Thứ tư, 24/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 23/07/2010
Game online sẽ được quản lý một cách hài hòa

Trước những dư luận về vấn đề trò chơi trực tuyến gần đây, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho rằng việc cấm đoán sẽ không đem lại kết quả khả quan.

Trao đổi với VnExpress.net sáng 22/7 về vấn đề quản lý trò chơi trực tuyến, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) cho rằng, cấm đoán sẽ không đem lại kết quả: "Nói chung, không thể quản lý tuyệt đối những vấn đề như vậy bằng biện pháp hành chính, mà chỉ có thể giảm thiểu những mặt xấu của nó. Đồng thời khuyến khích những cái tích cực để át dần tiêu cực".

Đầu tháng 7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng dự thảo Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến. Cũng thời điểm này, tại cuộc họp Hội đồng nhân nhân TP HCM lần thứ 18 (khóa VII), Sở Thông tin Truyền thông TP HCM cho biết tại thành phố có 65 trò chơi được cấp phép, trong đó có tới 43 game có nội dung mang tính bạo lực và kéo theo đó là một luồng ý kiến yêu cầu phải có những biện pháp ngay lập tức để xử lý. Đồng thời, Ủy ban nhân dân TP HCM cũng có văn bản kiến nghị với Thủ tướng không khuyến khích phát triển game online.

Mới đây, Sở Thông tin Truyền thông TP HCM đã công bố các tiêu chí phân loại game bạo lực (xem tại đây) và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp game phải gửi đánh giá sản phẩm của mình về cho Sở trước ngày 21/7. Tuy nhiên, ông Lưu Vũ Hải cho rằng những tiêu chí này chỉ có giá trị tham khảo. "Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn có bộ tiêu chí cụ thể từ lâu, ngay từ lúc xây dựng luật báo chí năm 1989, cho đến lần sửa đổi hồi 1999. Đến khi trò chơi trực tuyến xuất hiện và trở thành một ngành dịch vụ, nhiều ý kiến đã lật lại vấn đề này. Trong dự thảo mới, chúng tôi đã bước đầu đưa vào thêm những gợi ý thế nào là bạo lực, dâm ô. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là sự cảm nhận con người mới có thể rút ra nó xấu hay tốt".

Ồng Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

Ông Hải cho biết, những kiến nghị của Ủy ban nhân dân TP HCM về cơ bản đã có trong dự thảo. "Sắp tới, chúng tôi thành lập hội đồng mới, có sự tham gia đầy đủ của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, để thẩm định lại toàn bộ nội dung trò chơi trực tuyến đang có mặt trên thị trường".

"Vừa rồi, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu bổ sung thêm một chương về việc quản lý game offline do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng. Vì thế quy chế vẫn đang hoàn thiện và bổ sung. Khi được ban hành, nó sẽ quản lý chặt chẽ và đồng bộ trò chơi điện tử nói chung".

Theo Cục trưởng, chưa khi nào game online lại được nhắc đến như một vấn đề lớn trong xã hội như bây giờ. Việc định hướng phát triển game online cũng là dịp để Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát lại toàn bộ công tác quản lý. Mặt khác, qua việc trao đổi và đánh giá về game, các bộ, ban, ngành khác sẽ giúp nhìn nhận vấn đề khách quan hơn. Trách nhiệm của cộng đồng, gia đình và nhà trường cũng sẽ được nhắc tới, như việc tại sao cấp quản lý địa phương lại để quán Internet mở thâu đêm, hay bố mẹ lại không kiểm soát để con cái chơi game suốt ngày.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Trọng Hiếu, Phó giám đốc VTC Game, cho rằng tiêu chí bạo lực của Sở Thông tin Truyền thông TP HCM có sự hiểu chưa đúng về bản chất dịch vụ, thậm chí nhầm lẫn giữa cuộc sống thực với các hình ảnh trong game. "Công nghệ ngày một phát triển, cho phép game cùng các loại hình giải trí, phim ảnh nghệ thuật khác mô phỏng hình ảnh ngày một chân thật hơn và người chơi đều đủ hiểu biết đâu là cuộc sống thực, đâu là ảo", ông Hiếu nói. "Theo tôi, nếu cần có một hệ thống tiêu chí đánh giá, nên phân loại theo độ tuổi và thực hiện quản lý theo hệ thống đó sẽ là hợp lý hơn. Còn việc cấm game online có giải quyết được tình trạng bạo lực trong thanh thiếu niên hay không thì tôi nghĩ tự mỗi người chúng ta đều có câu trả lời. Thời tôi còn đi học, Internet và game online cũng chưa có mà chuyện xung đột, xô xát trong thanh thiếu niên đã tồn tại rồi, đấy là câu chuyện giáo dục dài của từng cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn xã hội".

Ông Lưu Vũ Hải chia sẻ bản thân là người học sinh của những năm 80 đã chứng kiến bạo lực học đường như hiện tượng trấn lột, đánh nhau: "Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận những trò chơi tiêu cực đã làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn".

Quản lý game online một cách hài hòa sẽ giúp giảm tối đa những mặt tiêu cực.

Trao đổi với VnExpress.net, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online tại VN đều khẳng định chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật do Nhà nước đề ra. Họ cho rằng sẽ không công bằng khi dựa trên một số ít người lạm dụng game online để rồi quy kết cả loại hình giải trí này như một tệ nạn xã hội. Theo các doanh nghiệp, như thế là thiếu tôn trọng hàng triệu người chơi game và đang coi game như một hình thức giải trí thông thường.

Trên các diễn dàn game lớn của VN như Game Thủ.net, GameVN..., hầu hết thành viên đều bày tỏ quan điểm không đồng tình khi một luồng dư luận chỉ có cái nhìn tiêu cực về trò chơi trực tuyến. Tất cả đang ngóng chờ Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến sắp được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, và mong muốn nó đảm bảo tính khách quan trong vấn đề kiểm soát và kích thích sự phát triển lành mạnh của ngành game online. Nhiều người khẳng định, nếu các game phát hành ở VN đóng cửa thì họ sẽ chuyển sang chơi ở server nước ngoài.

Theo www.vnexpress.net

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0