Một trận cầu gay cấn đang trực tiếp trên VTV3, những tin tức nóng hổi về giây phút đăng quang của hoa hậu sắp bắt đầu... Lâu nay, nếu không dán mắt vào màn hình tivi, bạn sẽ không được xem trực tiếp những hình ảnh này.
Nhưng giờ đây mạng điện thoại di động CDMA thương hiệu S-Fone đã cung cấp dịch vụ cho phép xem trực tiếp các chương trình truyền hình hay phim ảnh... qua chiếc “alô” di động.
Tiện lợi, mọi lúc mọi nơi
Dịch vụ VOD (Video-on-demand) của mạng di động S-Fone sử dụng công nghệ CDMA 2000 1x EV-DO, loại công nghệ cho phép phát triển và tối ưu hóa dữ liệu. VOD cung cấp các loại phim, nhạc (dạng video) hoặc một số chương trình truyền hình... qua mạng di động S-Fone, trước mắt là các kênh: HBO, AXN, V-Channel, Fashion TV, VTV3 (Đài truyền hình VN), HTV7 (Đài truyền hình TP.HCM).
Nhà khai thác mạng S-Fone cho biết dịch vụ VOD được cung cấp dưới ba hình thức: tải (download) các phim, nhạc, chương trình truyền hình có sẵn trên máy chủ về máy điện thoại rồi từ từ thưởng thức; xem trực tuyến các chương trình truyền hình đang phát sóng (Live Streaming) trên một số kênh mà S-Fone lựa chọn; xem trực tiếp các nội dung được lưu sẵn trên máy chủ của mạng S-Fone (Streaming).
Tương tự dịch vụ VOD, mạng di động S-Fone còn cung cấp dịch vụ MOD (Music-on-demand), nghe nhạc theo yêu cầu, được cung cấp dưới hai hình thức: kết nối dịch vụ, nghe trực tiếp những bài hát có trên mạng của dịch vụ này hoặc tải các ca khúc lưu vào bộ nhớ chiếc máy điện thoại CDMA dùng làm nhạc chuông.
Theo bộ phận chuyên môn của S-Fone, để sử dụng các dịch vụ VOD và MOD, cần có chiếc điện thoại di động CDMA hỗ trợ kết nối các loại dịch vụ này. Nổi trội và được biết đến nhiều nhất là chiếc Samsung F363 (giá gần 6 triệu đồng/chiếc) và cho đến nay cũng là dòng máy duy nhất được Việt hóa hoàn toàn.
Giá cả còn cao
Cước dịch vụ VOD và MOD gồm hai phần: cước nội dung (có thể là một bản nhạc, một đoạn phim, một chương trình truyền hình, một đoạn video các bàn thắng đẹp của trận bóng...) và cước dữ liệu. Đối với dịch vụ VOD, nếu sử dụng hình thức tải về bộ nhớ máy điện thoại, mức cước là 2.500 đồng/nội dung; xem trực tuyến 1.000 đồng/nội dung. Còn đối với dịch vụ MOD, nếu tải về thì người sử dụng trả 2.000 đồng/bài hát, nghe trực tuyến 500 đồng/bài hát. Đây là mức cước cố định, bất kể nội dung mà người sử dụng có nhu cầu thưởng thức dài hay ngắn.
Ngoài mức cước nội dung nói trên, người sử dụng còn trả thêm khoản chi phí gọi là cước truyền dữ liệu. Cả hai dịch vụ này, S-Fone đưa ra mức cước dữ liệu thống nhất là 5 đồng/KB.
Tuy S-Fone chỉ đưa ra cách tính cước khi kết nối dịch vụ VOD/MOD theo lượng dữ liệu được sử dụng với đơn vị tính là KB, nhưng qua đo lường của chúng tôi, nếu xem trọn một trận bóng đá 90 phút thì bạn sẽ phải trả cước khoảng 108.000 đồng (nếu tính theo thời gian tương tương 1.200 đồng/phút).
Cũng theo tính toán của chúng tôi, lượng dữ liệu phải tải về thông qua mạng S-Fone để xem trọn 90 phút của trận cầu sẽ lên đến khoảng 21.600KB, xấp xỉ 21 MB (1MB = 1.024KB). Đó là chưa kể đến tình huống gay cấn, trận cầu phải kéo dài đến hiệp phụ, rồi loạt đá luân lưu nữa...
Trong khi đó, một bài hát dạng video (dùng dịch vụ VOD để xem qua màn hình điện thoại di động CDMA) được truyền tải trên mạng của S-Fone thường có dung lượng khoảng 6MB, tương đương khoảng 6.144KB. Như vậy, với mức cước 5 đồng/KB và cộng với cước nội dung 2.500 đồng thì chi phí người sử dụng phải trả là 32.500 đồng/lần/bài hát. Người sử dụng chỉ cần tải về máy điện thoại của mình hoặc xem trực tiếp hai bài hát dạng video thì chi phí có thể tương đương với giá của một đĩa nhạc.
Với giá cả dịch vụ như đã phân tích, xem ra chi phí sử dụng dịch vụ VOD/MOD có tác động không ít đến mục tiêu vào cuối năm 2007 có khoảng 20.000 thuê bao S-Fone sử dụng các dịch vụ này như nhà cung cấp đang mong muốn
Theo Tuổi trẻ