Thứ tư, 24/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 09/08/2010
Dịch vụ CNTT là vấn đề "Nóng"

Tọa đàm góp ý cho 2 dự thảo “Đề cương chương trình phát triển CN CNTT đến năm 2015, tầm nhìn 2020" và "Nghị định Hướng dẫn một số điều luật CNTT về dịch vụ CNTT" được tổ chức trong tháng 6/2010 tại TP.HCM. Doanh nghiệp CNTT và đại diện các ban ngành đã tích cực góp ý cho các dự thảo.

Lần này, Dự thảo Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật CNTT về dịch vụ CNTT là một nội dung góp ý “nóng”. Sẽ có 5 nhóm dịch vụ CNTT nằm trong phạm vi điều chỉnh: Dịch vụ tư vấn CNTT; đào tạo CNTT; an toàn bảo mật thông tin; cho thuê không gian lưu trữ thông tin số và các dịch vụ nội dung thông tin số.

Theo Vụ CNTT, Có 10.000 DN đăng ký cung cấp dịch vụ CNTT nhưng không ít DN chỉ hoạt động cầm chừng hay chỉ đứng tên trên giấy… Do đó, việc ban hành Nghị định Hướng dẫn một số điều luật CNTT về dịch vụ CNTT là cần thiết để chấn chỉnh vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Vụ phó Vụ CNTT, Ban soạn thảo đã thống nhất chỉ đưa vào dự thảo những dịch vụ có nội dung điều chỉnh về Luật CNTT. Một số dịch vụ không nhắc đến sẽ áp dụng các điều khoản trong Luật CNTT. Đồng thời, các dịch vụ có hàm lượng CNTT thấp như đào tạo từ xa, khám chữa bệnh trực tuyến… sẽ được đưa ra ngoài danh sách các dịch vụ CNTT.

Việc áp dụng chính sách ưu đãi về thuế cho ngành CNTT phải tuân theo khung quy định của Bộ Tài chính. Do đó, Vụ CNTT chỉ có thể vận dụng các ưu đãi thuế dành cho bộ phận gia công phần mềm và các ứng dụng công nghệ cao. Về cấp chứng chỉ hành nghề cho các tổ chức/cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn CNTT, Vụ CNTT sẽ giao lại cho các sở TTTT.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT cho rằng, Bộ TTTT đã có Sách trắng cung cấp dữ liệu về các DN CNTT từ năm 2009 và đã đưa lên trang web của Bộ TTTT. Trong Sách trắng, có đưa tên các công ty hàng đầu của Việt Nam về CNTT. Tuy nhiên, việc cập nhật thông tin để làm Sách trắng từ các DN rất khó khăn. Vừa qua, đã có một số chính sách ưu đãi cho ngành CNTT tuy có nhưng chưa thể triển khai. Các cơ quan nhà nước sẽ lắng nghe ý kiến của DN trong ngành CNTT để bản dự thảo trở nên hoàn chỉnh hơn.

Thiếu tiềm lực cạnh tranh


Ông Nguyễn Hữu Lệ (đứng), Chủ tịch hội đồng tư vấn công ty TMA góp ý tại tọa đàm.

Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch hội đồng tư vấn Công ty Phần mềm TMA, 10 năm qua ngành CNTT Việt Nam mất đi nhiều cơ hội. Các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trước đây có khá nhiều nhờ danh tiếng Việt Nam trong lĩnh vực gia công phần mềm. Nhưng gần đây, cũng chỉ là một số gương mặt quen thuộc như FPT, TMA, CSC… Điều này khiến cho các đối tác nước ngoài ngần ngại đầu tư vào nước ta bởi phần lớn DN ngành CNTT chỉ có quy mô 10 -20 người. Ông Lệ cũng nêu ra vướng mắc về nguồn nhân lực: DN Việt Nam do không có điều kiện giữ người giỏi nên khó đáp ứng yêu cầu đặt hàng từ đối tác nước ngoài. Có những hợp đồng lớn của nước ngoài yêu cầu DN phải có 20% đội ngũ nhân viên có 5 năm kinh nghiệm làm phần mềm.

Ông Ngô Hùng Phương, Giám đốc Công ty Phần mềm CSC Việt Nam, cho rằng cần xác định mục tiêu cụ thể cho ngành CNTT. Theo số liệu báo cáo, năm 2010 Việt Nam có khoảng 60.000 người làm phần mềm, nhưng con số hiện thực nay được bao nhiêu người? Rồi tỷ lệ chuyển việc làm ở nước ta có phải là 5-7% hay không? Cần có những đánh giá chi tiết về thực trạng ngành CNTT. Các DN nước ngoài tiếp nhận thông tin ngành CNTT Việt Nam với nhiều con số khác nhau. Nếu chúng ta chưa biết rõ về thực trạng ngành CNTT thì rất khó thực hiện kế hoạch phát triển.

