Để khắc phục bất cập này, một trong những giải pháp được Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) đánh giá cao đó là số hoá truyền dẫn phát sóng truyền hình nhằm đem đến cho người dân những chương trình truyền hình với chất lượng hình ảnh, âm thanh cao, tăng số lượng kênh, tiết kiệm tần số băng thông rộng. Với định hướng đó, Bộ TT&TT đã tích cực chủ trì xây dựng Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án). Tính đến thời điểm tháng 4/2010, tiến trình hoàn thiện Đề án đã vào giai đoạn ‘nước rút”, và Ban Soạn thảo Đề án đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, địa phương.
“Cân đong” 380 triệu USD và lợi ích mang lại
Cả nước hiện có 1,5 triệu hộ sử dụng truyền hình cáp, chiếm 9,75% số hộ có truyền hình, trong đó, TP. Hồ Chí Minh có 64,5% và Hà Nội có 49,4% số hộ sử dụng truyền hình cáp. Đài Truyền hình Việt Nam hiện quản lý 21 kênh truyền hình kỹ thuật số với 200.000 thuê bao; VTC quản lý 98 kênh với khoảng 40.000 thuê bao. Tổng cộng số thuê bao truyền hình vệ tinh chiếm khoảng 1,56% số hộ có truyền hình trên phạm vi cả nước.
|
Bộ TT&TT cho biết sẽ có khoảng 380 triệu USD được đầu tư trong 10 năm (2011 - 2020) cho Đề án. Trong đó, đầu tư xã hội là 160 triệu USD (20USD x 8 triệu hộ nếu toàn bộ số hộ này sử dụng truyền hình mặt đất), còn đầu tư từ ngân sách và doanh nghiệp là 4.393 tỷ đồng.
Với vai trò là “tay hòm chìa khoá” của Chính phủ, Bộ Tài chính lưu ý rằng việc chuyển đổi phương thức truyền dẫn phát sóng truyền hình sẽ tác động không chỉ đến ngân sách Nhà nước mà còn tác động đến doanh nghiệp, đặc biệt tác động lớn đến người dân. Do vậy, cần xác định tổng chi phí của toàn xã hội phải bỏ ra so với lợi ích mang lại để thực hiện đảm bảo hiệu quả của việc chuyển đổi.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT khẳng định người dân và doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn. Người dân không phải mua ti vi mới mà chỉ đầu tư thêm bộ chuyển đổi với giá khá rẻ. Các doanh nghiệp sản xuất tivi hầu như không bị ảnh hưởng bởi chỉ cần sản xuất và tích hợp thêm bộ giải mã tivi để thu truyền hình số với chi phí khá rẻ.
Một vấn đề khác nữa liên quan tới tài chính cũng đã được đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề cập, đó là nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách Nhà nước hàng năm rất hạn chế nên cần làm rõ các phương án huy động vốn hợp pháp; xây dựng cơ chế cụ thể khuyến khích, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng truyền hình số.
Làm rõ vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết Đề án chỉ sử dụng 1.322 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2020 (chiếm 30% tổng kinh phí của Đề án).
Được biết, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước được trích từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, căn cứ theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội thống kê hàng năm. Đề án chỉ nêu dự toán và sẽ được điều chỉnh theo kế hoạch hàng năm.
Ưu tiên sử dụng vệ tinh Vinasat
Bộ TT&TT sẽ quy định cụ thể thời gian thực hiện quy định về tiêu chuẩn của các máy thu hình sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam, thời gian bắt buộc các máy thu hình nhập khẩu vào Việt Nam phải tích hợp chức năng thu truyền hình số để tránh lãng phí chi phí của người dân; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị phát sóng, thiết bị đầu cuối cũng sẽ được ấn định thời gian sớm hơn mốc 1/1/2014 để việc triển khai truyền hình số đạt hiệu quả hơn.
