Báo mạng: cần thay đổi cách ứng xử
Thống kê của Cục Quản lý PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) cho thấy, thông tin trên Internet thời gian qua thường vi phạm ở các nội dung dung tục, phản cảm, đăng hình ảnh kích động, bạo lực, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục, thông tin ngoại cảm, thần bí, ma quái; cung cấp công cụ cho phép người dùng tìm kiếm các thông tin xúc phạm lãnh tụ, đồi trụy; thông tin vi phạm, không phù hợp lợi ích quốc gia, không đúng đường lối ngoại giao...
Ông Chu Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý PTTH&TTĐT cho rằng, hầu hết các trang tin điện tử vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, “hiện đang có một lỗ hổng trong quá trình quản lý là việc đưa thông tin trên mạng trên cơ sở sử dụng công cụ trao đổi của các báo mạng. Thậm chí, rất nhiều thông tin đưa lên thực tế chỉ là cuộc chiến giữa các doanh nghiệp trên thương trường, nhất là ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, môi trường… Vì thế, sắp tới sẽ có quy định rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý tờ báo, trang tin điện tử về những thông tin này”, ông Hòa nói.
Theo TS. Thang Đức Thắng, TBT báo điện tử VnExpress, sự chia sẻ thông tin trên mạng đã và đang bỏ qua vai trò của các tờ báo truyền thống, các nhà cung cấp nội dung truyền thống. Thế giới mạng chỉ còn lại 2 nhóm đối tượng: đưa tin và nhận tin. Nếu như trước kia số lượng người đưa tin ít hơn rất nhiều người nhận tin, các nhà báo có vai trò độc tôn trong việc cung cấp thông tin, thì nay, các công cụ ứng dụng của Internet đã giúp cho số lượng người đưa tin trở nên ngang bằng với người nhận tin.
Tương quan đó thay đổi với tốc độ quyết liệt, dẫn tới các phương tiện báo chí truyền thông có vô số nguồn tin để đối chứng, những tin tức được đưa lên có nhiều nguồn khác để đối chứng. “Vì vậy, mỗi tờ báo mạng cần phải có một chiến lược phát triển”, ông Thắng khẳng định. Vị TBT này cho rằng, để quản lý nội dung thông tin trên Internet, nếu chỉ nắm các trang báo điện tử, các trang tin được cấp phép là chưa đạt được hiệu quả bởi những gì đưa tin trên báo điện tử chính thức chỉ là một phần nhỏ của thông tin. Trong khi đó, các cá nhân đều có thể tham gia vào việc truyền tải tin tức và tham gia không nhỏ vào việc định hướng dư luận.
“Chúng ta cũng cần thay đổi cách ứng xử với báo điện tử. Một tờ báo in có 10-20 vạn bản phát hành đã được cho là tờ báo lớn, thì với báo mạng, con số là hàng triệu người. Vì thế ảnh hưởng của nó rất lớn”, ông Thắng đề nghị.
Game online: công việc không chỉ của ngành TT&TT
Tiếp tục đưa bức xúc về game online từ Quốc hội đến Hội thảo, GS. Nguyễn Minh Thuyết đưa ra các phân tích khá sâu về những mặt trái của game khi nó bị lạm dụng. Theo ông Thuyết, điều mà game online đang làm cho xã hội lo lắng nhất là kích động sự hoang tưởng vĩ cuồng của trẻ em, lôi cuốn người chơi vào những trò đỏ đen, buôn bán trên mạng và gây lãng phí thời gian khiến người chơi sao nhãng học hành, lao động, chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, ông Thuyết cũng khẳng định sự quản lý lĩnh vực này vẫn phải tiếp tục đáp ứng được nhu cầu giải trí lành mạnh của thanh thiếu niên nói chung, phù hợp với giao dịch trên toàn cầu, tạo điều kiện để phát triển công nghiệp nội dung số của Việt Nam.
Vì thế, theo ông Thuyết, cần sớm có sự sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 60 năm 2006, trong đó lưu ý phân loại chi tiết, cập nhật hơn các loại trò chơi trực tuyến, xác định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ mạng để ngăn chặn cung cấp trò chơi bạo lực, đỏ đen, tình dục, tăng cường tính tự chủ của doanh nghiệp, tính tự quản của các hiệp hội nghề, bỏ những quy định không phù hợp, ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp nội dung số.
Cụ thể, ông Thuyết cho rằng, không thể quy định tắt máy chủ của các nhà cung cấp game sau 23h bởi sẽ làm giảm nguồn thu của các doanh nghiệp thu được từ người chơi ở nước ngoài, song, đối với các đại lý cung cấp dịch vụ Internet cần quản chặt thời gian đóng mở cửa cung cấp game bởi trẻ em Việt Nam chỉ có 2 nơi để chơi game đó là ở nhà và cửa hàng Internet. Đồng thời, thay vì kiểm duyệt từng kịch bản trò chơi, Bộ TT&TT nên hướng tới phương thức hậu kiểm, trao quyền tự chịu trách nhiệm về nội dung cho doanh nghiệp kinh doanh game theo cách làm của lĩnh vực xuất bản.
Chia sẻ với “nỗi oan” của ngành TT&TT khi bị chất vấn quá nhiều về trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra những tác động tiêu cực của game online, ông Lê Như Tiến, Uỷ viên Uỷ ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng cho rằng phải đẩy mạnh công tác quản lý thanh thiếu niên tại gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Bên cạnh đó phải mở rộng các loại hình vui chơi khác cho thanh thiếu niên, nếu không trẻ em chỉ có ở trong nhà hoặc ra quán game. “Bộ TT&TT là cơ quan QLNN, dù thế nào vẫn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, nhưng Bộ chỉ là lực lượng nòng cốt, bộ tổng tham mưu, còn gia đình, nhà trường, các hội đoàn thể phải có trách nhiệm tham gia giáo dục con cháu mình”, ông Tiến đề xuất.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Các báo điện tử cần phải có định hướng phát triển theo hướng vừa là công cụ truyền thông, nhưng cũng đồng thời là công cụ tuyên truyền để đấu tranh với các thông tin của thế lực thù địch. Hàng vạn bản của báo in sẽ không thể lại được với tốc độ lan tỏa của báo điện tử. Chúng ta không còn ở thời kỳ ngoại giao phòng thủ nữa, mà phải ngoại giao tấn công, phải có sự chủ động để bảo vệ đất nước. Nhà nước cần đầu tư, các báo cũng cần đầu tư và tìm cho mình một hướng đi hiệu quả để đạt được cả 2 mục tiêu này.
Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc VNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam Vinasa
Với sự phát triển của Internet, trong 10 năm tới, số người sử dụng Internet ở VN sẽ tăng rất nhanh chóng, số lượng nhà cung cấp dịch vụ ở trong và ngoài nước cũng sẽ tăng lên. Quan điểm quản lý hiện nay là quản lý những đơn vị cung cấp và bằng biện pháp hành chính sẽ không còn hiệu quả. Từ phía doanh nghiệp, tôi kiến nghị Nhà nước nên suy nghĩ tới các biện pháp kỹ thuật bởi vì nó tập trung vào đối tượng chính là người dùng, có thể triển khai trên diện rộng.
Theo Ictnews