Với nhiều người, Google đang phải đối mặt với một tương lai đầy bất trắc và có thể sẽ phải đứng nhìn đế chế của mình lụi tàn. Sự bùng nổ của điện thoại thông minh, của máy tính bảng và quan trọng hơn cả là xu hướng “tất cả đều là ứng dụng di động” sẽ giúp cho người dùng Internet quên đi những trình duyệt tích hợp hộp tìm kiếm Google. Nếu ngày đó xảy ra, “đời Google” coi như chấm hết bởi không có tìm kiếm đồng nghĩa với quảng cáo trực tuyến trở nên vô dụng.
Cách đây chừng 6 tháng, trong một cuộc đối thoại với nhóm các biên tập viên của tờ Thời báo phố Wall, Tổng giám đốc Google Eric Schmidt đã thừa nhận hãng này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng “tuổi trung niên” và điều đó khiến họ phải đẩy nhanh hơn nữa quá trình tìm kiếm tương lai. Dường như Google đã bắt đầu tìm thấy bóng dáng của mình trong hệ điều hành di động Android.
Mới đây, một số hãng nghiên cứu thị trường đã liên tiếp đưa ra những báo cáo cho thấy doanh số tiêu thụ của dòng smartphone chạy trên nền Android đã vượt qua iPhone trên thị trường Mỹ. Hiện nay, tính trung bình mỗi ngày có khoảng 200.000 chiếc smartphone Android được các nhà mạng kích hoạt – một con số cao gấp đôi so với thời điểm 3 tháng trước đó.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi vào viễn cảnh này bởi trong khi Apple vẫn đang bán các sản phẩm của mình với một tỷ lệ lợi nhuận rất cao thì Google vẫn miễn phí Android cho các nhà sản xuất điện thoại di động.
Sắp tới, Google sẽ ra mắt hệ điều hành Chrome OS và họ cũng đang tràn trề hy vọng nền tảng này sẽ thành công trên họ các thiết bị di động như máy tính bảng, netbook hay thậm chí là laptop như Android đang làm được. Khi đó, ngay cả Microsoft cũng chỉ đành ngậm ngùi “hít khói” của Google.
Nhưng mọi chuyện sẽ không dễ dàng đến thế. Mới đây, tạp chí Fortune đã thẳng thắn gọi Google và lĩnh vực tìm kiếm của họ là “con bò sữa”, đồng thời đưa ra lời khuyên rằng mọi người hãy tìm cách mà “vắt sữa” của nó thay vì bỏ đi để tìm một cơ hội khác lớn lao hơn. Với các nhà đầu tư, họ lắng nghe ông Eric Schmidt nhưng vẫn chưa hiểu Google sẽ kiếm tiền bằng cách nào khi mà hãng không còn giữ được vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến (trên máy tính và trên di động). “Chúng tôi vẫn đang đi tìm câu trả lời: Đâu là tương lai của tìm kiếm?”, ông Schmidt thừa nhận, “Hiện tại, chúng tôi vẫn hạnh phúc với nó nhưng ý tưởng của chúng tôi là sẽ giúp người dùng tìm kiếm nhiều hơn mà không cần phải bấm phím. Tương lai, mọi người không muốn Google trả lời họ nữa mà muốn Google chỉ họ phải làm gì tiếp theo”.
Nói một cách dễ hiểu hơn, trong tương lai Google sẽ là một kho thông tin cá nhân khổng lồ, họ sẽ hiểu đến tận “chân tơ, kẽ tóc” và theo sát từng bước chân của mỗi người để từ đó đưa ra những quảng cáo có chủ đích phù hợp nhất. “Tương lai, công nghệ sẽ giúp mọi thứ hoàn hảo đến mức mọi người sẽ không tiêu dùng thứ gì đó không được “thiết kế riêng” cho họ và đó là nhiệm vụ cũng như là cơ hội của Google”, Tổng giám đốc Google khẳng định. Đó là một viễn cảnh đẹp nhưng Google đang khiến người dùng Internet toàn cầu hoảng sợ, các chính trị gia, các nhà lập pháp và hành pháp khó chịu. Khi đó, mỗi cá nhân trên thế giới sẽ hiểu rằng họ không còn gì là riêng tư, là bí mật mà chỉ là một “con rối” dưới bàn tay của Google.
“Nói thì dễ, làm mới khó. Hãy cứ nhìn vào YouTube bạn sẽ thấy sau bao nhiêu dự án, kế hoạch lớn lao nhưng đến giờ Google đã kiếm được tiền từ đó chưa?”, một nhà phân tích kết luận.
Theo www.ictnews.vn