Thứ năm, 16/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 21/11/2006
Triển khai Thông tư 60

Tuyên bố đóng cửa 13 game online của Sở Bưu chính Viễn thông (BCVT) TP HCM làm dấy lên cơn bão trong làng game Việt. Các công ty kinh doanh trò chơi trực tuyến và game thủ đều ủng hộ việc hạn chế giờ chơi, nhưng việc triển khai thực tế còn nhiều lỗ hổng và khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.

Rắc rối từ "điểm thưởng"

Theo hầu hết các nhà phát hành game thì khái niệm “điểm thưởng” là nguồn gốc chủ yếu của những rắc rối trong việc triển khai Thông tư 60. Theo cách hiểu của họ, “điểm thưởng” là điểm kinh nghiệm nhân vật thu được trong quá trình chơi bằng cách tiêu diệt quái vật hoặc làm các nhiệm vụ. Công văn số 2547 của Bộ BCVT hướng dẫn triển khai quản lý giờ chơi thì “khái niệm ‘điểm thưởng’ quy định tại điều này chỉ tất cả những hình thức nhằm khuyến khích gamer tiếp tục chơi, có thể là điểm, hiện vật, tiền, hay các hình thức khác. Tùy vào kịch bản và nội dung từng trò chơi mà các Sở xem xét việc tuân thủ quy định này”. Văn bản hướng dẫn của Bộ được gửi đến Sở BCVT các tỉnh và doanh nghiệp kinh doanh game online vào ngày 16/11, trong khi việc thanh tra tại TP HCM được tiến hành từ ngày 7/11, quyết định xử lý lập từ ngày 15/11. Toàn bộ phương án hạn chế giờ chơi do doanh nghiệp xây dựng và áp dụng cho game của mình trước đó đều không thỏa mãn yêu cầu.

Theo phân tích của các chuyên gia, điểm kinh nghiệm, kỹ năng, tiền và vật dụng trong game online là một hệ thống thống nhất của phần mềm, được nghiên cứu thiết kế đảm bảo cân bằng trong cách chơi (gameplay), phù hợp với nội dung kịch bản và đặc trưng của thể loại game. Việc loại bỏ hoàn toàn điểm thưởng vừa làm thay đổi căn bản trò chơi vừa đòi hỏi một giải pháp kỹ thuật khó hơn cả việc khóa tài khoản người chơi. Nhà sản xuất game phải chỉnh sửa lại nhiều tính năng mặc định như khả năng tấn công, nhặt đồ, lên kinh nghiệm, tham gia hoặc khởi tạo nhóm… của nhân vật thành biến đổi theo thời gian thực. Chỉ số đồ vật vốn cố định cũng phải tính toán lập trình lại.

“Hạn chế điểm thưởng nhưng cơ quan chức năng không nêu rõ có cấm nhân vật được tham gia giao tranh không”, anh Nguyễn Hoài Nam, một lập trình viên cũng là game thủ tại Hà Nội, nói. Theo kỹ sư tin học này, nếu có cấm thì chẳng khác gì khóa tài khoản vì game thủ chỉ có thể ngắm cảnh hoặc trò chuyện, vậy thì làm theo cách khoá tài khoản cho đơn giản. Nếu không hạn chế giao tranh, nhà sản xuất phải lập trình can thiệp vào gần như toàn bộ trò chơi, kể cả tính năng lập nhóm (party), điểm đồ sát… Tuy không nhận được kinh nghiệm nhưng người chơi có thể dùng nhân vật mạnh để 'cày' đồ, kèm nhân vật yếu đi theo để nhặt, ăn kinh nghiệm theo nhóm. Đơn giản hơn, họ đi quậy phá, giết chóc, bảo kê chỗ luyện (ks),… Theo anh Nam, game online là hệ thống phần mềm phức tạp, thêm bớt chức năng không tính toán kỹ sẽ sụp đổ cả trò chơi.

Vì những khó khăn trên, doanh nghiệp trở tay không kịp với thời hạn 1 ngày từ khi có văn bản hướng dẫn (16/11) đến khi quyết định xử phạt được ký (17/11). Trước đó, hầu hết các nhà phát hành game đều đã trình phương án hạn chế giờ chơi sẽ áp dụng của mình lên Bộ BCVT xin ý kiến.

Quản lý giờ chơi là giải pháp hạn chế hậu quả về mặt xã hội đối với người chơi game, chủ yếu là giới trẻ đang đi học.
Quản lý giờ chơi là giải pháp hạn chế hậu quả về mặt xã hội đối với người chơi game, chủ yếu là giới trẻ đang đi học. Ảnh: Hoàng Hà.

“Ai cũng biết quản lý giờ chơi game là một giải pháp hạn chế những hậu quả về mặt xã hội có thể xảy ra đối với người chơi game, chủ yếu là giới trẻ còn đang đi học”, luật sư Lê Công Định, Công ty luật DC Lawyers, nói. “Tuy nhiên, một chính sách hiệu quả sẽ vừa giải quyết những vấn đề xã hội có thể phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình”.

