|
Ảnh minh hoạ. |
(eFinance Online) - Phấn đấu đứng trong TOP 3 ASEAN về CNTT-TT vào năm 2015, và vươn lên TOP 2 vào năm 2020, khi đó, Việt Nam sẽ trở thành “nước mạnh” về CNTT-TT.
Tại cuộc họp sáng nay, 6/7/2010, ở trụ sở Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), Thứ trưởng Bộ TT7TT Trần Đức Lai đã nhấn mạnh một số vấn đề liên quan tới công tác xây dựng Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT (thường được gọi nôm na là Đề án “Tăng tốc”).
Thứ trưởng Trần Đức Lai lưu ý rằng công tác xây dựng Đề án cần phải thể hiện nổi bật được 5 vấn đề:
Thứ nhất, về nguồn nhân lực CNTT-TT: phải có đánh giá thực trạng của 10 năm qua, làm rõ mục đích sẽ đạt được vào năm 2015 và 2020, và mỗi mốc thời gian này cần có những số liệu, dữ liệu cụ thể về 3 mảng gồm nhân lực chuyên nghiệp CNTT, lực lượng phát triển nghiên cứu khoa học, và người sử dụng CNTT trong cộng đồng xã hội (thường được thể hiện thông qua chỉ tiêu phổ cập dịch vụ cho người dân). Bên cạnh đó, có thể xem xét đưa thêm một số chỉ tiêu như số lượng trường đại học chất lượng cao được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế…
Thứ hai, về công nghiệp CNTT-TT, cần nêu rõ hơn những chỉ tiêu liên quan tới phần cứng sẽ đạt được vào năm 2015, 2020; nêu rõ phần cứng sẽ tăng mạnh và đột phá ở những điểm nào…
Thứ ba, về hạ tầng CNTT-TT, cần phân tích kỹ hơn về sự đột phá của dịch vụ truy nhập băng rộng (5 năm qua đã phát triển như thế nào, 5 năm tới sẽ đạt tốc độ phát triển ra sao). Thứ trưởng cũng đề xuất thay vì những chỉ tiêu đã dự thảo trước đây (năm 2015 có 70% dân sử dụng dịch vụ băng rộng, năm 2020 đạt tới mức 90%), Đề án “Tăng tốc” sẽ đặt ra mục tiêu tới năm 2020, Việt Nam sẽ đứng trong TOP 30% các quốc gia có hạ tầng CNTT-TT hiện đại, tiên tiến nhất.
Thứ tư, về phổ cập thiết bị nghe nhìn, Thứ trưởng đề nghị thay thế khái niệm “phổ cập thiết bị nghe nhìn” bằng khái niệm “phổ cập thông tin. Được biết, dự thảo Đề án “Tăng tốc” đã đặt ra mục tiêu tới năm 2015 sẽ có 20 – 30% hộ gia đình có máy tính truy nhập băng rộng, và tới năm 2020, con số này sẽ tăng lên 50 – 60%; mật độ phủ sóng băng rộng vào năm 2015 là 70% dân cư và năm 2020 sẽ là 90% dân cư.
Thứ năm, về ứng dụng CNTT-TT, Thứ trưởng cho rằng nên thay thế các mục tiêu đã được nêu trong dự thảo (Việt Nam đứng ở vị trí 80 trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc vào năm 2015, và tăng lên vị trí 70 vào năm 2020), bằng mục tiêu tới năm 2020, Việt Nam sẽ lọt vào TOP 30% ở đầu các bảng xếp hạng của Liên hợp quốc.
Riêng về khái niệm “nước mạnh về CNTT”, Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng đề xuất thay thế mục tiêu Việt Nam được xếp hạng 60 – 70 thế giới thành mục tiêu phấn đấu đứng trong TOP 3 ASEAN vào năm 2015, và vươn lên TOP 2 vào năm 2020.
Được biết, để phục vụ công tác xây dựng Đề án Tăng tốc, các Cục, Vụ, Viện,… thuộc Bộ TT&TT đang “tăng tốc” xây dựng các báo cáo có liên quan như Báo cáo đánh giá tổng kết thực hiện Chỉ thị 58, Báo cáo đánh giá Ứng dụng CNTT 10 năm qua (2001 – 2010) theo Chỉ thị 58, và định hướng 5 năm tới (2011 – 2015); Báo cáo đánh giá phát triển hạ tầng CNTT-TT giai đoạn 2001 – 2010; Báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử; Báo cáo đánh giá về hiện trạng phát thanh - truyền hình 10 năm (2001 – 2010) …
Theo kế hoạch, trước 20/7/2010, Đề án “Tăng tốc” phải được xây dựng xong để gửi Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng.
Theo www.taichinhdientu.vn