Thứ hai, 22/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 14/08/2010
Ngành viễn thông với câu chuyện tự chống độc quyền

Cuộc sống luôn thay đổi, phải đặt cá nhân hay tổ chức, đặt người lãnh đạo ở bất cứ một vị trí công việc nào vào những áp lực trách nhiệm. Áp lực đó bắt buộc cá nhân, tổ chức phải luôn nhìn lại mình để tiếp tục sáng tạo, đổi mới và phát triển trong những điều kiện mới. Còn nếu anh say sưa với những thành tích đã có thì rồi sẽ rơi vào tình trạng trì trệ nguy hiểm - TS Mai Liêm Trực

LTS: Ra đời trong mùa thu Cách mạng tháng 8 năm 1945 (15/8/1945), 65 năm qua, ngành Bưu điện (nay là Thông tin và Truyền thông) luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến, gần một vạn cán bộ đã hi sinh để thực hiện được nhiệm vụ vẻ vang và khó khăn: đảm bảo thông tin liên lạc, an toàn thông tin quốc gia.

Ngành TT&TT cũng đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, góp phần đắc lực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 25 năm qua. Qua việc xây dựng nên mạng lưới viễn thông hiện đại từ cơ sở hết sức lạc hậu về kỹ thuật bằng chính đôi chân, trí tuệ của mình, ngành đã thể hiện bản lĩnh và sức sáng tạo mạnh mẽ trong thời kỳ mới.

Nhân dịp 65 năm ngày truyền thống của ngành, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS Mai Liêm Trực, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông nhằm ôn lại những kỷ niệm vui buồn cũng như những trăn trở cho những bước phát triển mới của ngành trong thời gian sắp tới.

Chiến lược đi thẳng vào công nghệ số

Ông Mai Liêm Trực kể, giai đoạn đầu của thời kì đổi mới, những năm 1980, lãnh đạo ngành bưu điện rất trăn trở: đất nước mở cửa mà người dân không thể gọi điện ra nước ngoài thì không một nhà đầu tư, khách du lịch quốc tế nào đến Việt Nam.

Về kĩ thuật lúc đó, khoảng 95% mạng viễn thông các nước trên thế giới dùng công nghệ Analog. Nhưng có những nghiên cứu cho thấy ngành viễn thông quốc tế đang có xu hướng bắt đầu theo công nghệ mới - công nghệ số Digital. Sau nhiều cân nhắc, suy tính, bàn bạc, lãnh đạo ngành đã đưa ra quyết định táo bạo: đi thẳng vào công nghệ số Digital.

Ảnh Lê Anh Dũng.

Nếu tính về lâu dài, công nghệ mới sẽ giúp chúng ta có cơ sở hòa nhập nhanh được với thế giới. Thêm nữa, công nghệ phát triển rất nhanh, nếu chúng ta cứ ôm công nghệ cũ thì sau này chỉ riêng khoản linh kiện thay thế và bảo dưỡng phục vụ thiết bị chắc cũng tốn không ít.

Lãnh đạo ngành lúc đó cũng rất trăn trở, nhiều người lúc đó lo rằng mình còn chưa có đội ngũ cán bộ chuyên môn. Nhưng lãnh đạo ngành khẳng định đội ngũ khoa học kỹ thuật của Bưu điện hoàn toàn có thể đảm đương được công nghệ mới mà không cần người nước ngoài hỗ trợ bảo dưỡng và khai thác. Niềm tin đó đã giúp cán bộ trong ngành vượt qua khó khăn.

Thời điểm đó, Bưu điện đã chọn bước đột phá đầu tiên là hợp tác với Úc. Họ mang tổng đài vào Việt Nam triển khai, sau đó chia lãi chứ ta không phải bỏ tiền đầu tư.

Ý tưởng về hợp đồng hợp tác kinh doanh xuất hiện từ đó. Các nước đầu tư tiền vào, doanh thu sau khi trừ đi các chi phí chung sẽ được chia theo tỷ lệ. Chuyên gia nước ngoài chỉ hỗ trợ kinh nghiệm quản lý công nghệ và khai thác, còn toàn bộ hệ thống là do người Việt Nam đảm nhiệm.

