Thứ bảy, 03/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 21/11/2006
Thanh toán điện tử vẫn dùng tiền mặt

Ông Đỗ Như Đính, Thứ trưởng Bộ Thương mại khẳng định: “Tiện ích lớn nhất của việc ứng dụng thanh toán thương mại điện tử là giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, tiếp thị, giảm chi phí giao dịch, mở rộng và củng cố mối quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước...”.

Bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Chính sách, Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) cho biết, theo ước tính, hiện có khoảng 20 - 25% doanh nghiệp Việt Nam có website riêng.

Tỷ lệ này được tính trên các doanh nghiệp thực sự đang tồn tại và hoạt động nghiêm túc. Đây là con số khá khả quan và đạt được mức độ khá sơ đẳng về ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp.

Hạ tầng công nghệ thông tin tạm đủ

Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn vào hàm lượng thương mại điện tử thì trình độ ứng dụng thương mại điện tử trên website vẫn còn có một số vấn đề cần quan tâm.

Kết quả điều tra 1.000 doanh nghiệp được tiến hành trong năm 2006 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có website là 25,4%. Tuy nhiên, tính năng thương mại điện tử của các website này rất khác nhau, website thực sự có giao dịch tương tác với thương mại điện tử (ở mức độ cho phép người tiêu dùng, đối tác có thể đặt hàng trực tuyến) chỉ chiếm khoảng 27,4 %. Còn website tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến còn thấp hơn, với tỷ lệ 3,2%.

Cũng theo cuộc điều tra, với câu hỏi về các trở ngại hiện nay đối với việc triển khai ứng dụng thương mại điện tử theo mức thang điểm từ 0 - 4 (từ không có trở ngại nào đến mức trở ngại cao nhất), tổng hợp kết quả điều tra thấy rằng hệ thống thanh toán điện tử hiện nay đang đứng thứ 2 (với thang điểm bình quân là 3,19) trong những sự trở ngại về ứng dụng thương mại điện tử vào doanh nghiệp.

Kết quả này chỉ sau một chút so với trở ngại về nhận thức của người dân, của doanh nghiệp và xã hội (thang điểm 3,23) và còn xếp trên cả những trở ngại như vấn đề an ninh trong giao dịch (thang điểm 2,78), môi trường pháp lý chưa hoàn thiện (thang điểm 2,64), tập quán kinh doanh chưa tương thích...

Cùng với môi trường pháp lý, hạ tầng về công nghệ thông tin và yếu tố con người bao gồm cả nhận thức và kỹ năng của người lao động, thì hệ thống thanh toán và dịch vụ hỗ trợ là một trong 4 trụ cột của thương mại điện tử.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các nước có nền thương mại điện tử tiên tiến như Bắc Mỹ, Tây Âu và một số nước châu Á như Singapore, Hàn Quốc đều là những nước, khu vực có hệ thống thanh toán tương đối hoàn chỉnh.

Ở Việt Nam hiện nay, với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp điện tử và Nghị định về thương mại điện tử có thể thấy khung pháp lý về thương mại điện tử đã cơ bản được hình thành. Hạ tầng công nghệ thông tin của chúng ta mặc dù chưa bằng được với các nước tiên tiến trên thế giới. nhưng cũng có thể coi là đủ để tiến hành thanh toán thương mại điện tử.

Cùng với vai trò của các phương tiện truyền thông, sức ép của hội nhập, người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử như là một phương thức kinh doanh tiên tiến, hiệu quả cao và chi phí thấp.

Áp dụng ba phương thức thanh toán

Trên thực tế, các doanh nghiệp rất năng động trong việc cung cấp cho khách hàng khá nhiều lựa chọn thanh toán, phương thức thanh toán được áp dụng cao nhất hiện nay vẫn rất thủ công theo phương thức giao dịch B2C là tiền mặt - giao hàng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tận dụng một số phương pháp khác như mở tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài để có thể nhận được tiền trả bằng thẻ tín dụng, chuyển khoản qua ngân hàng, gửi tiền qua bưu điện hoặc phát hành thẻ trả trước để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.

Theo Vụ Thương mại điện tử, dựa trên những phương thức giao dịch thương mại điện tử hỗ trợ và tạm thời bỏ qua phương thức trao đổi dữ liệu tài chính điện tử (B2B payment) vì phương thức này đòi hỏi trình độ công nghệ thông tin rất cao của các đối tác, các doanh nghiệp tham gia mà hiện thời chúng ta chưa có đủ điều kiện để triển khai, theo đó, có 3 phương thức chính mà ở Việt Nam có nhu cầu ứng dụng.

Ở mức tương đối thấp là phương thức thanh toán điện tử tại các điểm bán hàng và dịch vụ truyền thống bằng cách sử dụng thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ nạp tiền trước...

