|
Ông Eric Schmidt, giám đốc điều hành (CEO) của Google - Ảnh: Telegraph |
Google thừa nhận rằng hãng đã có những cuộc nói chuyện với nhà cung cấp mạng viễn thông Mỹ Verizon và thậm chí đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về việc liên minh này sẽ kiểm soát sự lưu chuyển thông tin trên hệ thống mạng toàn cầu ra sao.
Gần như ngay lập tức, đã có những ý kiến e ngại rằng nếu kế hoạch này được thông qua, nó sẽ tạo tiền đề cho viễn cảnh của một mạng toàn cầu bị chia cắt, khi đó hiệu năng truy cập tốt nhất sẽ chỉ dành để bán cho ai trả giá cao nhất. Một vài nhà phân tích còn bi quan hơn khi gọi đó là “ngày tàn của Internet”, hay “dấu chấm hết cho mạng toàn cầu”.
Quy tắc về yếu tố trung lập của mạng toàn cầu là một trong những ý tưởng nền tảng vô cùng cơ bản khi người ta khai sinh ra “web”. Ông Gigi Sohn, giám đốc của Public Knowledge, một tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của tài nguyên số, nói rằng giao kèo giữa Google và Verizon về việc tổ chức sự lưu thông của dữ liệu trên Internet là “đáng tiếc” và “vô nghĩa”, theo ông thì số phận của Internet là một vấn đề quá vĩ mô để có thể bị định đoạt chỉ bởi những cuộc đàm phán giữa hai công ty trong ngành công nghiệp.
Josh Silver, giám đốc của Free Press, một tổ chức cải cách truyền thông, đã viết một bài trên tờ Huffington Post cảnh báo: “Từ những ngày đầu tiên, thế giới mạng đã luôn là một sân chơi công bằng cho phép mọi dữ liệu được trung chuyển với tốc độ như nhau, bất kể đó là thông tin từ ABC News hay đơn giản chỉ là trang blog của một ai đó. Điều này không chỉ áp dụng cho Internet, mà còn đúng với cả tương lai của truyền hình, phát thanh và những kênh truyền thông tư nhân.”
Đáp lại, Google nói rằng sự phân biệt đối xử là có thật, nhưng là “chấp nhận được” dưới một số “hoàn cảnh” nhất định. Ông Eric Schmidt, giám đốc điều hành của Google, cho biết công ty đã bàn bạc với Verizon từ rất lâu trong nỗ lực đạt được một sự đồng ý về việc định nghĩa thế nào mới là “Trung lập Internet” thật sự.
Vào đầu năm nay, công ty cung cấp Internet Comcast bị phạt vì đã "lén lút" hạ thấp tốc độ truy cập của những khách hàng tải về quá nhiều thông tin, mặc dù sau đó bản án đã bị tạm hoãn, vì các nhà làm luật tranh cãi về những gì mà các công ty có thể làm (một cách hợp pháp) để kiểm soát truy cập. Trong khi đó tại Anh, BBC đang bị chỉ trích vì dịch vụ iPlayer của họ xuất hiện quá nhiều, đồng nghĩa với với việc doanh nghiệp này đang sử dụng quá mức tài nguyên thông tin của nước này.
Rõ ràng cần phải có một hệ thống luật mới, chặt chẽ hơn, thức thời hơn để bảo vệ quyền lợi tiếp cận thông tin của người dùng Internet trên khắp thế giới. Vào năm 2006, cha đẻ của Internet hiện đại là Vinton Cerf đã nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ về sự hệ trọng và cần thiết của việc phải có một đạo luật nhằm điều chỉnh và theo dõi việc cạnh tranh cung cấp dịch vụ giữa các nhà cung cấp Internet (ISP).
Theo www.nhipsongso.tuoitre.vn