|
Thiết bị cho ngành công nghiệp CNTT Việt Nam chủ yếu phải mua của nước ngoài. Ảnh: N.Đ |
Phát triển “ì ạch”
Theo thông tin từ Vụ CNTT (Bộ TT&TT), năm 2000 doanh thu công nghiệp phần cứng máy tính Việt Nam chỉ đạt 196 triệu USD, thì đến năm 2009, doanh thu đã tăng lên con số 4,68 tỷ USD. Hiện nay, nhóm hàng máy vi tính, điện tử luôn nằm trong Top 10 ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, ngành công nghiệp CNTT cũng đã thu hút sự có mặt của nhiều tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới như Intel, SamSung, Canon, Fujitsu…
Dù đã đạt được bước tiến khả quan như vậy nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đặt trong thực tế phát triển chung trên thế giới và ngay trong khu vực, thì ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, hoạt động của ngành công nghiệp điện tử chủ yếu vẫn là lắp ráp sản phẩm, công nghiệp chế tạo phụ tùng, linh kiện và công nghiệp phụ trợ cũng phát triển chậm (công nghệ và thiết bị của phần lớn các doanh nghiệp được đánh giá là đã lạc hậu so với khu vực và thế giới từ 10 - 20 năm), dẫn tới tình trạng chưa đáp ứng được nhu cầu lắp ráp, phải phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm của công nghiệp phần cứng, điện tử Việt Nam bị mất cân đối nghiêm trọng: Tỷ lệ giữa sản phẩm điện tử dân dụng và sản phẩm điện tử chuyên dụng là 80 - 20%, trong khi tại các nước công nghiệp điện tử phát triển thì mảng dân dụng chỉ chiếm khoảng 12 - 15%, tức là thấp hơn Việt Nam từ 5 - 6 lần.
Cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Để “vực” ngành công nghiệp CNTT Việt Nam thoát khỏi tình cảnh phát triển “ì ạch”, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến việc tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải pháp về tạo thị trường, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cũng như giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh…
Ông Nguyễn Vũ Lưu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (Tập đoàn Viettel) thẳng thắn chỉ ra một thực tế là hiện nay Nhà nước đã và đang xây dựng một số phòng nghiên cứu trọng điểm quốc gia đặt tại một số trường Đại học, tuy nhiên không ít sản phẩm được nghiên cứu tại đây lại khó đi vào đời sống. “Nên chăng, Nhà nước cần đưa ra cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp như đặt phòng nghiên cứu tại các doanh nghiệp để việc khai thác cơ sở hạ tầng đạt được hiệu quả cao nhất?”, ông Lưu đặt vấn đề.
Ông Lưu cũng cho rằng, việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển sản phẩm là một “cuộc chơi” đồng nghĩa với sự tốn kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro do sản phẩm có thể bán được hoặc không. Chính vì vậy, Nhà nước cần xây dựng nhiều hơn những chính sách nhằm ưu đãi cho doanh nghiệp trong nghiên cứu sản phẩm, hỗ trợ ưu đãi thuế…
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng lưu ý: Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia như Đài Loan, Singapore, Thái Lan… về cách họ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp CNTT. Như tại Đài Loan, Chính phủ có cơ chế “đỡ đầu” cho một cơ quan (như Viện nghiên cứu) để nghiên cứu sản phẩm mẫu, rồi sau đó chuyển giao công nghệ cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất hàng loạt. Và chỉ khi sản phẩm bán được trên thị trường, doanh nghiệp kinh doanh có lãi thì Nhà nước mới tính đến vấn đề thu một phần phí. “Làm như vậy sẽ bớt được nguy cơ rủi ro cho doanh nghiệp khi phải đổ số tiền lớn vào nghiên cứu sản phẩm”, ông Hùng cho hay.
Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực
Theo ông Nguyễn Phước Hải, Giám đốc Công ty máy tính CMS, một trong những điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay chính là yếu kém trong năng lực thiết kế. Hiện nay các trường đào tạo gần như chưa có ngành học chuyên về nghiên cứu phát triển công nghiệp, mỹ thuật công nghiệp, không gian thiết kế công nghiệp…, trong khi đó các doanh nghiệp cũng chưa có nhiều hỗ trợ đào tạo nhân lực về mảng này mà chỉ “chăm chăm” đi thuê ngoài. Tại những quốc gia gần Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc luôn có chính sách phù hợp hỗ trợ cho nhân lực theo học về nghiên cứu, thiết kế kiểu dáng công nghiệp. Như Hàn Quốc, các doanh nghiệp sản xuất máy tính đều có nhân lực được đào tạo chuyên về nghiên cứu phát triển, thậm chí nhân lực đó có thể được đi học liên tục 5 năm, 10 năm tại những quốc gia có ngành công nghiệp thiết kế tiên tiến hàng đầu thế giới.
Chính vì vậy theo nhiều chuyên gia, nguồn nhân lực được đào tạo liên quan đến thiết kế công nghiệp là quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử nói chung, ngành sản xuất máy tính nói riêng. Nếu không có nhân lực để chủ động, thì những cố gắng đi thuê ngoài cũng chỉ là kế hoạch ngắn hạn giải quyết được nhu cầu trước mắt, thiếu tính bền vững.
Để khắc phục câu chuyện nhân lực hoạt động trong ngành công nghiệp CNTT còn nhiều yếu kém, đại diện Tập đoàn VNPT cũng chỉ ra rằng Nhà nước cũng cần đẩy mạnh chính sách, cơ chế thu hút nhân tài từ nước ngoài thông qua việc quan hệ với các trường đại học, đơn vị đào tạo uy tín…
Ngoài ra, các đơn vị đào tạo, giáo dục cũng cần sớm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc đào tạo theo nhu cầu thực tế của thị trường nhân lực CNTT, phối hợp với những Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước để nhận được tư vấn cho các nhà trường về nội dung chương trình đào tạo. “Hiện nay trong các trường đều có môn học tự chọn và bắt buộc, do vậy cần lồng ghép để đưa các môn học gắn với thực tế đòi hỏi của thị trường nhân lực vào phần tự chọn cho sinh viên, theo cách mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đang làm”, ông Nguyễn Vũ Lưu nhấn mạnh.
Theo www.ictnews.vn