Chỉ có cần câu? Chưa đủ
Mới đây, Ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ (FCC) vừa công bố một báo cáo có tên “Sự thâm nhập và sử dụng Internet băng rộng ở nước Mỹ” với những số liệu khiến không ít người phải giật mình: Cho đến năm 2010, nước Mỹ vẫn còn khoảng 93 triệu người “chưa có kết nối Internet”, chiếm khoảng 35% dân số. Thực tế này cho thấy, bất chấp những nỗ lực của chính phủ, khoảng cách số giữa các nhóm dân cư vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Vậy đâu là nguyên nhân? Không thể nói Mỹ đã không “chi đậm” hay công nghệ của họ thấp kém. Theo ông chủ tịch FCC Julius Genachowski, việc có tới 93 triệu người cần được “nối mạng” là thách thức không nhỏ đối với nước Mỹ bởi “trong thế kỷ 21, khoảng cách số cũng chính là khoảng cách về cơ hội tiếp cận các điều kiện cải thiện cuộc sống”. Nhưng điều quan trọng nhất là thực tế này cho thấy cách làm “cứ cho họ cái cần câu” là chưa đủ mà còn phải dạy họ cách sử dụng cái cần câu ấy thế nào để có thể bắt được cá. “Nói một cách khác, để xóa khoảng cách số, tất cả người dân Mỹ cần phải có những kỹ năng tin học căn bản và phải được tham gia một cách đầy đủ vào nền kinh tế số”, ông Julius Genachowski nói.
Nhưng bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận một thực tế khác là những dự án, kế hoạch xóa khoảng cách số bằng cách mạng Internet đến từng hộ gia đình Mỹ vẫn bỏ sót không ít người. Báo cáo của FCC cho biết, đến nay vẫn còn khoảng 6% người Mỹ vẫn đang hàng ngày truy cập Internet bằng modem quay số (đường truyền dial-up) cổ lỗ.
Kinh nghiệm rút ra là bất kỳ một chương trình xóa khoảng cách số nào cũng phải thỏa mãn 3 yêu cầu cơ bản: khả năng đáp ứng về chi phí của người dân, khả năng sử dụng Internet và máy tính và sự thỏa đáng của mỗi khoản đầu tư. Khoảng 1/3 trong số 93 triệu người Mỹ chưa được “nối mạng” cho biết họ “sợ Internet” bởi lo ngại mức phí thuê bao tháng quá đắt đỏ với thu nhập khiêm tốn của họ. Khoảng 22% cho biết dù đã có máy tính và Internet nhưng họ vẫn cương quyết cự tuyệt bởi… không biết dùng thế nào hay lo sợ bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc sợ bị “đầu độc” bởi những nội dung độc hại…
Hồi đầu tháng 7 này, chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố sẽ tiếp tục chi thêm 795 triệu USD cho 66 dự án phát triển băng rộng trên toàn lãnh thổ nước này nhưng sẽ chỉ chủ yếu nhằm mục đích phục vụ cho các doanh nghiệp ở vùng nông thôn gia tăng sức cạnh tranh.
Theo ông Gary Locke, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các dự án đầu tư phát triển băng rộng này nhằm “nhanh chóng đưa người Mỹ trở lại nơi làm việc”.
Một mục tiêu khác của các dự án này này là kích thích phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn mà cụ thể là đưa đường truyền Internet băng rộng đến với 685.000 doanh nghiệp, 900 cơ sở chăm sóc y tế và 2.400 trường học. Nói một cách khác, Mỹ đã quyết định thực hiện chương trình xóa khoảng cách số bằng việc đầu tư vào những dự án cụ thể thay vì chỉ cung cấp đường truyền theo kiểu “thả nổi” như trước kia.
Nhưng không phải ai cũng đồng tình với kế hoạch này của chính phủ Mỹ. Robert J. Shapiro – một chuyên gia về kinh tế - thương mại đã từng làm cố vấn cho chính quyền Bill Clinton cho rằng, nếu muốn xóa khoảng cách số, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải nhanh chóng xóa bỏ mô hình “cào bằng” về mức phí sử dụng. Theo ông Shapiro, những người sử dụng Internet tiêu tốn nhiều băng thông hơn (sử dụng các dịch vụ như xem, tải video, nghe nhạc, gọi điện thoại qua Internet…) cần phải chịu mức giá cước cao hơn so với những người chỉ sử dụng những dịch vụ cơ bản (lướt web tìm kiếm thông tin, email…). Nếu thực hiện được mô hình này, những người có thu nhập thấp sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với Internet và tạo ra sự “bình đẳng” giữa những người sử dụng.
“Nếu cứ tiêu thụ băng thông với tốc độ này, trong vòng 20 năm tới các ISP sẽ phải chi thêm ít nhất 300 tỷ USD để nâng cấp hạ tầng mạng của mình và khoảng cách số sẽ chỉ ngày càng bị nới rộng chứ không thể thu hẹp được”, ông Robert J. Shapiro kết luận.
Theo www.ictnews.vn
|
Mới có 65% dân số Mỹ được tiếp xúc với Internet. |
Giải pháp thì nhiều nhưng…