Thứ tư, 24/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 25/06/2010
Phát triển công nghệ thông tin - Cần giải pháp đột phá

Tăng sức cạnh tranh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) phát triển, phấn đấu đưa ngành này trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn là mục tiêu đã được Chính phủ đề ra từ nhiều năm nay. Thế nhưng đến nay những thành tựu của ngành CNTT vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như kỳ vọng của nhiều người.

Thế mạnh chưa được phát huy

Tại Hội nghị toàn thể Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - Thái Bình Dương vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhận định Việt Nam có cơ hội lớn về gia công xuất khẩu phần mềm (outsourcing). Theo một khảo sát của Hiệp hội Công nghệ thông tin Nhật Bản (JISA), Việt Nam đứng thứ 3 trong các điểm đến về outsourcing ở Nhật Bản nhưng mới chỉ chiếm 0,5%, trong khi Trung Quốc dẫn đầu với tỷ lệ 84,3%.

Công nhân Công ty Sonion làm việc tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: CHÍ LÂM

Tuy vậy, nhiều công ty ở Nhật Bản vẫn coi Việt Nam như một đích đến trong lĩnh vực outsourcing để thay thế thị trường Trung Quốc. Các doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản coi Việt Nam là một thị trường thuê ngoài tiềm năng và hấp dẫn bởi các yếu tố như: chi phí nhân công cạnh tranh, lao động Việt Nam thích nghi nhanh với văn hóa và thông lệ kinh doanh của Nhật Bản... Bản thân Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành quốc gia phát triển về CNTT - truyền thông và có thế mạnh nổi trội trong việc cung cấp nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ phần mềm.

Đến nay, CNTT - phần mềm nước ta chủ yếu làm gia công cho thị trường nước ngoài. Hiện nay cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ CNTT nhưng thực tế chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp thực sự hoạt động, trong đó số doanh nghiệp mạnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tổng nhân lực toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT hiện nay khoảng 30.000 người. Năng suất bình quân 13.000 USD/người/năm, bằng 45% so với Ấn Độ, 65% so với Trung Quốc. Tính chất công việc nặng về gia công, trình độ kỹ thuật còn thấp, đơn giản và sản phẩm bán ra giá thấp.

Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, hiện nay các doanh nghiệp CNTT nước ta tuy đông về số lượng nhưng hầu hết hoạt động tự phát, chưa có tính liên kết. Doanh số tập trung vào nhóm các công ty lớn, chỉ chiếm 5% trong tổng số doanh nghiệp (hơn 40 doanh nghiệp, trong đó có 13 đơn vị thuộc khu công nghệ phần mềm Quang Trung) nhưng quyết định tới 95% tổng doanh số phần mềm và dịch vụ; chiếm gần 100% doanh thu xuất khẩu phần mềm và dịch vụ. 95% doanh nghiệp còn lại chỉ đóng góp 5% tổng doanh thu. Cũng cần phải thừa nhận năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lĩnh vực này hiện nay quá yếu. Ngoài một vài công ty mang được thương hiệu của mình ra thế giới với tư cách là công ty cung ứng dịch vụ, còn hầu hết chỉ là các công ty gia công phần mềm, tên tuổi ẩn sau những công ty lớn trên thế giới.

Bài toán nhân lực

Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhân lực CNTT hơn 600.000 người nhưng khả năng đáp ứng tối đa cũng chỉ hơn 60% (khoảng 400.000 người). Hiện nay trong hơn 400 trường đại học và cao đẳng trên cả nước, có 2/3 trường đào tạo về chuyên ngành CNTT. Thế nhưng có một nghịch lý: Trong khi hầu hết ngành kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang thiếu hụt trầm trọng lao động CNTT, mỗi năm vẫn có hàng nghìn sinh viên CNTT tốt nghiệp không thể tìm được việc làm.

"Hiện nay, vốn đầu tư của các doanh nghiệp CNTT và phần mềm do tư nhân và các thành phần kinh tế phi nhà nước nắm giữ tuyệt đối. Sự quan tâm của Nhà nước đưa công nghiệp phần mềm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mới chỉ dừng lại ở chủ trương chính sách, chưa đóng vai trò đầu tư xây dựng các đầu tàu và lực lượng nòng cốt, chủ lực để thực hiện mục tiêu đề ra".

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội tin học TPHCM

Theo Cục CNTT (Bộ Giáo dục - Đào tạo) hàng năm có khoảng 62.000 sinh viên theo học ngành CNTT - truyền thông và con số này gia tăng khoảng 25-30% mỗi năm. Thế nhưng, dù chỉ tiêu tuyển sinh ngành CNTT tăng hàng năm nhưng nhân lực ngành này đến nay vẫn thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, từ năm 2007, hàng loạt công ty, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư mới vào Việt Nam với nhu cầu nhân sự rất lớn.

Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức to lớn trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển của ngành CNTT và nền kinh tế. Bên cạnh đó, từ năm 2000 Chính phủ đã xem ngành CNTT và phần mềm là một trong những biện pháp thoát nghèo của Việt Nam, đi kèm theo đó là chủ trương xây dựng hàng loạt khu công nghiệp phần mềm ở các tỉnh-thành trong cả nước. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có vài khu công nghiệp phần mềm hoạt động tạm gọi là thành công: Khu công nghiệp phần mềm Quang Trung (TPHCM) và Khu công nghiệp phần mềm Đà Nẵng, Khu công nghệ cao ở TPHCM, Hà Nội (Hòa Lạc).

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA), chất lượng đào tạo nhân lực ngành CNTT đang là vấn đề đáng lo ngại. Nguồn nhân lực được đào tạo trong những năm gần đây bộc lộ nhiều yếu kém, đa số đều chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học hỏi và nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu đặc thù của ngành. Dưới góc độ nhà tuyển dụng, ông Trần Ngọc Cang, Phó Tổng giám đốc Công ty Renesas Việt Nam, đánh giá trình độ nhân lực ngành CNTT và phần mềm hiện nay quá yếu. Khi tuyển nhân viên mới, trong 10 ứng viên chỉ có thể tuyển chọn được 1 người đáp ứng được yêu cầu.

Vươn lên bằng nội lực

Định hướng kinh tế Việt Nam là xuất khẩu, ngành CNTT cũng phải đi theo con đường đó. Tuy nhiên thời gian qua các doanh nghiệp phần mềm đã quá chú trọng thị trường nước ngoài dẫn đến việc đầu tư cho chính thị trường trong nước chưa đủ, chưa đúng tầm. Đặc biệt, sự suy thoái đột ngột của nền kinh tế toàn cầu đã làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp còn non trẻ này. Các doanh nghiệp trong nước chưa kịp ghi dấu ấn đủ mạnh với khách hàng quốc tế thì thị trường giới đã bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt, nhiều hợp đồng xuất khẩu bị cắt giảm, nhiều đơn hàng sắp ký bị dừng vô thời hạn, nhiều hợp đồng dang dở bị hoãn, hủy. Có cả những trường hợp đã hoàn thành hợp đồng nhưng khách hàng bị phá sản, doanh nghiệp nước ta đành chịu tổn thất.

"Việc nâng cao chất lượng nhân lực đối với ngành CNTT đang rất bức thiết. Đây là ngành công nghiệp mang tính toàn cầu, cạnh tranh trong thế giới phẳng. Vì vậy muốn phát triển CNTT thành một ngành kinh tế mũi nhọn, trước hết nguồn nhân lực phải đạt chất lượng quốc tế. Tuy nhiên hệ thống đào tạo trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu này. Đây đang là bài toán khó đối với VINASA".

Ông Lâm Quang Nam, Giám đốc Ban đào tạo và phát triển nhân lực VINASA

Trong bối cảnh này, muốn phát triển CNTT trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, điều trước tiên các doanh nghiệp cần liên kết để tạo sức mạnh nội lực; xác định những thế mạnh chủ chốt, tạo ra những bước đột phá để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. GS. Đỗ Trung Tá, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, phân tích: “Hướng phát triển CNTT hiện nay là biến số lượng thành chất lượng, đồng thời phải cân đối giữa nội lực và ngoại lực. Chúng ta không nên quá tham thị trường xuất khẩu mà bỏ trống thị trường trong nước cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ngược lại nếu không có sản phẩm CNTT xuất khẩu, chúng ta không thể khẳng định được chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Thị trường trong nước có số dân lớn, đây chính là lợi thế. Nếu ta khai thác tối đa thị trường trong nước và sau đó xuất khẩu, hoặc ngược lại, đều rất tốt”.

Hiện tại có những ngành kinh tế đem lại lợi nhuận cho quốc gia như nông lâm ngư nghiệp, các ngành thương mại, sản xuất đang có nhu cầu áp dụng thương mại điện tử. Tuy nhiên thị phần ứng dụng công nghệ phần mềm rộng lớn này đang bị các công ty phần mềm Việt Nam bỏ ngỏ. Nguyên nhân do các doanh nghiệp phần mềm không tiếp cận được nhu cầu thị trường trong nước; không nắm được các ngành này đang cần những gì, thậm chí có biết cũng hạn chế về kinh nghiệm nên chưa tìm ra giải pháp để thuyết phục khách hàng.

Trong khi về năng lực thực tế, những phần mềm này, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có đủ khả năng sản xuất. Để phát triển CNTT thành ngành sản xuất mũi nhọn, trước nhất đáp ứng các nhu cầu doanh nghiệp trong nước và tiến tới xuấn khẩu, cần thiết phải có các giải pháp đột phá và Nhà nước phải có vai trò chủ trì, tạo cú hích để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói này. Đầu tư cho những sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, từng bước khẳng định vị thế ngành CNTT Việt Nam trên trường quốc tế là yêu cầu cấp bách đang đặt ra.

Theo www.sggp.org.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0