Thứ hai, 29/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 14/08/2010
Việt Nam cần có thêm nhiều FPT Software

Gia công phần mềm xuất khẩu của Việt Nam muốn có uy tín đáng kể trên thị trường toàn cầu và đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế đất nước cần có hàng chục doanh nghiệp có quy mô như FPT Software hiện nay.

1.jpg.jpg

Phát triển chậm

Năm 1999, FPT xung phong vào mặt trận gia công phần mềm, mở cả chi nhánh ở Ấn Độ và Mỹ. Khi đó, FPT ấp ủ ước mơ mang tên “528 - 5 nghìn lập trình viên, 200 triệu USD doanh thu xuất khẩu phần mềm và 8 tỷ USD giá trị thị trường”. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó FPT đã rút lui khỏi Ấn Độ và Mỹ “không kèn không trống”.

Đó là thất bại đáng nhớ đầu tiên của FPT nói riêng và với lĩnh vực gia công phần mềm xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Thất bại này là tín hiệu cho thấy gia công phần mềm xuất khẩu không hề dễ dàng, không phải là chuyện người khác không làm thì mình làm.

Thực tế hơn 10 năm của lĩnh vực gia công phần mềm của Việt Nam đã chứng minh điều đó. Mặc dù, đây là lĩnh vực được Chính phủ rất kỳ vọng sau khi đưa ra chương trình phát triển công nghiệp phần mềm quốc gia giai đoạn 2000 - 2005 cùng với các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai và nhiều thứ khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lĩnh vực gia công phần mềm xuất khẩu phát triển rất chậm và mới chỉ đóng góp một phần rất nhỏ cho xã hội.

Theo số liệu thống kê của Hội Tin học TP.HCM, gia công phần mềm xuất khẩu của Việt Nam đạt doanh thu 130 triệu USD vào năm 2009 và dự kiến tăng 26% lên 155 triệu USD trong năm nay. Với quy mô doanh thu đó, Việt Nam mới chỉ chiếm một phần cực nhỏ trong thị trường thuê gia công phần mềm toàn cầu trị giá hàng chục tỷ USD.

Tiềm năng, mới nổi và quy mô nhỏ

Năm 2009 và 2010 là thời gian nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, làm cho dung lượng thị trường gia công phần mềm giảm đi. Tuy nhiên, điều này chỉ tác động nhiều tới các “ông lớn” như Ấn Độ, Trung Quốc, chứ Việt Nam với quy mô rất bé như hiện nay sẽ bị ảnh hưởng không nhiều. Thậm chí, ở khía cạnh nào đó, khủng hoảng còn tạo ra nhiều cơ hội hơn cho chúng ta bởi vì khó khăn tài chính có thể khiến nhiều công ty thuê gia công chấp nhận rời bỏ đối tác quen thuộc để tìm đến nơi có giá thuê rẻ hơn.

Vấn đề chính với Việt Nam hiện nay là chúng ta chưa có gì nổi trội, quy mô nhỏ. Các doanh nghiệp làm gia công phần mềm xuất khẩu hiện nay hầu hết có quy mô dưới vài trăm người, chỉ có FPT Software trội hẳn lên với quy mô 2.700 người và vài công ty gần mức 1.000 người như TMA hay CSC. Các nghiên cứu và khảo sát thị trường quốc tế như Gartner hay Tholons đều đánh giá gia công phần mềm của Việt Nam mới ở dạng tiềm năng, mới nổi...

Thực tiễn đã chứng tỏ gia công phần mềm không phải là cứu cánh kiếm tiền dễ như nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam ban đầu kỳ vọng mà đó là cuộc chơi bài bản về xây dựng năng lực để thi đấu quốc tế. Gia công phần mềm là cuộc chơi quy mô, đó là ngành công nghiệp cần có số lượng người lớn và đầu tư dài hạn. Như người sáng lập của công ty gia công phần mềm lớn nhất Ấn Độ Infosys Narayana Murthy nói: “Nếu một công ty làm gia công phần mềm không đẩy lên được cỡ 1.000 người thì công ty đó vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm”.

