Phóng viên Phạm Bình Minh, báo Tài chính điện tử:
Cùng là “dân” làm báo, tôi rất “hâm mộ” các phóng viên của BĐVN, đồng thời, cũng rất chia sẻ những khó khăn, vất vả của các cán bộ, phóng viên báo trong thời kỳ hội nhập kinh tế.
Ở một khía cạnh nào đó, BĐVN đã trở thành một nguồn tin chính thống để các đồng nghiệp trong giới CNTT-TT khai thác thông tin và tiếp tục “chế biến” nhằm đem lại những thông tin cập nhật, hấp dẫn cho độc giả. Một ấn tượng khác nữa của tôi về Báo BĐVN là sự “dám nghĩ và dám nói”.
Mặc dù là một cơ quan trực thuộc Bộ TT&TT, song BĐVN không “co mình” phản ánh một chiều những chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, mà đã phản ánh được nhiều chiều thông tin liên quan tới chức năng quản lý Nhà nước của Bộ. Dẫu rằng không phải bài viết nào của phóng viên BĐVN cũng có những quan điểm đúng đắn, khách quan, song với sự mạnh dạn phản ánh chân thực thực tiễn khách quan như vậy, tôi nghĩ rằng BĐVN đã “cống hiến” cho độc giả những “bữa ăn” với thực đơn đa dạng.
Dù có ấn tượng tốt về BĐVN, song tôi thấy rằng có vẻ như khả năng thích ứng, linh hoạt với “cơ chế thị trường” của toà soạn vẫn chưa đủ độ cần thiết, dẫu rằng BĐVN đã có cả báo giấy, báo điện tử, gần đây lại tiếp tục mở rộng lĩnh vực hoạt động qua “sân” tổ chức sự kiện. Tôi cũng hiểu rằng để có thể “nuôi sống” và “phát triển” mạnh “thương hiệu” của một tờ báo không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Dường như BĐVN vẫn chưa thể hoạch định được một chiến lược cụ thể, rõ ràng về sự phát triển và “thăng tiến” của mình trong tương lai. Có vẻ như tờ báo tôi yêu quý vẫn đang lúng túng giữa “ngã ba đường” của việc lựa chọn mô hình hoạt động, hoặc theo xu hướng phổ thông, hoặc theo xu hướng phát huy bản sắc của một tờ báo ngành.
Nhà báo Lê Phan Thủy Nguyên, báo điện tử VnMedia:
Là người chuyên theo dõi mảng CNTT-TT và cũng là độc giả quen thuộc của Báo BĐVN đã gần 10 năm nay, có thể nói, mỗi ngày tôi lại nhận thấy ở tờ báo có một sự thay đổi tích cực đáng ghi nhận. Đặc biệt trong thời gian gần đây, BĐVN đã được đẩy mạnh xã hội hoá về mặt hình thức cũng như nội dung. Bên cạnh những thông tin về xã hội, kinh tế, văn hoá, người đọc được cập nhật một cách nhanh chóng những thông tin CNTT-TT đa dạng, có chiều sâu.
Hy vọng trong thời gian tới, BĐVN và trang tin điện tử ICTnews của báo sẽ phát huy được thế mạnh để có thể sánh ngang với những tờ báo về CNTT-TT trên thế giới cũng như trong khu vực.
Nhà báo Nguyễn Trần Nhật, báo Giáo dục & Thời đại:
Trên thế giới, nhắc đến báo bưu điện là người ta hình dung ra những tờ báo lớn như nhật báo Bưu điện Washington (Mỹ), Bưu điện sông Ranh (Đức), Bưu điện biên giới (Australia), Bưu điện Thổ Nhĩ Kỳ, Bưu điện Băng Cốc (Thái Lan)… Những tờ báo này phát hành rộng, lợi nhuận cao, có khả năng tác động xã hội rất lớn vì nó không chỉ đề cập tới lĩnh vực bưu điện, truyền thông mà đề cập tới tất cả các lĩnh vực của đời sống như kinh tế, xã hội, điều tra… Vì vậy, nó có tính chiến đấu cao. Còn ở Việt Nam, báo Bưu điện chưa được nhiều độc giả ngoài ngành biết tới. Tôi cho rằng, báo Bưu điện Việt Nam cần phải xã hội hóa nhiều hơn nữa để phát triển xứng tầm.
