Thứ năm, 26/12/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 01/06/2010
Thanh toán bằng thẻ tại VN: ngổn ngang như nhà mới xây

Triển khai các dịch vụ thanh toán bằng thẻ đã không còn là chuyện "buôn bán, chờ thời cơ" nữa, mà "các Ngân hàng cần phải làm thật, đầu tư thật, làm quyết liệt," nếu không muốn thị trường VN trở nên lạc hậu và cũ kỹ.

Chỗ đứng nào cho thẻ?

Mô tả ảnh.
 
Theo những số liệu điều tra mới nhất, cả Việt Nam hiện mới phát hành được 22 triệu thẻ thanh toán các loại. Đây thực sự là một con số khiêm tốn nếu đem so sánh với dân số hơn 86 triệu người, chứ chưa nói đến một thực tế là 22 triệu thẻ không đồng nghĩa với 22 triệu người sử dụng, bởi rất nhiều người đang sở hữu cùng lúc nhiều thẻ.

 

Tương tự, con số 11.000 máy ATM đã được lắp đặt trên cả nước, dù là một nỗ lực không nhỏ của các ngân hàng khi mà chi phí đầu tư, vận hành cho một máy ATM mới không hề rẻ chút nào, vẫn chỉ như "hạt muối bỏ bể". Bên cạnh đó, ATM chủ yếu phân bố ở các thành phố lớn trong khi vẫn tỏ ra xa lạ và quá sức hiện đại đối với người nông dân. Vì thế không có gì khó hiểu khi phần đa người dân ở khu vực nông thôn vẫn không hay biết hoặc không hiểu ATM là cái gì, chứ đừng nói là những tiện ích mà nó mang lại.

Chưa được tiếp xúc nhiều với ATM, người dân càng không có điều kiện tận hưởng những lợi ích của thanh toán bằng thẻ (tín dụng/ghi nợ). Sự mù mờ về thông tin cùng với một tâm lý "ngại tìm hiểu, sợ rủi ro, không ưa thử nghiệm" công nghệ mới đã khiến cho người dân kiên quyết "bám chặt" lấy tiền mặt, coi như đấy là phương thức giao dịch, trao đổi, mua bán chủ đạo của mình.

"Với họ chỉ có tư duy vàng, đô, tiền, đồ chứ làm gì có chỗ nào cho thẻ", một chuyên gia ngân hàng bình luận. Chuyên gia này cũng thừa nhận rằng bản thân các ngân hàng chưa làm tốt công tác quảng bá thông tin về thanh toán không dùng tiền mặt trong cộng đồng. "Không hiểu, không biết thì sao mà dám dùng? Không thể cứ mãi đổ lỗi cho tâm lý tiền trao cháo múc ở người dân mãi được".

"Tôi cần một lý do!"

Chia sẻ với phóng viên Việt Nam Net, ông Hiasatsugu Furukawa, nghiên cứu viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản cho biết trước đây, Nhật Bản cũng phải trải qua một khoảng thời gian khá lâu để thuyết phục người dân sử dụng thẻ ngân hàng. "Muốn người dân sử dụng một cách thực chất, tự nguyện thậm chí là vui thích, ngân hàng phải xây dựng được một hệ sinh thái dịch vụ phong phú, đa dạng, hỗ trợ tối đa mọi nhu cầu dù là nhỏ nhất của họ".

"Bạn càng tạo ra được nhiều lý do để người dân dùng thẻ thì càng dễ thuyết phục được họ từ bỏ tiền mặt". Hiện tại thì tại Nhật, thanh toán điện tử đã trở nên quá đỗi phổ biến. Ngay cả công nghệ ví di động, vốn còn đang chập chững ở nhiều quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ, cũng đang được ứng dụng cực kỳ rộng rãi. Người dân chỉ việc quét điện thoại qua các đầu đọc thẻ để mua hàng trong siêu thị, mua vé xem phim, ăn McDonald’s, đi tàu điện ngầm.... mà không cần phải rút ví ra khỏi túi.

"Thẳng thắn mà nói, Việt Nam mới chỉ đang trong giai đoạn trứng nước của ứng dụng thẻ mà thôi. Nhưng nhờ đi sau mà Việt Nam có cơ hội để rút kinh nghiệm từ các nước khác. Các bạn có thể học ngay những công nghệ tốt nhất, mới nhất với giá thành không quá cao mà hiệu quả đã được thực tế chứng minh", ông Furukawa chia sẻ.

