Không ai tự làm từ A-Z
Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc điều hành Công ty viễn thông An Bình (ABtel), hãng sở hữu thương hiệu ĐTDĐ Q-Mobile, khẳng định không có đơn vị nào tự sản xuất từ A-Z một sản phẩm, mà đó là thành quả của nhiều đối tác hợp thành. “Hiện nay có tới 90% điện thoại trên toàn thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. Toàn bộ hệ thống sản xuất của Trung Quốc đã được tối ưu đến mức thấp nhất có thể, nhờ đó giúp giảm giá thành sản phẩm”, ông Minh nói.
Không khác nhiều so với quan điểm của An Bình, ông Bùi Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty Sản phẩm Công nghệ FPT cũng cho rằng, để sản xuất từ đầu đến cuối một sản phẩm điện thoại di động là rất khó khăn khi chưa có đủ nguồn nhân lực, kinh nghiệm và trang thiết bị hạ tầng cơ sở. Hơn nữa, nếu đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại ở Việt Nam, chi phí giá thành sẽ rất lớn. Các khoản như khấu hao chi phí đầu tư, sản lượng thấp, chi phí đào tạo nguồn nhân lực… sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi đó, giá cả là một yếu tố cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Ông Khánh khẳng định không một công ty nào trên thế giới lại đi làm toàn bộ từ đầu đến cuối một sản phẩm. “Người ta chỉ thiết kế ra phần lõi, mẫu mã, phần mềm của sản phẩm, còn phần cứng sẽ hợp tác với các đối tác bên ngoài để sản xuất”, ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết để đưa ra một sản phẩm điện thoại di động, FPT đã tiến hành nghiên cứu nhu cầu khách hàng, từ đó phát triển sản phẩm phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng khác nhau. Trên cơ sở nền tảng phần mềm đã có và hình hài sơ bộ của chiếc điện thoại, công ty đã sang Trung Quốc tìm tất cả các nhà sản xuất linh kiện lớn nhất, lựa chọn hợp tác để sản xuất phần cứng. Cách làm của FPT là nghiên cứu sửa đổi các tiện ích sẵn có và tích hợp vào sản phẩm.
Sắp tới, trên thị trường Việt Nam sẽ xuất hiện sản phẩm ĐTDĐ mới của một “đại gia” viễn thông là Viettel. Đại diện truyền thông của Viettel cho biết mục tiêu của Viettel trong chiến lược sản xuất điện thoại di động là muốn đáp ứng những nhu cầu rất cá biệt của người Việt Nam. “Hiện nay, các hãng ĐTDĐ lớn trên thế giới đều chỉ sản xuất các lô hàng lớn với những tính năng dành cho số đông. Nhưng người Việt Nam lại cần những chiếc điện thoại có tính năng riêng”, đại diện Viettel cho biết. Chẳng hạn, người nông dân muốn có chiếc điện thoại mà có 1 phím dành riêng để truy cập thẳng vào một trang web dành cho bà con nông dân hay là chiếc điện thoại chỉ có 3 phím cho trẻ em dành để gọi cho bố, mẹ và gia đình … Sản phẩm của Viettel sẽ nhắm tới phân khúc thị trường này.
Doanh nghiệp Việt vẫn nắm phần giá trị nhất
Mặc dù không tự sản xuất từ đầu đến cuối, song hầu hết doanh nghiệp Việt đều khẳng định nắm giữ phần giá trị nhất của sản phẩm. Đại diện truyền thông của Viettel khẳng định, sản xuất điện thoại di động nói riêng và thiết bị viễn thông nói chung không chỉ là chiến lược của Viettel mà đó còn là niềm mơ ước của người Việt Nam. Quan điểm của Viettel là để sản xuất được thiết bị viễn thông trước hết cần phải làm chủ về công nghệ, sau đó tiến hành nghiên cứu đưa ra những tính năng, thiết kế mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Đây là điểm mấu chốt của việc sản xuất thiết bị, còn việc sản xuất phần cứng và lắp ráp thành phẩm được Viettel xem là “khâu gia công”. Hiện, Viettel đã nghiên cứu thành công 2 sản phẩm máy điện thoại cố định không dây GSM Homephone 6800 và máy điện thoại dành cho ngư dân SeaPhone 6810. Trong hai sản phẩm này, Viettel cũng thực hiện toàn bộ phần nghiên cứu, thiết kế còn khâu sản xuất được chuyển cho đối tác.
Viettel cho biết đã chuẩn bị đủ mọi nguồn lực về con người, thiết bị, công nghệ… để thực hiện chiến lược sản xuất điện thoại. Dự kiến sớm nhất đến cuối năm sẽ có sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường. Nhắm đến đối tượng khách hàng khá riêng biệt nên Viettel cho biết không đặt vấn đề cạnh tranh với các hãng sản xuất điện thoại lớn. Ngoài ra, hiện nay Viettel đã đầu tư dịch vụ viễn thông di động ra thị trường Lào và Campuchia, đây cũng là thị trường tiềm năng trong tương lai để Viettel mở rộng quy mô sản xuất điện thoại di động.
Còn với FPT, trong sản phẩm smartphone F99 thương hiệu Việt đầu tiên, ông Khánh cho biết FPT tham gia vào mọi khâu quan trọng của sản phẩm, như tùy biến phần cứng, phầm mềm và phát triển các giá trị gia tăng. Lãnh đạo FPT cho rằng bản sắc của F99 là phần mềm và ứng dụng được Việt hóa dành cho khách hàng người Việt, cụ thể đó là kho ứng dụng với nhiều nội dung đã được mua bản quyền.
Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc điều hành của An Bình, cho biết trong quy trình sản xuất điện thoại di động, An Bình đang kiểm soát phần cao nhất trong chuỗi giá trị là việc thiết kế, tích hợp và thương mại hóa sản phẩm. Cụ thể, những dự án An Bình dồn trọng tâm thường chiếm khoảng 70% chuỗi giá trị, còn những dự án gia công nhiều phần việc cũng chiếm khoảng 40%.
An Bình đã nghiên cứu việc sản xuất điện thoại khoảng 4 năm trước khi ra mắt những sản phẩm Q-Mobile đầu tiên. Giám đốc An Bình cho biết đến nay công ty đã có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực sản xuất ĐTDĐ, trong khi đó các hãng như Apple hay Google chỉ có 4 năm. “Họ không phải là nhà sản xuất điện thoại chuyên nghiệp nhưng họ rất thành công nhờ sự sáng tạo”, ông Minh nói.
Hiện nay, An Bình có hệ thống phân phối khá sâu rộng trên 63 tỉnh, thành. Đây là một yếu tố giúp Q-Mobile thành công trên thị trường nội địa.
Theo www.ictnews.vn