|
Theo đại diện của Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC, quy định “ưu tiên sử dụng vệ tinh Vinasat với giá cước hợp lý” trong Dự thảo Đề án khá mâu thuẫn với thực tiễn bởi vệ tinh Vinasat 1 hiện không còn dung lượng sử dụng. Các doanh nghiệp làm hạ tầng hiện không thể có dung lượng của Vinasat 1 được nữa vì đã được sử dụng hoặc đăng ký giữ chỗ hết. Trong khi đó, Vinasat 2 chưa biết đến bao giờ mới triển khai. Về mặt thương mại, Vinasat được khai thác bởi doanh nghiệp kinh doanh vệ tinh, do vậy, cần phải làm rõ ai sẽ quyết định “mức giá hợp lý”, Nhà nước có thể điều phối việc phân phối tài nguyên cũng như giá cả của vệ tinh Vinasat hay không(?)
Bộ Thông tin & Truyền thông đã tiếp thu ý kiến góp ý này, và chỉnh sửa lại quy định trong Dự thảo Đề án rằng “ưu tiên sử dụng vệ tinh Vinasat với giá cước hợp lý trên cơ sở giá thành để quảng bá và trao đổi chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, có kết hợp sử dụng vệ tinh trong khu vực và quốc tế để phát sóng các chương trình truyền hình được phép phát sóng trên cả nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá.
Đồng thời sửa đổi các quy định liên quan đến việc thu các chương trình truyền hình qua vệ tinh theo hướng cho phép người dân có thể tự mua thiết bị thu vệ tinh (TVRO) để thu các chương trình tự vệ tinh Vinasat, chương trình Việt Nam phát sóng trên các vệ tinh trong khu vực và quốc tế nhằm phổ cập các chương trình phát thanh, truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam cũng như các kênh chương trình truyền hình được phép phát sóng toàn quốc.
Cũng theo đại diện của VTC, để khuyến khích người dân chuyển đổi nhanh sang thu sóng truyền hình số mặt đất, nên tiến hành biện pháp trợ giúp người dân thuộc các đối tượng ưu tiên mua đầu thu số song song với lộ trình chuyển đổi (ngay từ năm 2011 khi tiến hành phát sóng truyền hình số mặt đất tại các khu vực phát triển) chứ không nên áp dụng biện pháp trợ giúp mua đầu thu số theo một thời điểm cố định (2013 – 2020) do trong các khu vực phát triển vẫn có những đối tượng cần phải trợ giúp.
Khi nào ngưng phát sóng truyền hình tương tự?
Các tỉnh thành trên cả nước sẽ được chia thành 4 nhóm để thực hiện lộ trình số hóa.
Nhóm I - Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ: sẽ thực hiện số hóa ngay từ năm 2011 và chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2014.
Nhóm II - Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Thừa Thiên - Huế: từ 2013 đến 31/12/2016.
Nhóm III - Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau: từ 2015 đến 31/12/2018.
Nhóm IV - Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng (từ 2017 đến 31/12/2020).
|
Dự thảo Đề án quy định Đài truyền hình địa phương và các Đài truyền hình Trung ương (VTV, VTC) đều phải ngưng phát sóng truyền hình tương tự để chuyển sang phát sóng truyền hình số tại cùng một thời điểm và có thời hạn thay đổi tuỳ thuộc vào phân nhóm khu vực. Riêng tại các tỉnh, thành phố thuộc nhóm khu vực phát triển, các Đài truyền hình địa phương sẽ phải ngưng phát sóng tương tự trước ngày 31/12/2004, sớm hơn 2 năm so với thời hạn ngưng phát sóng tương tự của các Đài truyền hình Trung ương (31/12/2016).
