Theo đó, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp có trách nhiệm công bố công khai toàn bộ thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của mình ngay khi cấp văn bằng cho người học.
|
Phôi bằng tốt nghiệp CĐ mới này vẫn được tiếp tục thực hiện - Ảnh: tư liệu |
Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng vừa chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp báo cáo về việc công bố công khai thông tin cấp văn bằng trên trang thông tin điện tử về Bộ GD-ĐT (qua Vụ Pháp chế) chậm nhất vào ngày 30-11 hằng năm.
Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế trên và các văn bản có liên quan đến việc cấp phát, quản lý văn bằng của giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành vào năm 2007, không ít trường tỏ ra khá lúng túng. Bên cạnh đó đã có nhiều trang cãi trong vấn đề này, nhất là trong vấn đề mẫu phôi bằng mới của Bộ GD-ĐT.
Không cấp lại
Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, theo quy định: “Bản chính văn bằng, chứng chỉ chỉ cấp một lần, không cấp lại”. Vì vậy, không được cấp lại bản chính văn bằng trong bất cứ trường hợp nào. Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng có trách nhiệm chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng đã cấp cho người học trong các trường hợp: sau khi được cấp văn bằng, người học được cơ quan có thẩm quyền cải chính hộ tịch theo quy định của pháp luật về cải chính hộ tịch; các nội dung ghi trên văn bằng, bị sai do lỗi của cơ quan cấp văn bằng. Ngoài hai trường hợp này, không được phép chỉnh sửa văn bằng đã cấp.
Nếu trường hợp chỉnh sửa nội dung ghi trên văn bằng, các trường phải ra quyết định chỉnh sửa, đồng thời chỉnh sửa các nội dung phải chỉnh sửa đã ghi trong sổ gốc cấp văn bằng. Không được chữa trực tiếp trên văn bằng, chứng chỉ; không được thu hồi lại bản chính văn bằng đã cấp. Đồng thời khuyến cáo người học có trách nhiệm cung cấp chính xác các thông tin để ghi trên văn bằng.
Người học có quyền yêu cầu cơ quan quản lý sổ gốc cấp bản sao từ sổ gốc văn bằng không hạn chế về số lượng. Bản sao từ sổ gốc cấp văn bằng có giá trị như bản chính. Bộ GD-ĐT nhắc nhở, trước khi cấp phát văn bằng, người có thẩm quyền cấp văn bằng, cần đưa thông tin sẽ ghi trên văn bằng cho người học để kiểm tra tính chính xác của thông tin.
Ghi hình thức đào tạo trên văn bằng ra sao?
Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn khá chi tiết việc ghi hình thức đào tạo trên văn bằng. Theo đó, nếu người học theo học chương trình giáo dục chính quy thì ghi “Hình thức đào tạo” là “Chính quy”, học chương trình giáo dục thường xuyên thì chỉ ghi một trong ba hình thức: “Vừa làm vừa học”; “Học từ xa”; “Tự học có hướng dẫn”. Người học theo học chương trình giáo dục thường xuyên theo hình thức đào tạo nào thì trên văn bằng ghi hình thức đào tạo đó.
Cũng theo hướng dẫn này, việc ghi tiếng Anh trên bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; bằng thạc sĩ, tiến sĩ vẫn được thực hiện theo hướng dẫn trước đây của Bộ GD-ĐT. Thông thường tên tiếng Anh của cơ sở giáo dục phải được xác định trong quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục; tên ngành đào tạo phải được xác định trong Chương trình khung giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành và hồ sơ đăng ký để được mở ngành đào tạo.
Việc xử lý các trường hợp phôi văn bằng bị hư hỏng, viết sai, chất lượng không đảm bảo thì người có thẩm quyền cấp văn bằng phải lập hội đồng xử lý và có biên bản hủy bỏ, ghi rõ số lượng, số hiệu và tình trạng phôi văn bằng trước khi bị hủy bỏ. Biên bản này phải được lưu trữ và việc hủy bỏ phải được báo cáo về Bộ GD-ĐT trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hủy văn bằng.
Trường hợp phôi văn bằng đã được cấp phát bị mất thì thủ trưởng cơ quan để xảy ra mất phôi văn bằng có trách nhiệm lập biên bản và thông báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất và báo cáo Bộ GD-ĐT để xử lý kịp thời.
Thứ trưởng Trần Quang Quý khẳng định: “Việc sử dụng mẫu văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại các quyết định, thông tư mới nhất đã được ban hành vẫn tiếp tục được thực hiện, Bộ GD-ĐT không chủ trương dừng lại hoặc tạm dừng cấp phôi văn bằng, chứng chỉ”.
Theo www.tuoitre.vn