Đây là những số liệu được cung cấp tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của toàn ngành tư pháp vừa được tổ chức. Cần nói thêm rằng, ngành tư pháp thuộc nhóm ngành đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, do đó rất khó hiểu khi đội ngũ cán bộ công chức ứng dụng công cụ hết sức quan trọng này để phục vụ công việc vẫn còn rất hạn chế.
Thật khó hình dung rằng, hiện nay khi mà học sinh tiểu học ở nhiều trường, nhiều địa phương đã thành thạo việc sử dụng hộp thư điện tử thì lại chỉ có một nửa số cán bộ, công chức, viên chức tư pháp cấp sở sử dụng hộp thư điện tử để phục vụ công việc! Từ đó, không phải không có cơ sở để lo ngại dù rằng việc Việt Nam đã trở thành quốc gia có tỷ lệ người sử dụng internet cao hơn mức bình quân thế giới (cuối năm 2009, với trên 21,5 triệu người sử dụng internet, đạt gần 25% dân số và tăng gấp 100 lần so với năm 2000).
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, bản báo cáo của Bộ Tư pháp chỉ ra một thực tế: nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao. Ở nhiều địa phương, hầu hết cán bộ lãnh đạo đều lớn tuổi, khả năng tiếp cận, lãnh đạo, chỉ đạo về công nghệ thông tin còn hạn chế, thiếu quyết liệt.
Không chỉ liên quan đến kỹ năng sử dụng internet, Cổng thông tin điện tử của ngành được xem như kênh thông tin chuyên ngành chính xác, đáng tin cậy và nhanh chóng nhất chỉ được chưa tới 1/3 số đơn vị cấp sở và cục thi hành án dân sự truy cập để khai thác, tìm kiếm thông tin phục vụ công việc. Điều này phải chăng còn cho thấy thái độ hờ hững, thiếu chủ động học hỏi, tự nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ này?
Còn nhớ, trong cuốn sách “Thế giới phẳng” của tác giả Thomas Friedman, ký giả nổi tiếng này đã bày tỏ thất vọng về sự “chậm chạp” của nước Mỹ trong việc “phủ” Internet băng thông rộng cũng như nâng cao tỷ lệ người sử dụng hiệu quả một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ 20 này. Ông thậm chí còn nửa đùa nửa thật cho rằng, trong vòng 8 năm tới nước Mỹ mới có thể đuổi kịp Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển công nghệ không dây “với điều kiện Nhật Bản cam kết ngừng phát triển và phát minh trong vòng 8 năm đó”.
Bao giờ thì đội ngũ cán bộ công chức của ta có thể tự hào không thua kém đội ngũ này ở các nước phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khi mà họ không thể ngừng phát triển để đợi ta?
Theo www.sggp.org.vn