Ông Phương cũng đề xuất cần có nghiên cứu chính sách khuyến khích từ các nước lân cận; như các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia; thậm chí là Ấn Độ. Chính sách của nước ta vẫn chưa bằng Ấn Độ và Việt Nam cần áp dụng chính sách ưu đãi bằng hoặc tốt hơn các đối thủ cạnh tranh.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty VNG lại cho rằng, thị trường nội địa với 86 triệu dân là 1 thị trường tiềm năng. Hiện nay, Việt Nam chỉ có 25% người dân sử dụng Internet; các nước khác có tỷ lệ người sử dụng Internet khoảng 50 - 60%. Ngành CNTT trong nước có ít lợi thế cạnh tranh so với nước ngoài; như phần cứng có đến 70 - 90% giá trị được nhập khẩu. Nội dung số và dịch vụ Internet cung cấp cho thị trường nội địa mới tạo ưu thế cho DN trong nước. Ở thị trường Mỹ, có khá nhiều công ty kinh doanh dịch vụ chạy trên Internet (Internet Base) phát triển mạnh, có khả năng vượt qua các đại gia trong ngành CNTT như Microsoft.

Theo GS Nguyễn Lãm, , dịch vụ CNTT là cầu nối giữa DN và người tiêu dùng, Chính phủ và người dân, nghiên cứu phát triển và ứng dụng... Ở một số quốc gia, dịch vụ CNTT đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia. Ở Úc, từ năm 2007, dịch vụ CNTT đã đóng góp 4% vào GDP, lớn hơn đóng góp của nông nghiệp (Úc có nền nông nghiệp mạnh). Trên thế giới, giá trị thị trường dịch vụ CNTT năm 2008 là 817 tỷ USD và công ty nghiên cứu thị trường Gartner đã dự đoán, đến 2012 sẽ là 1.000 tỷ USD.

Cũng theo ông Lãm, nước ta có tổng doanh thu ngành CNTT đạt khoảng 2 tỷ USD vào năm 2008; chiếm tỷ trọng còn thấp so với các nước khác. Dịch vụ CNTT ở nước ta phát triển tương đối nhanh nhưng mang tính tự phát, quy mô nhỏ, chất lượng và mức độ chuyên nghiệp chưa cao. Cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ này; nếu không có biện pháp hiệu quả thì trong tương lai dịch vụ CNTT sẽ trở thành mảnh đất dành riêng cho các DN nước ngoài.

Cụ thể hoá các chính sách

Ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM búc xúc: Hải quan và ngành thuế không nên đối xử với sản phẩm/thiết bị của ngành CNTT như quần áo may sẵn, mỹ phẩm… Những nghị định, những chi tiết mà các cơ quan này ban hành đều xem máy móc, thiết bị CNTT giống như quần áo, mỹ phẩm; thậm chí còn gắt gao hơn. Đồng thời, phải xem lại biện pháp quản lý lao động người nước ngoài, không nên gây khó khăn trong việc cấp Visa cho họ đến làm việc tại Việt Nam.

Ông Lã Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Luxoft Việt Nam góp ý: Chất lượng nhân lực cho ngành CNTT nước ta còn kém. Nên có sự phối hợp giữa các DN và cơ sở đào tạo để nâng cao chất lượng. Việc hợp tác giữa 2 bộ phận này cho đến giờ vẫn chưa tốt. Nhà nước nên tác động vào quá trình hợp tác giữa cơ sở đào tạo và DN để góp phần nguồn nhân lực có chất lượng tốt hơn.

Ông Lệ, Công ty TMA cũng nhấn mạnh vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) cho ngành CNTT. Ông cho rằng cần phát triển mạnh lĩnh vực này và các thiết bị phục vụ cho công tác R&D cần được miễn thuế nhập khẩu. Đồng thời, Nhà nước nên tổ chức lại thông tin DN trong ngành CNTT để các đối tác nước ngoài dễ dàng biết đến DN Việt Nam.

Theo ông Minh, công ty VNG, việc cấp visa làm việc tại Việt Nam cho lao động nước ngoài khá phức tạp. VNG phải mất nhiều thời gian để lấy được Visa làm việc cho một số lao động nước ngoài. Về nguồn nhân lực, nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách giảm thuế thu nhập cho những người làm việc trong ngành CNTT; hiện nay tuy có chính sách giảm thuế nhưng còn giới hạn về đối tượng.

Ông Phương, CSC Việt Nam cho rằng trong dự thảo về dịch vụ CNTT nên cụ thể hoá các chính sách ưu đãi. Về hoạt động tư vấn CNTT, nếu các cá nhân hoặc công ty đã có giấy phép hành nghề chuyên ngành thì có cần lấy thêm chứng chỉ hành nghề trong nước hay không. Đồng thời, các chuyên gia nước ngoài đã có giấy phép hành nghề quốc tế thì có cần có thêm giấy phép này không.

Ông Minh góp ý thêm: "Hiện nay, các DN kinh doanh đa ngành gặp nhiều khó khăn khi làm việc với ngành thuế. Các cơ quan quản lý nhà nước nên cố gắng đơn giản hoá thủ tục để DN tập trung vào việc kinh doanh".

Ông Lê Nết, ủy viên Ban chấp hành Hội Tin học TP.HCM góp ý kiến cho dự thảo "Nghị định Hướng dẫn một số điều luật CNTT về dịch vụ CNTT": Về quy định chứng chỉ hành nghề, nên bỏ điều kiện “5 năm” kinh nghiệm khi cấp chứng chỉ tư vấn CNTT. Ở Việt Nam, hiện nay, để làm tư vấn CNTT không cần thiết phải có kinh nghiệm 5 năm.

Theo www.pcworld.com.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0