Sự khủng hoảng nguồn nhân lực cần được xem xét trong tổng thể tình trạng của ngành CNTT.
Tôi cho rằng có một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng nhân lực CNTT. Đó là cuộc khủng hoảng ngành CNTT nói chung. Vì sao tôi lại khẳng định như vậy trong khi có vẻ như hiện nay ngành dường như vẫn có sự tăng trưởng?
Theo tôi, có một hình thái khác của khủng hoảng. Đó là sự bế tắc trong phát triển. Đây chính là hiện trạng của ngành công nghiệp phần mềm, phần quan trọng nhất của ngành CNTT, trong những năm qua.
Xin lưu ý rằng, sự phát triển rất mạnh của ngành công nghiệp nội dung, mà trò chơi trực tuyến đóng góp phần quan trọng nhất, không nên được ghi nhận như là yếu tố phát triển của ngành công nghiệp phần mềm.
Cần có sự phân biệt và đánh giá cao hơn đối với bộ phận của ngành công nghiệp phần mềm đem lại ngoại tệ (gia công phần mềm) hay đóng góp cho sự nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế (phần mềm phục vụ thị trường trong nước).
Trong một hội nghị toàn quốc về phát triển nhân lực cho ngành CNTT vào đầu năm 2008, tôi đã nói rằng hiện đang có sự khủng hoảng nguồn nhân lực và đó chính là hậu quả và nguyên nhân của khủng hoảng ngành CNTT.
Do ngành không thể phát triển được nên nhân lực của ngành cũng không thể phát triển. Trong 10 năm qua, nhân lực ngành CNTT còn có dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng về chất lượng và năng lực, trong khi số lượng tăng đều đặn.
Có vẻ là nghịch lý? Không phải như vậy. Chất lượng của nguồn năng lực không chỉ phụ thuộc vào quá trình đào tạo của họ, mà còn phụ thuộc nhiều hơn vào kinh nghiệm và môi trường mà họ làm việc. Không có nhiều công ty tốt, công ty lớn để nguồn nhân lực có việc làm thì nguồn nhân lực không thể phát triển, bởi họ phải kinh qua môi trường làm việc thực tế để trưởng thành.
Và ở đây, chúng ta thấy sự yếu kém, giảm sút của nguồn nhân lực có nguyên nhân quan trọng còn hơn cả quá trình đào tạo, đó là cơ hội làm việc của họ tại các công ty giảm sút nghiêm trọng trong những năm qua.
Kết quả là chúng ta thấy xu hướng giá nhân lực ngành CNTT của Việt Nam tăng cao, vì nhân lực có chất lượng đáp ứng được thì quá thiếu, dẫn đến giá của họ tăng lên một cách giả tạo. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của các Việt Nam so với các đối thủ truyền thống tại các nước khác như Ấn Độ, Đông Âu, Trung Quốc… trên các thị trường gia công phần mềm lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.
Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể giải quyết được triệt để cho bài toán nhân lực Việt hiện nay, cần có sự vào cuộc của rất nhiều thành phần: từ phía cơ quan nhà nước quản lý về chính sách, các cơ sở đào tạo và cả sự hỗ trợ tích cực của doanh nghiệp. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Tất cả các bên tham gia liên quan đến sự phát triển nguồn nhân lực đều có trách nhiệm và có khả năng tác động vào quá trình này. Đó là Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Song, mọi việc phải được bắt đầu từ đâu đó. Tại thời điểm này, khi mà dấu hiệu của sự khủng hoảng, hay sự bế tắc trong phát triển ngành đã ngày càng lộ rõ, thì vai trò của Nhà nước có tầm quan trọng hàng đầu.
Khi mà Nhà nước xác định CNTT là một ngành kinh tế cần được ưu tiên phát triển, làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế quốc dân, từ phụ thuộc vào tài nguyên và lao động sang phụ thuộc vào tri thức, thì đầu tư sẽ chảy vào đây, các công ty, các cơ sở giáo dục, đào tạo sẽ có cơ hội hình thành và phát triển, và tất cả các nhân tố đó cùng thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực CNTT. Nguồn nhân lực CNTT, ngày một phát triển và hùng mạnh, về phần mình, sẽ đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế quốc dân, xứng đáng với đầu tư, định hướng của Nhà nước.
Cũng phải nói thêm rằng, ngay tại các nước có nền công nghiệp CNTT mạnh, Chính phủ của họ cũng hỗ trợ công ty rất nhiều để họ có thể tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực mới bước vào ngành trong môi trường của công ty mình.
Vậy làm thế nào để bài toán nhân lực CNTT được giải quyết với đáp số hợp lý nhất, thưa ông?
Theo tôi, lời giải lại phải bắt đầu từ Nhà nước. Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển cho những năm tới. Đó không thể là một phát biểu duy ý chí của lãnh đạo nhà nước cấp cao. Cũng không thể là danh mục những điều mong muốn, hay là các chương trình được xây dựng một cách tùy tiện, thiếu khoa học như nhiều năm qua chúng ta đã mắc phải.
Từ năm 2005, tôi đã cùng một nhóm các chuyên gia trong ngành vận động cho một chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT cho Việt Nam trị giá 1 tỷ USD.
1 tỷ USD chỉ là một con số có tính biểu tượng song tôi nghĩ quốc gia không phải là không thể có số tiền đó. Như chúng ta đã từng có 1 tỷ USD cho ngành đóng tàu, nhiều tỷ cho khai thác khoáng sản trên quy mô lớn (là những ngành mà chúng ta có thể phải trả giá nặng nề về môi trường, kinh tế, xã hội), nhiều tỷ USD hỗ trợ cho ngành may, đến nay là ngành xuất khẩu số 1 của Việt Nam, một ngành lao động chân tay, giá trị gia tăng rất thấp...
Theo www6.vnmedia.vn