|
Lên mạng tại một quán cà phê Internet ở Hàng Châu, Trung Quốc - Ảnh: Gettty Images |
Mạng Internet với các công cụ ảo được coi như một công nghệ hữu ích góp phần làm giảm các hoạt động gây ô nhiễm. Chẳng hạn thư điện tử (email) giúp việc liên lạc nhanh hơn và hạn chế giấy thải, các cuộc hội thảo trực tuyến qua mạng giúp giảm các khoản đi lại, vận chuyển. Hiệu quả của Internet đã làm lu mờ mối bận tâm về mức độ gây ô nhiễm của chính nó.
“Đóng góp” 2% lượng khí thải toàn cầu
Thực tế là các trung tâm dữ liệu và các thiết bị phục vụ việc sử dụng mạng lại ngốn một lượng năng lượng dữ dội và thải ra một lượng khí CO2 không nhỏ. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu Gartner, khí thải của ngành công nghệ truyền thông và thông tin chiếm khoảng 2% lượng khí thải toàn cầu, tức tương đương với cả ngành hàng không. Các trung tâm xử lý dữ liệu chiếm 25% lượng khí thải này, trong khi các thiết bị như máy vi tính, màn hình chiếm đến 40%.
Nếu không tính lượng khí thải từ các hoạt động không nối mạng như soạn thảo văn bản, mạng Internet “đóng góp” khoảng 1% lượng khí thải ô nhiễm toàn cầu. Nói cách khác, Internet thải ra khoảng 300 triệu tấn CO2 mỗi năm, nhiều hơn toàn bộ khí thải từ các hoạt động đốt dầu, than và khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Ba Lan cộng lại.
Việc tính toán cụ thể từng hoạt động gây ô nhiễm của Internet cũng đã được nhiều nhà khoa học tìm hiểu. Báo cáo của các chuyên gia Đại học Harvard năm ngoái cho biết mỗi cú click chuột vào ô tìm kiếm trên trang Google tạo ra khoảng 7gam CO2 và hai lượt tìm kiếm như vậy tương đương lượng khí CO2 thải ra của việc đun sôi một ấm nước. Con số không hề nhỏ nếu nhân với hàng trăm triệu lượt tìm kiếm trên Google mỗi ngày. Ngoài ra, nghiên cứu trên cũng ước tính mỗi giây lướt web trên mạng Internet thải ra khoảng 20 miligam CO2.
Internet khát năng lượng
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các thiết bị vi tính, điện thoại toàn cầu được dự báo sẽ đẩy cơn khát năng lượng của Internet tăng mạnh trong thời gian tới. Một nghiên cứu cách đây năm năm cho thấy lượng khí thải của ngành công nghệ truyền thông và thông tin vào khoảng 343 triệu tấn, chiếm khoảng 1,2% lượng khí thải toàn cầu. Tuy nhiên, Nhóm Môi trường, với sự tham gia của 40 tổ chức và nhiều chính phủ các nước, dự đoán lượng khí thải CO2 của riêng mạng Internet vào năm 2020 sẽ đạt 1,43 tỉ tấn.
Với hơn 1,5 tỉ người sử dụng, tốc độ tiêu thụ năng lượng của mạng Internet được dự báo sẽ tăng 10% mỗi năm. Việc giải quyết nhu cầu năng lượng cho các trung tâm dữ liệu cũng sẽ là vấn đề đau đầu cho các nhà cung cấp dịch vụ như Google. Cơ sở của công ty này ở Oregon (Mỹ), một trong những trung tâm xử lý dữ liệu lớn nhất thế giới, ngốn phần lớn năng lượng của nhà máy thủy điện gần đó.
“Chúng ta cần nhiều trung tâm dữ liệu, chúng ta cần nhiều dịch vụ. Mỗi dịch vụ tiêu thụ lại cần nhiều năng lượng hơn cái cũ và năng lượng cũng đắt hơn. Nếu cộng tất cả các khuynh hướng trên, chúng ta có một cơn bão (về tiêu thụ năng lượng)” - Subodh Bapat, phó chủ tịch Sun Microsystem, nhận định.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận mặt tích cực trong việc thúc đẩy tiết kiệm năng lượng của các công cụ trên Internet, bởi các công nghệ thông tin như liên lạc truyền thông... dự kiến giúp giảm 15% lượng khí thải trên toàn cầu.
Theo www.nhipsongso.tuoitre.vn