Hai cuộc hội thảo: Góp ý kiến xây dựng chính sách CNTT và ngành công nghiệp vi mạch VN, diễn ra tại TPHCM đề cập nhiều tới nguồn nhân lực. Ưu thế của nguồn nhân lực VN là rất trẻ, nhiều người giỏi, và rất... "chảnh"!
|
|
Trẻ, rẻ, nhưng thiếu… TSPhạm Bá Tuân-Phó GĐ Cty EM Microelectronic (Thụy Sĩ)-cho biết: “Tuổi trung bình của dân số VN là 26,4 tuổi, trẻ hơn rất nhiều so với các nước Châu Á khác. Mức lương ở VN thấp và lượng sinh viên hàng năm tốt nghiệp đại học rất lớn”. Tuy nhiên, yếu tố này cũng chưa thể tạo ra sự vượt trội, vì lao động VN thiếu trình độ chuyên môn sâu và nhiều kỹ năng mềm.
Không chỉ có ngành vi mạch hay CNTT, mà trong nhiều ngành khác-đặc biệt thuộc lĩnh vực công nghệ cao-đều thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu một cách trầm trọng. TS Nguyễn Hữu Lệ-Chủ tịch Cty phần mềm TMA Solutions-cho biết: “VN lọt vào tốp 20, tốp 10 về gia công phần mềm của thế giới, nhưng nhiều tập đoàn ghé đến rồi đều bỏ đi vì không tìm được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của họ”. Theo ông Lê Hồng Minh-Tổng GĐ Cty VNG, để DN phát triển cần thuê nhân sự từ nước ngoài là các chuyên gia giỏi ở một số lĩnh vực. Cty này hiện đang phải lo xin visa lao động cho 10 chuyên gia nước ngoài. Điều này cho thấy, nhân sự cao cấp tại VN đang rất nghèo về số lượng, trong lĩnh vực quản lý điều hành DN, marketing, thương hiệu... chỉ loanh quanh một số gương mặt.
…và chảnh
Ông Lệ bức xúc: “Có một số anh em rất trẻ, rất giỏi, nhưng rất chảnh. Sau 5 năm làm việc có kinh nghiệm muốn giữ các em lại rất khó, vì các em thích đứng núi này trông núi nọ”. Tình trạng này được bà Điệp-quản lý marketing của Cty TNHH GHP Far East-nói rõ thêm: “Chi phí nhân sự ngày càng cao. Nguồn nhân lực hay so sánh về mức lương, từ đó lại nhảy việc khiến cho DN mất đi sức cạnh tranh”.
Trẻ, giỏi và “chảnh” được xem như một lôgíc của nguồn lao động chất xám thời nay. Có năng lực thì ai cũng muốn được đối đãi tương xứng, hoặc luôn muốn tìm môi trường làm việc mới tốt hơn với chế độ đãi ngộ cao hơn. Nhưng cũng có một thực tế, dù giỏi, trẻ, nhưng chưa hẳn đi đến môi trường nào cũng thành công.
Lý giải vấn đề này không dễ, nó tập hợp nhiều yếu tố trở thành nguyên nhân. Nhảy việc liên tục dần tạo thành thói quen gây nên sự thiếu ổn định cho chính người lao động và là đường dẫn đến tâm lý dễ bất mãn và đạp bỏ. Ông Lệ than: “Dự án cần 100-200 người, nhưng nếu cần trong số đó có khoảng 20% có kinh nghiệm làm việc từ 5-10 năm thì rất khó tìm được”. Trong cái “chảnh” mà ông Lệ đề cập cũng bao hàm yếu tố vô định, yêu sách quá mức, nhận thức thiếu tỉnh táo về vị trí bản thân và môi trường công việc, thiếu kiên trì rèn giũa v.v...
Trên thực tế, nhiều người trẻ, giỏi và “chảnh” được các DN mời về, nhưng làm một thời gian thấy không phù hợp thì bị DN đuổi việc không thương tiếc. Những cuộc đổ vỡ về quan hệ lao động như thế, không hẳn lỗi hoàn toàn thuộc về người lao động. Hầu hết DNVN hiện nay, chỉ biết gắn người lao động với trách nhiệm công việc, với thu nhập và một số hoạt động thể thao văn hóa, nhưng lại không biết vun đắp cho người lao động tình yêu công việc và văn hóa Cty, càng không quan tâm tạo ra sự tươi mới để nhân viên làm việc từ 3-5 năm tránh được những cuộc đối mặt với cảm giác nhàm chán trong công việc và sẽ ra đi... |