Cao hơn một chút là phương thức thanh toán trên môi trường Internet. Loại hình thanh toán này có thể thực hiện tại website dịch vụ của ngân hàng còn gọi là dịch vụ eBanking, hoặc được tiến hành tại website của những doanh nghiệp cung cấp hàng hoá và dịch vụ hoặc được tiến hành qua website trung gian của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán.

Cả 3 cách thức này đều đòi hỏi vai trò trung tâm của ngân hàng trong việc cung cấp những dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoặc những thẻ ngân hàng có sự kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, với người tiêu dùng cũng như những đối tượng mua hàng để có thể thực hiện thanh toán.

Ở mức độ cao hơn nữa và có thể trở thành một xu thế của tương lai, đó là phương thức thanh toán qua thiết bị di động bao gồm điện thoại di động và những thiết bị cầm tay di động khác.

Hiện nay, các ngân hàng vẫn giữ vai trò trung tâm trong tất cả các hệ thống thanh toán có hỗ trợ thương mại điện tử, được thể hiện trên 2 khía cạnh.

Thứ nhất, ngân hàng tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể sử dụng thẻ thanh toán như một công cụ thanh toán đa năng để phục vụ cho nhu cầu giao dịch thương mại điện tử (B2C). Thứ hai là vai trò cung cấp các tiện ích, các dịch vụ thanh toán điện tử để cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng có thể sử dụng tài khoản ở ngân hàng để phục vụ cho các nhu cầu thanh toán B2C, B2B, C2C.

Khẳng định vai trò của các ngân hàng

Theo số liệu thống kê của Visa, trong 12 tháng (từ tháng 6/2004 - 6/2005), có 34.000 giao dịch thương mại điện tử được thực hiện thông qua các thẻ VISA phát hành tại Việt Nam với trị giá giao dịch 5,7 triệu USD.

Tuy nhiên, tất cả các giao dịch này đều được trả cho các website bán hàng nước ngoài, đồng nghĩa với việc tất cả số tiền trên đều được chuyển vào các tài khoản mở tại những ngân hàng nước ngoài.

Hiện nay, các ngân hàng đã bắt đầu triển khai dịch vụ tiện ích xuất phát từ giao dịch thương mại điện tử như Internet banking (Vietcombank, Techcombank, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Hàng hải, BIDV, ACB, AEB, VIBank...) và Mobile banking (AEB, ACB, VIBank, Ngân hàng Quân đội).

Thế nhưng, để phát triển dịch vụ này đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư rất lớn nên nhiều ngân hàng mới chỉ hoạt động ở mức độ thử nghiệm, mức độ triển khai mới chỉ dừng lại ở dịch vụ tra cứu thông tin, hỏi tin tức còn những dịch vụ thật sự để hỗ trợ cho giao dịch thanh toán thương mại điện tử hoặc chuyển khoản tại website ngân hàng còn rất hạn chế, và việc thanh toán qua điện thoại di động sử dụng tài khoản ngân hàng vẫn chưa ứng dụng được.

Với thực trạng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay, để triển khai dịch vụ Internet banking và Mobile banking vẫn chưa thực sự thuận tiện. Các doanh nghiệp muốn thực hiện giao dịch với đối tác, khách hàng thông qua 2 dịch vụ tiện ích này đòi hỏi doanh nghiệp phải trang bị phần mềm, hệ thống an ninh bảo mật thông tin...

Để khắc phục những hạn chế này, trên thế giới đã xuất hiện phương thức thanh toán tại các website trung gian của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán nhưng hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện hình thức thanh toán này.

Để khắc phục hạn chế phần nào vai trò của các ngân hàng, rất nhiều doanh nghiệp cũng đã sáng tạo ra một số phương thức thanh toán như sử dụng tài khoản dịch vụ di động được khấu trừ ngay thông qua các nhà cung cấp dịch vụ thương mại di động Mobifone, Vinaphone, CdiT, VASC.

Tuy nhiên, những khoản thanh toán này có giá trị rất nhỏ và nó lại đòi hỏi phải có sự liên kết giữa nhà cung cấp dịch vụ với những nhà cung cấp dịch vụ di động. Vì thế, phương thức này không áp dụng được phổ quát nên thực tế tiến hành giao dịch thương mại điện tử là rất khó.

Ngoài ra, một số nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu sử dụng tài khoản trả trước để người tiêu dùng có thể sử dụng thiết bị cầm tay truy cập, chọn mua sản phẩm và thanh toán bằng cách khấu trừ (chẳng hạn như mô hình liên kết giữa Công ty QT Minh Việt với ACB, Vinaphone và eMobile).

Theo Vneconomy

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0