Có không ít e ngại, thậm chí nghi ngờ, nhưng chúng tôi phải có cách để giải trình một cách sòng phẳng, minh bạch và công khai. Chúng tôi đã phải chịu sức ép từ các lãnh đạo trong và ngoài nước. Ngay cả Bộ trưởng Bưu điện Cuba lúc bấy giờ cũng đã ngăn lại và cho rằng: "Các đồng chí thật mạo hiểm, cấm vận như vậy các đồng chí lấy tiền đâu?" Nhưng gần chục năm sau ông cũng phải thừa nhận đó là hướng đi đúng.

Vậy là từ đầu những năm Đổi mới, Việt Nam chỉ mua công nghệ số Digital, đấy là bước đi vô cùng khó khăn, nhưng rất cương quyết và thực tiễn đã chứng minh cho sự đúng đắn của quyết định đó.

Ngành Bưu điện tự chống độc quyền

Hơn 30 năm trong ngành, đâu là quyết định khó khăn nhất của ông trên cương vị lãnh đạo?

Quyết định khó khăn nhất của tôi chính là quyết định mở cửa thị trường viễn thông từ độc quyền sang cạnh tranh.

Khi mở internet, hay mở cửa thị trường viễn thông với nước ngoài chúng tôi chỉ trình bày ý kiến lên và lãnh đạo cấp cao hơn sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng mở cửa thị trường ngành viễn thông thì tôi phải chủ động ra quyết định và tự chịu trách nhiệm hoàn toàn với quyết định đó dựa trên chính sách, trên đường lối chung của Đảng và Nhà nước.

Thực sự, đây vừa là vấn đề lý trí vừa là vấn đề tình cảm, vừa là vấn đề kĩ thuật lại vừa là vấn đề chính sách.

Nó là vấn đề tình cảm vì bản thân tôi bao nhiêu năm trong ngành bưu điện, VNPT cũng tách ra từ Tổng cục Bưu điện, tôi trước đó là Tổng giám đốc VNPT, con mình cũng đang làm cho VNPT cho nên hồi tuyên bố mở cửa thị trường viễn thông, tôi nhớ Báo Lao động đã có đăng bài ngay trên trang nhất với tựa đề: "Bưu điện tự chống độc quyền".

Tôi nghĩ rằng ở vị trí nào cũng phải làm đúng chức năng của mình vì lợi ích chung. Nếu cứ tiếp tục cho VNPT độc quyền, sẽ có hại cho VNPT, cũng là có hại cho đất nước. Phải tạo ra áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nếu không thì doanh nghiệp đó sớm muộn sẽ rơi vào tình trạng trì trệ.

Mỗi quốc gia làm một cách khác nhau tùy vào điều kiện trong nước và quốc tế và thực tế, chúng tôi đã phải nghiên cứu rất kĩ luật liên quan đến viễn thông các nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc...

Có rất nhiều điều phải tính toán: Thời điểm chúng ta mở cửa như thế nào? Bao giờ mở cửa thị trường? mở cái gì trước, mở cái gì sau? mở di động trước hay cố định trước? mở dịch vụ giá trị gia tăng trước hay mở dịch vụ cơ bản trước ?

Mở cửa thị trường viễn thông các nước trên thế giới đã khó, thì mở cửa thị trường viễn thông ở Việt Nam càng khó hơn vì ở Việt Nam chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhà nước; thứ hai, vẫn còn gắn bó với an toàn an ninh quốc gia rất mạnh nên là vấn đề rất nhạy cảm.

Có nhiều lúc cũng căng thẳng, họp Đảng ủy một số ý kiến cũng đặt vấn đề bây giờ nếu mở cửa thị trường thì Chủ nghĩa xã hội ở đâu? Lúc đó tôi khẳng định: Tôi sẽ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng.

Và khi quyết định mở cửa thị trường được đưa ra, chính đội ngũ cán bộ chủ chốt cũng bị sức ép nặng nề, hồi hộp theo dõi từng động thái của thị trường.  Tuy có người phản ứng hoặc hiểu lầm song cũng có nhiều người ủng hộ.

Kết quả thực tế trong nhiều năm qua dù có thăng trầm nhưng bộ mặt viễn thông hiện nay đã có những thay đổi bất ngờ mà có thể nói là thần kỳ trong đó bản thân VNPT cũng ngày càng tốt hơn, khả năng cạnh tranh ngày càng nâng cao và vẫn giữ được vị thế của mình.

Bây giờ chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những người đi nhặt phế liệu hay bà bán rau bây giờ vẫn kè bên tai chiếc điện thoại di động. Du khách quốc tế đến Việt Nam, Việt kiều trở về nước đều thán phục trước sự thay đổi thần tốc của thị trường viễn thông trong nước.

