|
Hội thảo có sự tham gia của đại diện 15 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Theo ông Kien Leong Looi, việc xây dựng chính sách phát triển CNTT của mỗi quốc gia cũng giống như xây dựng một đội bóng đá, huấn luyện viên phải hiểu các cầu thủ, có phương pháp để phát huy được thế mạnh của mỗi cầu thủ, hạn chế điểm yếu của đội bóng.
Theo tiến sĩ Dan E Khoo, Chủ tịch Liên minh CNTT Thế giới WITSA, Malaysia phát triển CNTT thành công là nhờ chiến lược và sự nhất quán của Chính phủ trong ưu tiên phát triển CNTT liên tục gần 20 năm qua, nhất là các các ưu đãi về hạ tầng, trụ sở làm việc, thuế, nhân lực. Nhờ vậy từ một nước nhập khẩu hầu hết thiết bị và dịch vụ CNTT, ngày nay công nghiệp CNTT đã chiếm 9,8% GDP quốc gia, bắt đầu xuất khẩu mạnh ra các nước.
Bà Kelly Hutchison, Tổng thư ký Hiệp hội công nghệ thông tin Australia (AIIA) chia sẻ kinh nghiệm của Australia trong xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng các chính sách khuyến khích sự sáng tạo trong các doanh nghiệp.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Ấn Độ (NASSCOM) cho biết thành công của Ấn Độ nhờ sự đầu tư vào đào tạo nhân lực, biến Ấn Độ trở thành cường quốc công nghiệp phần mềm thế giới.
Thuyết trình của đại diện Nhật Bản, ông Sugiyama, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNTT Nhật Bản (JISA) cho thấy cơ hội to lớn cho các nước và doanh nghiệp trong hợp tác gia công phần mềm cho thị trường Nhật Bản. Nhu cầu gia công phần mềm của Nhật Bản đang tăng mạnh tới 30% mỗi năm, đạt mức 4,3 tỷ USD vào năm 2008. Việt Nam cũng đang tận dụng tốt cơ hội này và hiện là đối tác gia công phần mềm lớn thứ ba của Nhật Bản, sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Các tham luận từ Hàn Quốc, Việt Nam cũng cho thấy nhân lực là yếu tố các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng: “Chính phủ Việt Nam
quan tâm, ưu đãi phát triển CNTT”.
Ông Jeung-bae Son, Giám đốc điều hành Liên đoàn Công nghiệp CNTT Hàn Quốc (FKII) cho biết Hàn Quốc có chương trình đào tạo nhân lực CNTT Hanium được Chính phủ hỗ trợ rất mạnh. FKII sẵn sàng chia sẻ chương trình này với Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết, tại Việt Nam, CNTT và truyền thông đang góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách số, bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia. Phát triển CNTT là chiến lược then chốt trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đang xây dựng kế hoạch phát triển mới với mục tiêu tăng tốc đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT vào năm 2020. Đề án này Chính phủ đang giao cho Bộ Thông tin – Truyền thông xây dựng.