|
Đề nghị tắt máy chủ game online và đường truyền internet đối với các đại lý internet từ 23 giờ của Sở TT-TT Hà Nội đang gây xôn xao dư luận - ảnh: D.Đ.M
|
Trả lời Thanh Niên hôm qua, Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Phạm Quốc Bản nói rõ Sở chưa chính thức phát đề nghị đến Bộ TT-TT như một số tờ báo đã nêu. Mà đây mới chỉ là các ý kiến được Sở đưa ra tại kỳ họp thứ 21 - HĐND TP Hà Nội khóa XIII diễn ra hồi giữa tháng 7.2010. Tuy nhiên, ông Bản cũng khẳng định, Sở sẽ sớm có văn bản kiến nghị chính thức về vấn đề này. Ngoài các biện pháp kỹ thuật nêu trên, Sở TT-TT Hà Nội cũng sẽ kết hợp các biện pháp khác như tuyên truyền vận động, tăng cường xử lý hành chính đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời Sở cũng sẽ kiến nghị Bộ khuyến khích đầu tư sản xuất các trò chơi trực tuyến của VN có nội dung lành mạnh.
Đánh vào nhu cầu giải trí của người trưởng thành
Trong dự thảo "Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến" hiện đang được Bộ TT-TT trình Chính phủ, Điều 14, Chương III (quy định về giờ chơi), nêu rõ thời gian cung cấp dịch vụ đối với doanh nghiệp (DN) game online (GO) gồm: Được cung cấp liên tục 24 giờ hằng ngày đối với GO đơn giản mà không hạn chế đối tượng; Đối với các GO còn lại, DN chỉ được cung cấp dịch vụ cho người chơi từ 8 giờ sáng đến 22 giờ.
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ trực tuyến FPT, cho rằng trong các lần được lấy ý kiến về dự thảo, nhiều DN cũng có thắc mắc xoay quanh việc làm thế nào để phân loại GO đơn giản và không đơn giản? Hiện dự thảo vẫn chưa đưa ra các tiêu chí để phân loại đó. Nếu như quy định quản lý GO theo hướng siết chặt để ngăn chặn trẻ em bị nghiện game thì việc ngưng cung cấp dịch vụ GO sau 22 giờ là không hợp lý. Bởi đó là giờ mà các trẻ em đều được gia đình quan tâm và quản lý chặt chẽ. Nếu trẻ còn chơi game ở nhà hoặc trốn ra các đại lý internet trong giờ này thì điều đó thuộc về việc giáo dục và quản lý trẻ tại gia đình. Như vậy, việc yêu cầu DN phải ngưng cung cấp dịch vụ GO sau 22 giờ là đánh trực tiếp vào nhu cầu giải trí của những người trưởng thành chứ không phải đối tượng trẻ em. Khi không được đáp ứng, người chơi đã trưởng thành này có đủ điều kiện về tài chính và kỹ thuật để chuyển sang chơi những GO của nước ngoài được lưu hành khá rộng rãi qua internet. Khi đó chỉ có DN phát hành GO trong nước là bị thiệt hại mà mục tiêu quản lý người chơi vẫn không đạt được.
Theo đại diện của một DN GO (đề nghị không nêu tên), việc thắt chặt trong quản lý game theo giờ sẽ vô tình đẩy người chơi quay lưng với game nội để chuyển sang game do nước ngoài cung cấp. Việc này sẽ gây thất thu cho DN game trong nước, đồng nghĩa với thất thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, việc người sử dụng quay sang chơi GO nước ngoài sẽ khiến cơ quan quản lý khó có khả năng kiểm soát các nội dung game xấu trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục VN. Vô hình trung, quy định lại hậu thuẫn cho các DN nước ngoài có lợi thế trong kinh doanh trò chơi GO tại VN. Ngoài ra, hiện có khá nhiều GO hiển thị hoàn toàn bằng tiếng Việt nhưng không phải do VN cung cấp mà hoàn toàn do nước ngoài quản lý.
Không thể cắt như "cắt cầu dao điện"
|
Ngưng cung cấp dịch vụ GO lúc 23 giờ là không hợp lý với mục tiêu quản lý trẻ em - ảnh: D.Đức Minh
|
Trưởng phòng phụ trách kỹ thuật của một đơn vị cung cấp dịch vụ internet (ISP) thuộc VNPT cho biết nếu thực hiện theo dự kiến của Sở TT-TT Hà Nội sẽ là khá phức tạp và tốn kém. Các DN khi thuê đường truyền của các ISP là thuê chung cho nhiều dịch vụ khác nữa chứ không chỉ riêng GO. Do vậy nếu yêu cầu các ISP chặn riêng dịch vụ GO thì sẽ rất khó khăn về mặt kỹ thuật. Còn nếu ISP phải chặn toàn bộ đường truyền internet của các DN cung cấp dịch vụ GO sau 23 giờ thì rõ ràng là điều không tưởng.
Việc chặn đường truyền tới các đại lý đăng ký dịch vụ internet lại là một câu chuyện khác. Trong hợp đồng của các ISP với các đại lý có điều khoản các ISP phải đảm bảo cung cấp dịch vụ 24/24 giờ. "Nếu quy định này được thông qua, các ISP và các đại lý sẽ phải làm việc để thỏa thuận lại về các điểm mâu thuẫn giữa hợp đồng và yêu cầu quản lý của Nhà nước", đại diện của ISP thuộc VNPT cho biết. Cũng theo vị này, để thực hiện yêu cầu của Sở TT-TT Hà Nội cần phải có một nghiên cứu bài bản cụ thể chứ không thể đơn giản "cắt như cắt cầu dao điện" được.
Trên thực tế, việc chặn đường truyền đối với các đại lý sau 23 giờ hoàn toàn không có nhiều ý nghĩa. Trong trường hợp này, rất có thể các đại lý sẽ thuê lại đường truyền internet của hàng xóm để đấu sang và cung cấp dịch vụ từ 23 giờ đến sáng hôm sau thì các ISP cũng không thể ngăn chặn được.
Ông Trần Phương Huy, Phó giám đốc Công ty đầu tư và phát triển công nghệ thông tin VTC Intercom, thì cho rằng DN đang chủ động xem xét việc tạm dừng dịch vụ vào ban đêm để đảm bảo sức khỏe cho người chơi. Tuy nhiên, việc dừng hệ thống khoảng 8 - 10 tiếng/ngày như theo các đề xuất trên cũng sẽ gây những ảnh hưởng lớn đến hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ.
Theo thiết kế của hệ thống máy chủ cũng như hệ thống trò chơi thì dịch vụ phải được chạy liên tục, trừ trường hợp có sự cố phải bảo dưỡng, mỗi lần dịch vụ bị dừng đột ngột sẽ xuất hiện một loạt các lỗi. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của dịch vụ, dẫn đến tình trạng khách hàng thắc mắc sẽ tăng cao, tạo thêm nhiều áp lực cho nhà phát hành.
Bên cạnh đó, mỗi lần tắt, bật một hệ thống dịch vụ GO, DN phải mất khá nhiều nhân sự và thời gian để chuẩn bị những công việc liên quan đến backup dữ liệu, triển khai các phương án dự phòng sự cố... Có những dịch vụ khi tắt phải tuân theo quy trình kéo dài vài tiếng đồng hồ chứ không đơn giản như tắt máy tính thông thường. Điều này sẽ tốn khá nhiều chi phí cho DN.
Theo www.thanhnien.com.vn