Theo bà Bùi Thị Hồng Liên, Tổng giám đốc Công ty phần mềm FPT (FPT Software), quy mô nhỏ sẽ gây ra một hệ lụy có tính dây chuyền: khách hàng không coi Việt Nam là điểm đến, đặc biệt là khách hàng lớn không chú ý đến chúng ta. Như vậy, doanh nghiệp không có cơ hội tham gia các dự án lớn, không có cơ hội tham gia các công đoạn có giá trị cao về nghiệp vụ để nâng cao năng lực sản xuất và phát triển lâu dài. Gia công các dự án nhỏ lẻ hoặc ở công đoạn đơn giản, giá trị thấp cũng sẽ khiến các doanh nghiệp không có cơ hội xây dựng cũng như tuyển dụng được nguồn nhân lực tốt.

Tạo dựng nhóm doanh nghiệp đầu đàn

Làm thế nào để tăng quy mô? Đối với các doanh nghiệp, bà Bùi Thị Hồng Liên cho rằng: “Nên đầu tư về quy trình sản xuất để có thể nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Việc chuẩn bị tốt nguồn nhân lực có kỹ năng công nghệ và khả năng quản trị dự án tốt là rất cần thiết để mở rộng quy mô và đón đầu cơ hội”.

Nhìn từ góc độ rộng, theo ông Hoàng Ngọc Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn CMC, Việt Nam muốn có thương hiệu về phần mềm trên thị trường toàn cầu cần tạo ra vài chục công ty có quy mô trên nghìn người. Nếu cả nước chỉ có 5-6 công ty có quy mô trên một nghìn người thì chỉ đủ cung ứng cho thị trường nội địa.

Nhưng, việc duy trì công ty gia công phần mềm 1.000 người không dễ, rất tốn kém nếu không có kịch bản hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và môi trường đầu tư. “Nếu không có đủ các yếu tố trên, không ai dám xây dựng công ty 1.000 người”, ông Hùng nói.

Nhìn vào thực tế của ngành phần mềm Việt Nam có thể thấy điều này. Các công ty gia công phần mềm xuất khẩu có “số má” ở Việt Nam hiện tại đa phần có yếu tố nước ngoài như TMA, CSC hay Harvey Nash, chỉ có duy nhất FPT là “thuần Việt” 100%. FPT là đơn vị phát triển hài hòa và có nhiều lĩnh vực khác có thể bổ trợ cho gia công phần mềm xuất khẩu khi cần. Ngoài FPT, các công ty CNTT của Việt Nam không có các mảng thị trường khác thường chỉ có vài trăm người làm gia công với doanh thu khoảng vài triệu USD mỗi năm.

Để giúp các doanh nghiệp tăng quy mô, ông Hoàng Ngọc Hùng cho rằng nhà nước nên đưa ra các ưu đãi và chính sách hỗ trợ giống như mô hình đối tác của các doanh nghiệp CNTT. Ví dụ trong mô hình kinh doanh của Cisco, người làm đối tác bán hàng thì được hưởng mức chiết khấu thấp nhưng nếu đối tác đó đầu tư tạo ra một số người có chứng chỉ sẽ được hưởng mức chiết khấu khác cao hơn. Nghĩa là Cisco luôn tạo ra cơ hội để các đối tác bán được nhiều sản phẩm cho hãng này sẽ có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn.

Muốn có nhiều công ty gia công phần mềm mạnh, nhà nước nên đặt ra các tiêu chí thế nào là mạnh và chia ra các mức như ruộng bậc thang để các doanh nghiệp tự leo lên: ví dụ, quy mô nhân lực 100 là mức 1, 500 là mức hai hay 1.000 trở lên là các mức khác. Sau đó, nhà nước có thể đưa ra các tham số hỗ trợ rõ ràng để doanh nghiệp không phải tự bơi đến mức đấy.

Theo ông Hùng, nếu Việt Nam có khoảng hơn chục công ty gia công phần mềm có trên 1.000 người, khi đó thương hiệu của đất nước trên thị trường gia công toàn cầu sẽ tốt lên nhiều. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng an tâm hơn nhiều vì họ sẽ có nhiều lựa chọn và không lo bị độc quyền.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần có các chương trình đầu tư dài hạn cho nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng với các kỹ năng cần thiết để khi ra trường có thể tham gia ngay vào các dự án của các doanh nghiệp; có chính sách tốt khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng ở các khu công nghệ cao; hỗ trợ tối đa các điều kiện về viễn thông và đường truyền trong các khu công nghiệp cũng như đẩy mạnh thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Theo www.ictnews.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0