Nhộn nhịp buôn bán đồ ảo game bằng tiền thật
Nếu nói về kinh doanh đồ ảo trong game, thì có thể nói rằng nó xuất hiện trước cả việc các công ty game đưa game bản quyền về phát hành trong nước. Ngay từ thời MU lậu, việc mua bán này đã diễn ra tấp nập và chuyện một game thủ bỏ ra hơn chục triệu đồng để sắm cho nhân vật của mình một bộ đồ ảo để có thể trở thành cao thủ trong game không phải là hiếm.
Nhưng thời đại hoàng kim của dân kinh doanh đồ ảo trong game online tại Việt Nam thì nó lại nằm ở giai đoạn từ năm 2005 trở đi, sau sự xuất hiện của game online Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK). Việc mua bán đồ ảo trong game từ đó diễn ra công khai và những giao dịch có giá trị rất lớn lên tới hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng. Những chuyện như một người chơi có nickname là excavator bỏ ra 285 triệu đồng mua một chiếc nhẫn ảo, hay game thủ Hắc Điểu bỏ hơn 1 tỷ đồng để mua một nhân vật Nga My, "đại gia" Phạm Trường Sơn bỏ 1,8 tỷ đồng mua 2 nhân vật game… trở thành bình thường trong giới game thủ.
Đầy tệ nạn và thiếu luật
Giá trị của những món đồ ảo quá lớn, khiến cho những tệ nạn sinh ra từ game cũng bắt đầu nảy sinh và khi vẫn còn thiếu những ràng buộc pháp lý thì việc các tệ nạn này ngày càng phát triển là một điều tất yếu.
Cụ thể, hàng loạt sự xâm nhập trái phép vào máy game thủ để hack đồ ảo diễn ra liên miên. Những món đồ ảo có giá trị của game thủ chỉ cần hở ra một tý là ngay lập tức không cánh mà bay. Đơn cử như việc tài khoản của chị Nguyễn Thị Thanh Lan, một tài khoản VIP trong VLTK, bị kẻ xấu hack cặp nhẫn vô danh có giá trị 30 triệu tiền thật, chỉ sau bảo trì một thời gian ngắn là một ví dụ điển hình. Rồi hàng loạt game thủ phải nhìn những món tài sản ảo có giá trị của mình trong game ra đi chỉ sau 1 vài phút vì hacker trở thành chuyện thường.
Nhưng nguy hiểm hơn, là tình trạng cướp bóc tài sản ảo ngay ngoài đời thật đang có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Hàng loạt vụ cướp đã diễn ra trong sự bất lực của người bị mất, thậm chí họ còn bị đe doạ đến cả tính mạng. Anh Phạm Hoàng Nam, một game thủ tại TPHCM từng bị cướp đi cặp nhẫn vô danh trong game VLTK cho biết: “Người mua trả cặp nhẫn 20 triệu hẹn mình ra một tiệm net giao dịch, giao hàng xong hắn không đưa tiền còn quay lại đánh mình, cũng may là chạy kịp. Mình có lên trình báo công an, nhưng công an chỉ xác nhận là mình bị đánh, còn tài sản ảo thì họ chịu vì không có quy định nào về cái này”.
Anh Lê Thanh Hùng, một cao thủ VLTK tại TPHCM cũng cho biết: “Chuyện đánh người cướp tài sản ảo trong game giờ diễn ra đầy, có gì là lạ nữa đâu. Nhiều bạn của mình bán đồ, nó hẹn ra giao dịch xong cả 1 đám giang hồ nó kéo tới bắt ép phải đưa đồ xong mới cho đi, gặp tình huống đó muốn giữ được tính mạng không còn cách nào khác là đưa hết cho chúng thôi. Nói chung cũng chẳng biết làm thế nào, xui thì đành chịu vậy bởi có kêu công an cũng chẳng giải quyết được gì”.
Nhìn chung, tài sản ảo hiện nay đang nảy sinh ra nhiều vấn đề nhức nhối cho xã hội, nhưng điều khá lạ là đến bây giờ vẫn chưa có một quy định nào về vấn đề này. Trong dự thảo quản lý game online mới sắp được Bộ TT&TT trình lên Chính phủ thì tài sản ảo vẫn không được công nhận vì nó thuộc về game, còn các nhà phát hành thì vẫn một mực khẳng định nó là một đoạn mã trong game và họ chẳng liên quan gì.
Việc kinh doanh đồ ảo này tồn tại rất nhiều hình thức, nhộn nhịp khắp các diễn đàn game, các website trực tuyến được các công ty kinh doanh đồ ảo lập ra và những phiên đấu giá được tổ chức công khai với giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Game thủ mua những món hàng này cũng trở nên rất dễ dàng, chỉ cần một cú điện thoại là ngay lập tức sẽ có hàng giao đến tận nơi.
Theo Ictnews