Cần Chính phủ hỗ trợ

Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ, ưu đãi mang tính thống nhất của Chính phủ cũng đóng vai trò cực kỳ to lớn đến tốc độ phổ cập của thanh toán thẻ trong dân. Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc điều hành Công ty Smartlink cho biết. Thí dụ như tại Na uy, chính phủ đã quyết định thu phí rất cao đối với các giao dịch bằng tiền mặt hoặc khi người dân rút tiền mặt từ ATM. Việc làm này nhằm mục đích hạn chế người dân sử dụng tiền mặt trong lưu thông hàng ngày.

Tương tự tại Hàn Quốc, các hộ kinh doanh bán lẻ sẽ được giảm thuế VAT nếu họ chấp nhận cho khách hàng thanh toán bằng thẻ. Nhờ chính sách này, doanh thu bán lẻ trong giai đoạn 2002-2006 của các hộ cá thể đã tăng lên còn lượng tiền mặt sử dụng thì giảm đi một cách đáng kể.

Bà Tú Anh cũng công bố khá nhiều số liệu về hiện trạng sử dụng thẻ tại Việt Nam thời điểm hiện nay. Trong năm 2009, liên mạng Smartlink và Banknet đã thực hiện hơn 1 tỷ giao dịch với giá trị khoảng 7500 tỷ. Tuy nhiên, đa số giao dịch là nhằm... rút tiền mặt. 1 tỷ USD thanh toán tại các POS (máy cà thẻ) thì 90% là do khách du lịch hoặc người nước ngoài đang sống tại Việt Nam chi tiêu. Rõ ràng là những ứng dụng của thẻ thanh toán tại VN còn hết sức hạn chế và hoàn toàn "lãng phí" tài nguyên, năng lực của công nghệ.

Điều đáng quan ngại hơn là số lượng thẻ phát hành đang tăng với tốc độ rất chậm. Điều đó cho thấy ngoài bộ phận công chức và công nhân tại các thành phố lớn hoặc khu công nghiệp đã bước đầu sử dụng thẻ, những hình thức thanh toán phi tiền mặt này gần như chưa tìm được đường thâm nhập vào đời sống.

Ngổn ngang như nhà đang xây

Mô tả ảnh.
 
Chia sẻ với VietNamNet, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán so sánh việc xây dựng mạng lưới thanh toán tại VN cũng giống như "xây một ngôi nhà mới, mọi thứ còn đang rất ngổn ngang". Ông thừa nhận "không có lý gì mà người dân lại đua nhau rút sạch tiền trong tài khoản trước mỗi kỳ nghỉ dài chỉ để mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại hay mua vé máy bay đi du lịch". Việc ATM chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu rút tiền mặt của người dân là một sự lãng phí lớn, trong khi các tính năng như gửi tiền, thanh toán chưa nhiều.

 

Ông Tiên đề xuất trong thời gian tới, Ngân hàng cần đẩy mạnh các dịch vụ tài chính công để các hộ gia đình có thể thanh toán phí cầu đường, mua xăng, vé xe buýt, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại qua ATM hoặc tài khoản Ngân hàng trực tuyến. Ông cũng cho rằng Nhà nước cần có các biện pháp ưu đãi về thuế, phí để kích thích cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị lắp đặt POS.

"Điều quan trọng nhất là ngân hàng phải hiểu rõ người dân cần gì. Ai cũng muốn được lợi, vậy thì hãy tạo ra lợi ích cho họ, hãy để cho họ thấy mình sẽ được lợi những gì khi dùng thẻ", ông Bryan Denos, Giám đốc Trung tâm Bán hàng của Techcombank hiến kế. Không đâu xa xôi, một quốc gia láng giềng của Việt Nam là Singapore đã xây dựng được một nền "văn hoá thẻ" rất thành công. Đại đa số các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm trên Đảo quốc sư tử đều chấp nhận thanh toán bằng thẻ, không những thế, chủ thẻ còn được hưởng vô số ưu đãi. Phổ biến nhất là việc giảm giá trực tiếp trên hoá đơn, hoặc không là tích điểm, tặng quà, đổi voucher ăn uống, đỗ xe miễn phí. Rõ ràng, động lực để người dân rút thẻ ra tiêu đã tăng lên rõ rệt, thay vì việc họ phải chi trả bằng tiền mặt.

"Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, bởi lẽ chưa có một "nền văn hoá kinh doanh ngân hàng" đúng nghĩa tại đất nước của các bạn. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng còn thấp, đồng nghĩa với việc còn cả một thị trường khổng lồ chưa được khai phá, chưa được tiếp cận", ông Denos kết luận.

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0