Linux không phải là Windows
Lấy ví dụ, khi người Mỹ học lái ôtô, họ học cách lái xe ở làn đường bên phải. Trong khi đó, tại Anh, người học phải lái xe ở bên trái. Nói một cách công bằng, không có cách lái nào khó hơn, mà đó chỉ là sự khác biệt. Một khi bạn đã quen sử dụng một điều gì đó, dĩ nhiên, bạn sẽ cảm thấy khó khăn (và thậm chí lúng túng) khi lần đầu tiên sử dụng một cái gì khác. Với HĐH trên máy tính cũng vậy. Linux đơn giản, trang nhã và có tính lôgíc cao, song HĐH này hoạt động hoàn toàn khác so với Windows và cả Mac.
Ví dụ trong Linux, giao diện đồ họa người dùng (Graphic User Interface - GUI) có khả năng tùy biến ở mức cao. Màn hình nền có thể được tùy chỉnh một cách toàn diện và công cụ quản lý các gói ứng dụng cài đặt - như Synaptic trong Linux Ubuntu - cho phép người dùng cài đặt ứng dụng chỉ trong vài cú nhấn chuột mà không cần phải kết nối web hay tìm kiếm khoá bản quyền được yêu cầu. Hơn thế nữa, thực tế là nhiều phần mềm dành cho Linux được cung cấp miễn phí và trong vài trường hợp người dùng không cần đến tiện ích phòng chống virus.
Dù vậy, với những người dùng đã am hiểu máy tính trên nền Mac hay Windows thì Linux có thể gặp phải đôi chút lạ lẫm ở lần đầu tiên sử dụng. Theo kết quả khảo sát gần đây của công ty số liệu Net Applications, phần đông người dùng trên thế giới vẫn đang sử dụng Windows và Mac. Tuy nhiên, Linux vẫn có những ưu điểm nhất định và đang dần hiện diện trên máy tính cá nhân, máy chủ và thậm chí các trung tâm dữ liệu.
Tính chủ động cao
Linux cho phép người dùng làm mọi thứ mong muốn trên máy tính mà không đòi hỏi nhiều tài nguyên hệ thống, các ứng dụng đắt tiền hay sự tập trung dài hạn trong công tác phòng chống phần mềm nguy hại (malware). Thay vì "cản đường" người dùng với những giao diện hạn chế những gì có thể được thực hiện và cách thực hiện ra sao, Linux dường như dành trọn sự tự do cho người dùng.
Nhiều ứng dụng cho Linux rất thân thuộc với hầu hết người dùng, đặc biệt là các ứng dụng văn phòng cơ bản. Điển hình, bộ ứng dụng OpenOffice có thể hoạt động tốt như trên Windows, và trông rất giống Microsoft Office. Một điểm cộng mới OpenOffice nữa là khả năng tương thích với Office, do đó ứng dụng này có thể mở và xử lý dễ dàng các tập tin Office. Còn để lướt web, người dùng Linux tin tưởng sử dụng trình duyệt Firefox miễn phí với tốc độ cao và khả năng an toàn ở mức có thể chấp nhận được. Dĩ nhiên, vài trang web được xây dựng "độc quyền" cho IE phần nào khiến Firefox chịu lép vế.
Nhìn chung, với Linux và các ứng dụng trên nền tảng HĐH nguồn mở này, người dùng có thể tự do làm mọi thứ tùy thích cũng như sử dụng mọi tính năng như từng thực hiện trên Windows hay Mac nhưng điểm khác biệt là ngân sách đầu tư ít hơn và thậm chí dễ dàng hơn trong vài trường hợp.
Các câu lệnh phức tạp
Nhiều người dùng mới bắt đầu sử dụng Linux thường kêu ca về các câu lệnh phức tạp trên HĐH này. Câu trả lời: Hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng hàng ngày, bạn gần như không cần học bất kỳ thủ thuật hay kỹ thuật nào. Trong khi đó, với dân kỹ thuật hay giới quản trị mạng, các câu lệnh điều khiển hay quản trị không quá xa lạ.
Khi bạn bắt đầu quen với phiên bản/nhà cung cấp Linux đã chọn, bạn có thể muốn bắt đầu học cách sử dụng các câu lệnh Unix/Linux, tuy nhiên việc này không hoàn toàn bắt buộc trừ khi bạn hướng đến nhu cầu sử dụng thuần thục HĐH này cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên, quản lý một máy chủ Linux là một việc rất khác với quản lý một máy chủ Windows. Còn nếu bạn chỉ sử dụng Linux cho máy tính cá nhân, mọi thứ hoàn toàn dễ dàng nếu bạn từng sử dụng một HĐH khác trước đây.
Vấn đề tương thích
Cuối cùng, sự tương thích phần cứng và phần mềm là một vấn đề lớn thường khiến cho nhiều khách hàng tiềm năng của Linux nhận thấy HĐH này quá khó để sử dụng. Thực tế là, có khá nhiều ứng dụng và thiết bị phần cứng không chạy được với Linux - hay không hỗ trợ Linux - bởi các nhà phát triển chúng chọn giải pháp giấu mã nguồn, trình điều khiển thiết bị cần thiết.
Tuy nhiên, điều này đang dần được cải thiện và ngày càng có nhiều giải pháp thay thế cho các ứng dụng, thiết bị không thể hoạt động trên nền Linux. Ngoài ra, người dùng có thể chọn cách sử dụng các gói giải pháp như Wine hay Crossover Linux để chạy các ứng dụng nền Windows trong môi trường Linux. Đáng mừng hơn nữa, cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng cho Linux đang phát triển mạnh và làm việc chăm chỉ nhằm giúp cho HĐH này thậm chí dễ dàng sử dụng hơn nữa trong tương lai.
Linux không có gì là quá khó khăn để sử dụng. Dĩ nhiên, sự thay đổi nào cũng có thể gặp khó khăn, đặc biệt khi bạn phải học cách thay đổi những thói quen đã có từ lâu. Với doanh nghiệp nhỏ, tiết kiệm ngân sách chính là kết quả lớn nhất và hấp dẫn nhất từ việc sử dụng Linux và các ứng dụng miễn phí trên nền tảng này. Cạnh đó, với Linux, việc phải thường xuyên mua bản quyền phần mềm, nâng cấp phần cứng sẽ được giảm thiểu tối đa.
Theo www.pcworld.com.vn