Trao đổi quan điểm về mốc thời gian ngưng phát sóng vừa nêu, đại diện Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) nhận định: Việc các đài VTV, VTC ngưng phát sóng tương tự sau các đài địa phương sẽ làm cho việc số hoá truyền hình gặp khó khăn do VTV, VTC có độ phủ sóng rộng, chương trình phong phú và người dân cũng sẽ chưa chuyển sang sử dụng thiết bị thu sóng truyền hình số nếu VTV, VTC tiếp tục phát truyền hình tương tự. Để đảm bảo tính bình đẳng, nên quy định thống nhất thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự của các Đài truyền hình Trung ương và các Đài truyền hình địa phương tại các tỉnh, thành phố thuộc nhóm các khu vực phát triển đều là trước ngày 31/12/2014 giống như tại các tỉnh, thành phố còn lại trên toàn quốc.
Tuy nhiên, phản biện lại ý kiến của HTV, Ban Soạn thảo Đề án vẫn đề nghị giữ nguyên quy định như trong Dự thảo. Lập luận của Ban Soạn thảo là VTV, VTC có phạm vi phủ sóng toàn quốc, nếu ngừng cùng thời điểm với các đài địa phương như HTV thì một số địa phương xung quanh sẽ không xem được các chương trình truyền hình của VTV, VTC. Vì vậy, cần thiết phải lùi lại 2 năm để phù hợp với lộ trình số hoá tại các địa phương lân cận.
Liên quan tới vấn đề kết thúc phát sóng truyền hình mặt đất tương tự, HTV đề xuất cần đẩy nhanh thời điểm số hoá truyền hình tại một số địa phương đạt đủ điều kiện.
Theo quy định tại Dự thảo Đề án thì sẽ kết thúc phát sóng truyền hình mặt đất tương tự tại một tỉnh, khu vực để chuyển sang phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ số khi 95% số hộ gia đình tại địa phương, khu vực đó có máy thu hình có khả năng thu được các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu bằng những phương thức truyền dẫn, phát sóng số khác nhau.
Trên thực tế, tại TP.HCM hiện đã có 1.350.000 thuê bao truyền hình không sử dụng phương thức tương tự, chiếm 95,57% so với tổng số hộ dân tại Thành phố. Vì thế, HTV đề nghị Bộ TT&TT xem xét đẩy nhanh thời điểm số hoá truyền hình cho phù hợp với thực tế phát triển tại các tỉnh, thành phố và góp phần đẩy nhanh lộ trình số hoá chung trên toàn quốc, đảm bảo những lợi ích của việc số hoá truyền hình.
Kiến nghị này đã được Bộ TT&TT tiếp thu. Đại diện Bộ TT&TT khẳng định rằng trong quá trình triển khai, khuyến khích các địa phương đủ điều kiện theo quy định (đạt 95%) tuyên bố ngừng phát sóng tương tự trước thời hạn. Riêng với trường hợp của HTV nêu, sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ TT&TT sẽ chính thức điều tra tại TP.HCM, nếu đủ điều kiện sẽ cho ngừng truyền hình tương tự.
Năm 2020: 100 % hộ gia đình được xem truyền hình số
Đề án đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm khoảng 55% các phương thức truyền hình số; phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư.
Trong giai đoạn này, sẽ bước đầu hình thành thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất với 3 - 5 doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc hoặc khu vực.
Đến năm 2020 sẽ đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình; phủ sóng truyền hình số mặt đất tới 80% dân cư; phát triển và hoàn thiện thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất quy mô tối đa từ 7 đến 8 doanh nghiệp trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh.
Đề án có 5 dự án trọng điểm được thực hiện từ nay đến năm 2020 với tổng kinh phí dự kiến lên tới 4.393 tỷ đồng. Trong đó, 997 tỷ đồng dành để hỗ trợ người dân mua thiết bị thu xem truyền hình số, 50 tỷ đồng dành để thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc số hóa truyền hình, 2.331 tỷ đồng để xây dựng mạng truyền hình số mặt đất toàn quốc...
Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đến năm 2020 cũng sẽ được thành lập để thống nhất và tập trung chỉ đạo triển khai đề án trên cả nước.
Đề án đã được trình Thủ tướng Chính phủ vào trung tuần tháng 4/2010.
Theo www.taichinhdientu.vn