Thế giới phẳng và chủ quyền số
Có thể nói từ khi VN có Internet, cũng là lúc VN bước vào “thế giới phẳng”. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng trong thế giới không có đường biên giới này, vẫn rất cần chủ quyền số quốc gia. Thế nhưng trên thực tế, dù ít nói ra song các DN, tập đoàn lớn đang sử dụng Internet như một công cụ số để xâm lấn chủ quyền quốc gia số ở nhiều khu vực.
Theo đại diện Bộ TT-TT thì thực tế, Internet đã mang lại cho VN cũng như nhiều quốc gia trên thế giới những mặt tích cực và lợi ích. Thế nhưng, Internet cũng khiến VN đang gặp phải những mặt trái và nhiều vấn đề phát sinh. Một trong những ví dụ rất cụ thể là Google đã từng gặp rất nhiều lỗi sai trong việc hiển thị đường biên giới Việt - Trung. Hay như tại bản đồ số của Hội Địa lý Mỹ cũng từng có những lỗi sai về chủ quyền Hoàng Sa của VN. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề chủ quyền số rất khó nhận biết như việc gọi tên, đánh dấu địa danh, hay như vấn đề phổ biến tư tưởng, quan điểm...
Một chuyên gia của Bộ TT-TT thông nhận định: Đằng sau công cụ tìm kiếm thông thường, rất có thể là sự tác động có chủ ý của nhà cung cấp. Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cho rằng: Điều này đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước những bài toán hóc búa trong việc đưa ra những chính sách, định chế pháp lý để quản lý thông tin trên Internet và khẳng định chủ quyền số quốc gia.
Giữ bằng cách nào?
Vấn đề này đòi hỏi VN cần có ứng xử cấp thiết, mạnh mẽ hơn trong vấn đề này. Một chuyên gia cho rằng không phải vô tình mà Trung Quốc có sự đấu tranh rất quyết liệt với Google. Một số quốc gia khác cũng thẳng thừng có những chính sách cứng rắn với Google và YouTube và gần đây là FaceBook. Một trong những lý do đó chính là sự quan ngại về chủ quyền số quốc gia.
Tại VN, Google, YouTube và Face Book... cũng phần áp đảo chiếm thị phần nội dung số trên Internet. Bản thân danh sách 10 website có lượng truy cập lớn nhất tại VN chỉ có 4 địa chỉ có nguồn gốc xuất xứ trong nước. Do vậy, việc xác định chủ quyền số quốc gia giúp Chính phủ khẳng định được quyền và khả năng của mình trong việc thực hiện những chính sách đối nội, đối ngoại của quốc gia trong lĩnh vực thông tin.
Ông Igor Ashmanov - TGĐ Cty Ashmanov, chuyên gia trong vấn đề này - đã chỉ ra những yếu tố nền tảng của chủ quyền số quốc gia, bao gồm thuật toán mã hóa riêng của quốc gia, có các thiết bị mạng riêng, có bộ vi xử lý riêng, hệ thống định vị địa lý và hạ tầng thông tin Internet quốc gia... và khẳng định đây là những công cụ giúp VN cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đây cũng là cơ sở để phát triển chính phủ điện tử tại VN và là một bước đi quan trọng trong việc xây dựng chủ quyền số quốc gia.
Theo www.laodong.com.vn