Thứ bảy, 20/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 17/11/2006
Chơi game 5 giờ 'trói chân' nhà cung cấp

Ảnh: Hoàng Hà.
Ảnh: Hoàng Hà.

Sau khi Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP HCM tuyên bố sẽ đóng cửa những trò chơi trực tuyến phát hành sau 1/7 mà chưa hội đủ điều kiện kỹ thuật, các nhà phát hành "vắt chân lên cổ" tìm biện pháp giới hạn thời gian chơi theo quy định Thông tư 60. Còn người chơi lại cho rằng ít ảnh hưởng đến họ.

Trong phát biểu gần đây với báo chí, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TP HCM, tuyên bố sau khi lập biên bản 7 doanh nghiệp kinh doanh game, các trò chơi phát hành trước 1/7 (thời điểm Thông tư 60 có hiệu lực) sẽ được kéo dài thời gian hoàn tất điều kiện đến hết tháng 12 năm nay. Game phát hành sau khi Thông tư 60 có hiệu lực sẽ bị “buộc ngưng lập tức ngay khi có quyết định xử phạt của thanh tra Sở”. Một trong những điều kiện để Bộ Bưu chính Viễn thông xác nhận đủ điều kiện kỹ thuật và nghiệp vụ kinh doanh game online là phải có giải pháp hạn chế giờ chơi của các game thủ.

Hầu hết các nhà cung cấp trò chơi trực tuyến cho biết khó khăn chung hiện nay nằm ở chỗ họ không thể tự ý can thiệp vào hệ thống của game. Mọi công việc chỉnh sửa, thêm bớt hệ thống trò chơi đều phải do chính nhà sản xuất thực hiện. Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại chỉ mua quyền phát hành trò chơi tại khu vực, tự ý thay đổi nội dung game là vi phạm bản quyền phần mềm. Để chấp hành quy định của nhà nước, đơn vị cung cấp game phải yêu cầu đối tác nước ngoài xây dựng riêng một thành phần khống chế giờ chơi để ráp vào hệ thống. Hiện chưa có quốc gia nào chính thức tiến hành áp dụng chính sách này. Nước đi đầu trong giới hạn giờ chơi là Trung Quốc mới đang thử nghiệm với một số game sản xuất trong nước, và chỉ áp dụng đối với người chơi dưới 18 tuổi. Như vậy, các công ty sản xuất game online trên thế giới phải “chế” riêng một module cho các nhà phát hành tại Việt Nam.

RYL II - Con đường đế vương phải tạm dừng hoạt động vì thiếu thủ tục cần thiết.
Game RYL II - Con đường đế vương phải tạm dừng hoạt động vì thiếu thủ tục cần thiết. Ảnh chụp màn hình.

Không chủ động trong việc triển khai chính sách của nhà nước, nhiều game đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. RYL II - Con đường đế vương là game đầu tiên bị tạm dừng hoạt động vì thiếu các thủ tục cần thiết để phát hành tại Việt Nam theo yêu cầu của Bộ VHTT. Việc triển khai biện pháp kỹ thuật khống chế giờ chơi của trò chơi này cũng đang gặp khó khăn. “RYL II được phát hành tại 21 quốc gia khác nhau trong một hệ thống hoàn chỉnh. Việc yêu cầu công ty giữ bản quyền là Gammasoft lập trình riêng một phiên bản mới cho Việt Nam có tính năng tính giờ, giảm kinh nghiệm không phải đơn giản”, ông Nguyễn Vĩnh Cường, Trưởng phòng game online Công ty Quang Minh DEC, đơn vị phối hợp với VASC phát hành trò chơi này, nói.