Phóng viên Nguyễn Đức Tuyền, báo Đại đoàn kết:
Ngày còn là sinh viên, mỗi lần lên thư viện tôi cũng hay tìm đọc Báo Bưu điện, nhưng ngày ấy, tôi thấy báo “hơi bị” chuyên ngành. Sau đó nhiều năm, tôi trở thành cộng tác viên của báo. Ấy là một lần, nhận được “cuốc” điện thoại mời cộng tác của một đồng nghiệp đang làm tại báo này. Thú thật cũng băn khoăn, tôi đắn đo hỏi: Mình không có chuyên ngành về “dây thép” thì biết viết gì đây?! Đồng nghiệp ấy khích lệ: Cứ có gì thì viết đi!
Báo Bưu điện giờ không còn khu biệt về đề tài, thể loại và lĩnh vực nữa rồi. Nhận lời, tôi viết và không ngờ bài ấy đã được đăng. Ngày được tòa soạn gọi sang lấy báo, nhuận bút, cầm trên tay tờ Báo Bưu điện, thông tin đã đẫy đà, thể loại đề tài vùng miền đã phong phú hơn. Cái quan trọng nữa là trên một bình diện chung thì nhuận bút báo cũng đã an ủi được phần nào những người chỉ biết viết bài để kiếm sống như tôi.
Với chuyên mục, số trang và kỳ phát hành như hiện nay, Báo Bưu điện đã có sự thay đổi cục diện nội dung và đã có bạn đọc. Tuy nhiên, cần phải cố gắng đa dạng hơn nữa về nội dung thông tin, bám sát hơn nữa các vùng miền.
Nhà báo Nguyễn Thu Hà, Trưởng phòng KHCN, tài nguyên, môi trường-Hệ VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam:
Với giới yêu thích CNTT-VT, ICTnews.vn đang là một địa chỉ để họ thường xuyên “ghé thăm”. Có thể nói, đây là kênh cung cấp thông tin một cách toàn diện đầu tiên của Việt Nam về lĩnh vực CNTT, viễn thông hiện nay. Những thông tin mới, cập nhật, những nội dung đang “hot” được độc giả, cộng đồng CNTT, viễn thông đón đợi… hầu hết đều “góp mặt” ở các nội dung Thời sự, Kinh doanh, Viễn thông, Internet cũng như Phần cứng, Phần mềm, Bảo mật.
Là một nhà báo phụ trách mảng CNTT của Đài TNVN, tôi thích cách rút tít của ICTnews.vn, không phải là lối giật gân, câu khách nhưng rất ấn tượng. Ngay ở mục “Sản phẩm”, không giống như nhiều tờ báo khác chỉ là quảng cáo thông thường, mục này còn đưa ra những đánh giá, cung cấp một số thủ thuật và so sánh giá giúp người tiêu dùng có cái nhìn toàn diện hơn về sản phẩm công nghệ.
Tôi cũng rất thích đọc mảng “Tiêu điểm” và bình luận của ICTnews.vn. Tuy nhiên, sẽ là hoàn thiện hơn nếu mảng bình luận có những cây bút sắc sảo hơn, lối viết mạnh dạn hơn. Tôi chờ đợi ở ICTnews.vn một sự vượt trội hơn các báo khác ở những phân tích sâu, đa dạng, nhiều chiều để thể hiện là cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT.
Bên cạnh đó, những người yêu thích ICTnews.vn cũng mong muốn địa chỉ này có công cụ tìm kiếm thuận lợi hơn, bởi đôi khi muốn tìm kiếm một nội dung nào đó rất khó đạt được kết quả mong muốn cho dù nội dung đang được lưu trữ trong dữ liệu của trang.
Nhà báo Nguyễn Thế Hào, Thời báo Kinh tế Việt Nam:
So với những năm trước, hiện báo Bưu điện đã có nhiều thay đổi. Với thế mạnh là cơ quan ngôn luận của Bộ TT&TT, có thuận lợi hơn các đồng nghiệp khác trong việc tiếp cận thông tin lĩnh vực TT&TT, báo Bưu điện đã cập nhật tốt hơn về mảng chính sách ICT, đồng thời bám sát, đưa tin đầy đủ hơn về đời sống CNTT-TT trong nước và thế giới, được giới doanh nhân và đồng nghiệp trong lĩnh vực ICT đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo tôi BĐVN vẫn chưa thực sự phát huy hết thế mạnh của mình, đôi khi còn ngại đề cập đến những vấn đề chưa tốt của ngành. Để phát triển mạnh hơn trong tương lai, có nhiều độc giả hơn, tôi nghĩ rằng Báo nên xác định hướng trở thành một tờ báo hàng đầu về lĩnh vực ICT và có thể mạnh dạn bỏ bớt những mục, bài viết không phải là thế mạnh, có vẻ trái ngược với ICT...
Theo ICTnews