Theo luật sư Định, cách thức ràng buộc điều kiện trong kinh doanh game online gây cảm giác các cơ quan hành chính đang muốn đá “quả bóng trách nhiệm” giải quyết những vấn đề xã hội cho doanh nghiệp, thay vì chính mình phải chu toàn trách nhiệm ấy. Khi đặt ra biện pháp quản lý giờ chơi, cơ quan chức năng phải là nơi hiểu rõ nhất tính khả thi và khó khăn kỹ thuật khi ứng dụng trên thực tế, và chính cơ quan chức năng phải là nơi cung cấp các biện pháp kỹ thuật cho doanh nghiệp. Chỉ khi nào họ không tuân thủ và áp dụng những biện pháp kỹ thuật đã được cung cấp sẵn thì mới xem đó là sự vi phạm cần phải xử phạt.

Nhường "sân game" cho nước ngoài?

"Quyết định cứng rắn của các cơ quan chức năng thực sự khiến ngành công nghiệp game tại Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn, có nguy cơ ‘thua ngay trên sân nhà’ trước ngưỡng cửa WTO”, ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc đối ngoại Công ty VinaGame, nói. “Theo tinh thần của cam kết Việt Nam gia nhập WTO thì các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trên nền Internet sẽ được tham gia trực tiếp kinh doanh từ năm 2007 (vốn tối đa tăng từ 51% lên 65%). Đây là một mối lo lớn của nhiều doanh nghiệp trong ngành trò chơi trực tuyến nói riêng và nội dung số nói chung". Cũng theo vị đại diện của VinaGame, doanh nghiệp nước ngoài trong một thời gian ngắn sẽ trực tiếp tham gia cạnh tranh với các doanh nghiệp non trẻ của Việt Nam. Với số vốn khổng lồ, trình độ khoa học công nghệ rất cao, họ dễ dàng đè bẹp các đối thủ nội địa.

Ngay sau tuyên bố ngừng cung cấp 13 trò chơi trực tuyến, hàng loạt chủ đề bàn luận về nguy cơ xóa sổ làng game được người chơi lập nên tại nhiều diễn đàn. “Hạn chế chơi game online 5 giờ một ngày cũng giống như bắt dân nhậu chỉ được uống nửa lít bia, ăn nửa nồi lẩu mỗi ngày, hoặc người hút thuốc chỉ được mua mỗi lần 10 điếu”, một thành viên Diễn đàn Game Thủ so sánh. Thành viên khác có nick Worm hài hước: “Giải trí gì mà như làm bài thi, hết giờ là bị đuổi ra”.

Kết quả thăm dò ý kiến về việc các game online Việt Nam ngừng hoạt động tại Game Thủ.NET.
Thăm dò tại Game Thủ.NET cho thấy phần đông người chơi sẽ tiếp tục phiêu lưu tại server nước ngoài nếu game trong nước ngừng cung cấp . Ảnh chụp màn hình.

Một số game thủ cho rằng nếu bị hạn chế game trong nước, họ sẵn sàng chuyển sang chơi game do công ty nước ngoài cung cấp. Game online là một dịch vụ nội dung trên Internet nên thừa hưởng tính mở của môi trường này. Mặt khác, những máy chơi game thế hệ mới như Xbox 360, PlayStation 3 cũng đã bắt đầu có mặt tại Việt Nam và dịch vụ chơi trực tuyến đi kèm không bị giới hạn gì cả. Nếu mỗi người chơi trả 5 USD (khoảng 80.000 đồng) tiền dịch vụ hằng tháng, thì số tiền chảy ra nước ngoài của 2 triệu game thủ trả lên tới 120 triệu USD. Phí dịch vụ thực tế cao hơn 5 USD rất nhiều. Lượng người chơi cũng ngày một đông vì game online là một trong những dịch vụ nội dung tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian qua. Số tiền thất thoát vì thế cũng sẽ không dừng lại ở 120 triệu USD.

Các nhà phát hành game hiện phải có ngay thông báo trấn an khách hàng của mình rằng sẽ “cố gắng hết sức để bảo vệ quyền lợi” kèm theo hứa hẹn về những chương trình khuyến mại hấp dẫn để "bù" vào số giờ chơi ít đi. Đại diện của VinaGame cho biết công ty đang yêu cầu đối tác “làm việc hết công suất” để đưa giải pháp hạn chế giờ chơi vào áp dụng cho game Cửu long tranh bá trước ngày 30/11. Hai trò chơi Võ lâm truyền kỳRagnarok sẽ được triển khai theo kế hoạch đệ trình ngày 13/11, hoàn tất trước 31/12. Trang chủ của hai game PTVMU VN, do FPT Telecom phát hành, ra thông báo sẽ tiếp tục cung cấp trò chơi vì đã thỏa mãn những điều kiện mà Thông tư 60 đề ra.

Theo Vnexpress

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0