa phương có sự cải thiện vị trí đáng kể là Thái Nguyên. Năm qua Thái Nguyên luôn đầu tư mạnh tay cho phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển ứng dụng nên đã vươn lên vị trí thứ 11, cải thiện 29 bậc trong bảng xếp hạng.