Đó nhận định chung của TS.Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD-ĐT) và TS.Lê Trường Tùng-Hiệu trưởng ĐH FTP tại buổi đối thoại trực tuyến chủ đề “CNTT và câu chuyện rút ngắn khoảng cách giáo dục” trong chương trình Nhân vật-Sự kiện TT&TT của Đài TH KTS VTC sáng 27/6/2010.
Nỗ lực “xoá khoảng cách giáo dục”
Với vai trò “đầu tàu” chèo lái con thuyền ứng dụng CNTT ngành giáo dục, ông Ngọc cho biết, theo đúng kế hoạch, việc kết nối Internet toàn ngành giáo dục sẽ hoàn tất vào tháng 12/2010. “Chúng tôi đôn đốc các Sở, các trường cố gắng hoàn thành kết nối Internet trong tháng 7/2010. Và dự kiến, tháng 9/2010 sẽ chính thức khánh thành mạng Internet giáo dục”, ông Ngọc nói. Ông Ngọc khẳng định, việc hoàn thành kết nối mạng Internet giáo dục có ý nghĩa rất lớn. Bởi từ trước tới nay, tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, việc tiếp cận với kiến thức mới đặc biệt là tiếp cận với CNTT là rất khó khăn. Với sự hỗ trợ của mạng Internet giáo dục sẽ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng, miền.
Đề cập tới mục tiêu xây dựng nền giáo dục điện tử, ông Quách Tuấn Ngọc nhận định: “Hiện nay Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc hướng tới xây dựng nền giáo dục điện tử, thể hiện rõ trong nhận thức của lãnh đạo cấp cao cho đến sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp và cả về công nghệ. Tuy nhiên, xây dựng nền giáo dục điện tử là công việc đòi hỏi sự chung tay tham gia, góp sức của toàn xã hội, của cả cộng đồng, không phải và không nên chỉ là việc riêng ngành giáo dục”.
Đánh giá cao kết quả ngành giáo dục đã đạt được, ông Lê Trường Tùng nhận định, năm 2010 ngành giáo dục hoàn thành kết nối Internet đến 100% trường phổ thông là một dấu mốc quan trọng. Bởi làm được việc này Việt Nam sẽ trở thành một trong 50 nước trên thế giới đã nối mạng Internet được tới 100% trường học. Ông Tùng cũng cho rằng, thời điểm hiện nay việc ứng dụng CNTT có nhiều thuận lợi. Nếu như vài năm trước máy tính là hàng xa xỉ, đồ đắt tiền thì hiện nay việc trang bị máy tính và điện thoại di động tương đương nhau, không quá khó khăn.
Làm sao ứng dụng hiệu quả CNTT?
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải làm sao để giáo viên, học sinh và toàn ngành giáo dục ứng dụng hiệu quả CNTT hỗ trợ cho công việc của mình. Ông Quách Tuấn Ngọc cũng thừa nhận hiện nay vẫn tồn tại tình trạng có trường học đã được trang bị máy tính nhưng chỉ để “cất trong kho”, hay việc máy tính, thiết bị kết nối Internet của cơ sở giáo dục bị một số cán bộ sử dụng cho mục đích cá nhân. Ông lý giải “Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhận thức. Từ 10 năm nay, Bộ GD-ĐT, Cục CNTT luôn đặt vấn đề nâng cao nhận thức lên hàng đầu. Đây là vấn đề vừa dễ lại vừa khó. Dễ ở chỗ không mất gì, khó ở chỗ thay đổi. Nhận thức không phụ thuộc vào địa bàn, không phụ thuộc khoảng cách. Trong gần 2 năm qua, thực tế đã chứng minh trường nào, cơ sở giáo dục nào lãnh đạo thực sự quan tâm, kêu gọi các cán bộ giáo viên sử dụng máy tính, ứng dụng CNTT hỗ trợ công việc thì trường đó thành công, ngược lại thì đương nhiên thất bại. Tiêu biểu như, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) là huyện có 14/21 xã miền núi nhưng hiện nay địa phương này là một trong những điểm sáng về ứng dụng CNTT giáo dục: có thể tổ chức họp trực tuyến với tất cả các trường học, thi giáo viên dạy giỏi trực tuyến qua mạng Internet. Làm được điều này chính là nhờ Đông Triều có đội ngũ lãnh đạo am hiểu và quan tâm đến CNTT; biết tận dụng sự hỗ trợ của các DN”.
Đồng quan điểm với ông Ngọc, ông Lê Trường Tùng cũng khẳng định sự thành công trong công tác ứng dụng CNTT ở từng trường phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu, ở đây là hiệu trưởng. Ông Tùng cũng cho biết thêm: “Để đưa CNTT vào các trường hiệu quả, việc đầu tiên không phải hạ tầng mà là nội dung, hạ tầng là yếu tố thứ hai, và yếu tố kết nối CNTT là thứ ba. Việc kết nối CNTT tại các trường hiện đang có vấn đề, các trường sau khi trang bị vẫn không được kết nối. Phần nội dung là quan trọng nhất và FPT cũng hết sức chú trọng vấn đề này”.
Từ kinh nghiệm của ĐH FPT, ông Tùng chia sẻ, khi triển khai phải xác định được lợi ích cho sinh viên là gì. Tương tự trong trường phổ thông thì khi triển khai cũng cần xác định lợi ích cụ thể cho học sinh. “Hiện nay ở ĐH FPT, CNTT là công cụ không thể thiếu, không phụ thuộc vào nhận thức của thầy và trò mà là khâu bắt buộc. Tuy nhiên, với chúng tôi, việc triển khai CNTT cũng không phải dễ. Đơn cử như, khi thành lập trường năm 2006, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu toàn bộ sinh viên của trường có laptop để sử dụng. Đến năm 2008 đã trang bị được laptop cho cả sinh viên và giảng viên.
Để “laptop hoá” cho sinh viên, ĐH FPT đã thay đổi cách đầu tư. Thay vì đầu tư máy ở trường thì dùng tiền đó hỗ trợ sinh viên mua laptop. Trường đầu tư thêm hạ tầng mạng và sinh viên chỉ việc sử dụng các tiện ích, nội dung để học tập. Song việc có máy tính cho giảng viên, sinh viên chỉ là bề nổi, cái quan trọng nhất là đưa CNTT phát huy hiệu quả trong ứng dụng CNTT của trường”, ông Tùng nói.
Cục trưởng Cục CNTT Quách Tuấn Ngọc cho biết, với mô hình trường học điện tử, việc quản lý giáo dục hoàn toàn trực tuyến; mọi giáo viên đều phải được phổ cập về CNTT, biết tự ứng dụng CNTT vào việc giảng dạy môn học của mình và có thể chia sẻ bài giảng giữa giáo viên các trường với nhau trực tuyến qua môi trường mạng Internet.
Theo ictnews.vn