Đại diện của Quang Minh DEC cũng cho biết dự án game Thế giới hoàn mỹ của công ty cũng phải lùi ngày thử nghiệm so với dự kiến để trao đổi với đối tác về việc cải tiến kỹ thuật. Làng game hiện nay chỉ có 2 trò chơi PTVMU VN của FPT đã triển khai được hệ thống kiểm soát giờ chơi của game thủ. Mỗi tài khoản người chơi của 2 game này chỉ được cộng điểm kinh nghiệm trong vòng 5 giờ, bắt đầu tính từ 0h hằng ngày. Số giờ “thừa” không được cộng dồn. Riêng các game thủ PTV có thể sử dụng lệnh "/get_expgametime" để biết được mình còn thời gian chơi bao lâu. Game Con đường tơ lụa của VDC-Net2E dự kiến áp dụng biện pháp kỹ thuật của mình vào đầu tháng 12. Thương nhân, đạo tặc, bảo tiêu sẽ bị khống chế điểm kỹ năng và kinh nghiệm sau 5 giờ chơi, nhưng các công việc đi buôn, săn đồ vẫn tiến hành được bình thường. VinaGame phải "xoay vần" với 3 nhà sản xuất game khác nhau để hoàn thiện phần tính giờ cho 3 trò chơi đang vận hành của mình. Các nhà phát hành game còn lại vẫn đang “gấp rút phối hợp” với đối tác để “đưa vào ứng dụng trong thời gian sớm nhất” chứ chưa đưa ra được lịch trình cụ thể.

Người chơi PTV có thể dùng lệnh để theo dõi giờ chơi của mình.
Dùng lệnh để theo dõi giờ chơi trong PTV. Ảnh chụp màn hình.

Ngoài việc khó khăn trong triển khai biện pháp tính giờ, giới kinh doanh trò chơi trực tuyến nội địa cũng lo lắng chính sách này có thể làm mất tính cạnh tranh của ngành game trong nước, người chơi có thể bỏ sang server lậu hoặc phiên bản chung toàn cầu. Để đối phó, những chiêu “bù đắp” cho game thủ cũng được dự tính. Ngay sau khi reset máy chủ để cập nhật phiên bản mới có tính giờ, PTV liên tục có 2 sự kiện nhân 3 và nhân 4 lần số điểm kinh nghiệm thu lượm khi chiến đấu. Siêu thị PTV cung cấp thêm nhiều mặt hàng mới như Hòm vàng, Hòm bạc giúp gamer tranh thủ “tăng tốc” trong việc “cày kéo” và săn đồ.

Trái với sự lo lắng của các nhà phát hành game, đa phần game thủ khá bàng quan trước những gì đang diễn ra. Một số người quan tâm thì bàn luận về hiệu quả triển khai thông tư. Theo họ, nếu muốn chơi thêm thì chỉ cần tạo ra 1 tài khoản khác. Hơn nữa, "điểm thưởng" theo quy định đến nay vẫn được hiểu là điểm kinh nghiệm. Trong game còn nhiều hoạt động khác như buôn bán, thách đấu, công thành chiến, kết bạn, hẹn hò… nên người chơi vẫn có thể giải trí. Đối với những game mà kỹ năng người chơi đóng vai trò quan trọng (như Gunbound, Audition) thì điểm kinh nghiệm cũng không có ý nghĩa nhiều. "Mục đích của người chơi không phải là điểm thưởng, mà chính là cộng đồng", ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc đối ngoại Công ty VinaGame, nói.

Theo nhà phát hành VTC Game, đa số game thủ thường chỉ dành 2-3 giờ mỗi ngày để chơi. Game dạng như Audition của công ty này được chia thành nhiều ván nhỏ trong vòng vài phút. Người chơi vẫn thưởng thức trọn vẹn điểm kinh nghiệm nên không bị ảnh hưởng về mặt tâm lý.

Những “con nghiện game” thực sự thường sở hữu nhiều tài khoản, chơi nhiều game khác nhau. Họ sẵn sàng cho nhân vật tài khoản hết giờ chơi chuyển sang ngồi bán đồ thu tiền và đổi "khẩu vị" bằng nhân vật khác. Cơ quan quản lý cũng dự kiến điều này ngay từ khi bắt đầu xây dựng Thông tư 60. Trao đổi về nội dung Dự thảo lần 8, các Bộ tham gia đều thống nhất đây chưa phải là biện pháp toàn diện tuyệt đối ngăn chặn, mà đơn thuần như tiếng chuông cảnh báo, hướng đến ý thức của người chơi giống như đèn xanh đèn đỏ trong giao thông. Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ làm rõ hơn khái niệm "điểm thưởng" này.

Theo Vnexpress

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0