Bill Mitchell, một kỹ sư 40 tuổi ở bang North Carolina (Mỹ), đã từ bỏ dịch truyền hình cáp của Time Warner để chuyển sang xem phim và các show truyền hình yêu thích qua mạng. Sau 12 tháng trải nghiệm, gần đây Bill Mitchell đã trở lại đăng ký thuê bao truyền hình cáp giá 130 USD/tháng, một phần vì gia đình anh muốn xem các chương trình chưa có trên mạng.
Cuộc chiến giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình truyền thống và truyền hình Internet đang diễn ra nóng bỏng ở Mỹ. Sự phát triển của các dịch vụ xem phim qua Internet như Hulu đã khiến nhiều người lo ngại truyền hình truyền thống sẽ chịu chung số phận như báo in và các nhà xuất bản. Nhưng thực tế đến nay số người Mỹ bỏ truyền hình cáp chuyển lên dùng dịch vụ truyền hình Internet không nhiều.
Khảo sát của hãng thông tấn New York Times/CBS News vừa công bố phát hiện thấy 80% người Mỹ nói vẫn sẽ trả tiền cho các dịch vụ truyền hình truyền thống. Chỉ có 15% cho biết đang cân nhắc thay thế truyền hình cáp bằng các dịch vụ truyền hình Internet như Hulu hay YouTube. Xét ở khía cạnh phân khúc khách hàng, người trẻ có xu hướng thích lên mạng xem truyền hình hơn.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại nhưng số người dùng dịch vụ truyền hình truyền thống ở Mỹ vẫn tiếp tục tăng. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, vệ tinh và cáp quang ở Mỹ đã có thêm 667.000 khách hàng mới trong quý đầu tiên của năm 2010, theo hãng đầu tư Sanford C. Bernstein.
Một trong những lý do khiến truyền hình không bị Internet thách thức như với báo in và ngành xuất bản là vì ngành truyền hình đã hành động để tự bảo vệ mình rất hiệu quả. Các nhà sản xuất và cung cấp nội dung lớn trong ngành truyền hình ở Mỹ vẫn giữ bản quyền phát những chương trình truyền hình “phải xem” và những sự kiện thể thao trực tiếp lớn không thể xem trên mạng Internet một cách hợp pháp. Vì vậy, cuộc cạnh tranh thực sự vẫn đang diễn ra giữa các nhà cung cấp truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh với nhau chứ không phải là với truyền hình Internet.
Chuyển lên truyền hình Internet chưa phải là xu hướng đáng kể ở Mỹ nhưng nó cũng khiến các hãng truyền hình cáp và vệ tinh lo ngại. Đặc biệt, lượng khách hàng mới trong quý 2/2010 của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình truyền thống ở Mỹ đã giảm nhẹ, theo hãng Sanford C. Bernstein.
Chính vì vậy, nhiều hãng truyền hình cáp và vệ tinh đã tìm cách thích nghi dần. Tuần trước Verizon đã là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đầu tiên ở Mỹ thông báo kế hoạch ra mắt ứng dụng cho phép khách hàng xem truyền hình trên máy tính bảng iPad.
Hãng truyền hình Cablevision cũng đang thử nghiệm cung cấp dịch vụ truyền hình đến các máy tính bảng và điện thoại di động thông minh. Tom Rutledge, giám đốc điều hành của Cablevision nói: “Mục tiêu của chúng tôi là sẽ cung cấp đầy đủ dịch vụ truyền hình đến các thiết bị có thể hiển thị như tivi hoặc hoặc hoạt động như tivi trong các gia đình”.
Craig Moffett, chuyên gia phân tích của hãng Bernstein cho rằng truyền hình Internet còn lâu mới vượt qua truyền hình truyền thống, đặc biệt ở nhóm khách hàng có tuổi.
Khảo sát của hãng thông tấn Times/CBS News phát hiện thấy số những người dưới 45 tuổi ở Mỹ cho rằng Internet có thể thay thế hiệu quả truyền hình cáp cao hơn gấp 4 lần so với tỷ lệ này ở nhóm tuổi trên 45.
“Tôi đã có Internet, tại sao lại phải chi thêm tiền cho truyền hình cáp nữa”, Breck Yunits, thanh niên 26 tuổi sống ở thành phố San Francisco nói. Nhiều người trẻ ở Mỹ hiện thường xuyên lên các trang mạng như Hulu, NBC.com hay MTV.com để xem các kênh truyền hình qua laptop. Một số trang dịch vụ truyền hình Internet như Hulu thu hút hàng triệu người dùng mỗi tháng. Tuy nhiên, rất nhiều chương trình truyền hình hấp dẫn ví dụ như American Idol vẫn được các hãng truyền hình cáp “độc quyền”, không cho phát trên Internet.
Theo www.ictnews.vn