|
Hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là đòi hỏi cấp bách của đất nước
|
Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định Đề án và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/6/2010.
Theo Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, đến năm 2015, Việt Nam đứng thứ 70 trở lên trong các bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về CNTT; tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 17 - 20% trong GDP; tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gấp từ 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Mục tiêu phấn đấu Đến năm 2020, Việt Nam đứng thứ 60 trở lên trong các bảng xếp hạng của ITU về CNTT. Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 20 - 23% trong GDP; tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Để thực hiện các mục tiêu này, có 6 nhiệm vụ chủ yếu được đưa ra là: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông; đưa điện thoại, thiết bị nghe nhìn, máy tính đến hộ gia đình; phát triển ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, phục vụ các nhu cầu đời sống xã hội của người dân; phát triển công nghiệp CNTT và phát triển nguồn nhân lực CNTT; xây dựng các tập đoàn CNTT làm chủ quốc gia vươn ra quốc tế.
Trước đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh rằng "Trong thời đại ngày nay, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là đòi hỏi cấp bách của đất nước".
Cho ý kiến về Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và Báo cáo đánh giá việc xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng lưu ý, ứng dụng CNTT là giải pháp để xử lý nhanh nhạy, thông suốt, thống nhất trong hoạt động của bộ máy nhà nước, trong quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp, vì mục tiêu cải cách hoạt động của Chính phủ và các cơ quan nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành.
Theo Website Chinhphu.vn