Vì vậy, tôi rút ra một điều rằng, lãnh đạo phải dám làm dám chịu, phải "sạch" và phải có tầm nhìn. Lãnh đạo phải xả thân, nhưng cũng phải vô tư và gương mẫu đừng để cấp dưới có những ý kiến không hay.

Ảnh Lê Anh Dũng.

Vấn đề tiếp theo là khi chúng ta có định hướng đúng thì cần phải đi theo định hướng đó, đừng làm "méo mó" nó. Ví dụ: định hướng đi vào công nghệ hiện đại, phải có bước đi cụ thể cái nào trước cái nào sau nhưng định hướng thì không thay đổi. Khi có định hướng thì có bước đi khác, thời điểm khác, các biện pháp khác, từng dự án có thế khác hướng thì ko thay đổi.

Cuộc sống luôn thay đổi, phải đặt cá nhân hay tổ chức của mình, đặt người lãnh đạo ở bất cứ một vị trí công việc nào vào những áp lực trách nhiệm. Áp lực đó bắt buộc cá nhân hay tổ chức đó phải luôn nhìn lại mình để tiếp tục sáng tạo, đổi mới và phát triển trong những điều kiện mới. Còn nếu anh say sưa với những thành tích đã có thì rồi sẽ rơi vào tình trạng trì trệ nguy hiểm.

Phải mở cửa hơn nữa cho tư nhân

Hơn 35 năm gắn bó, trăn trở của ông cho sự phát triển của ngành bưu chính viễn thông bây giờ là gì?

Nói chung về cơ bản là tốt rồi, tâm tư đúng là không có tâm tư gì nhiều. Mở cửa thị trường nói chung là tốt nhưng có một điều là sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực kinh doanh mạng lưới và khai thác dịch vụ viễn thông vẫn còn quá hạn chế.

Nếu có sự tham gia mạnh hơn của nhiều thành phần kinh tế thì tôi tin hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh doanh sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Ví dụ như việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng, khi mà các doanh nghiệp nhà nước nào cũng muốn làm riêng thì các doanh nghiệp tư nhân họ sẵn sàng chấp nhận thuê lại cơ sở hạ tầng nếu mang lại hiệu quả kinh tế hơn.

Chưa nói chuyện bây giờ có nhiều nhóm lợi ích, chưa nói chuyện bây giờ nhiều công ty có sân sau. Đó là sự không lành mạnh của môi trường nhưng đứng về mặt bằng chung mà nói thì sự tham gia của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực viễn thông là hơi chậm hơn so với mức tôi dự kiến và mong đợi.

Theo ông, đâu là nguyên nhân và giải pháp cho điều ông vừa nói?

Tôi cũng có trao đổi với anh em về chuyện này, có thể vì nhiều lý do khác nhau nhưng điều dễ nhận thấy là Pháp lệnh Bưu chính viễn thông mặc dù có hiệu lực từ năm 2002 nhưng các Nghị định chưa có gì khuyến khích.

Luật Bưu chính viễn thông mới ra đời cũng có nhiều đổi mới phù hợp với tình hình thì trường hiện nay ở Việt Nam nhưng trong quá trình triển khai chưa có nhiều nổi trội.

Để thị trường viễn thông phát triển mạnh hơn, tạo đà cho sự phát triển xã hội và phát triển đất nước tôi cho rằng chúng ta cần tạo điều kiện cho các thành phần tham gia vào lĩnh vực viễn thông khi 97-98% thị phần vẫn còn của nhà nước. Một hướng đi nữa là cần phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho Bưu chính viễn thông.

Cụ thể trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy nhanh tiến trình Cổ phần hóa các DNNN trong lĩnh vực viễn thông. Tôi tin những tập đoàn lớn mạnh đó sẽ vẫn đứng vững, sẽ không "chết" như nhiều người lo lắng.

Bước đi thứ hai là đẩy mạnh việc bán lại dịch vụ. Bây giờ cũng đã có một số cái rồi nhưng chưa nhiều, trong khi trên thế giới điều này rất phổ biến. công đoạn bán lẻ dịch vụ viễn thông nên cho nhiều thành phần kinh tế vào cạnh tranh, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn rất nhiều.

Theo www.tuanvietnam.net

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0