Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, người dân ở vùng nông thôn, gồm cả vùng sâu, xa, biên giới và hải đảo sẽ được đảm bảo về hạ tầng thông tin, truyền thông, rút ngắn sự khác biệt và chênh lệch về sử dụng các dịch vụ này giữa nông thôn và thành thị.
Cụ thể, 100% xã sẽ có điểm cung cấp các dịch vụ thông tin, truyền thông, như điểm BĐVHX, Trung tâm thông tin cộng đồng, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng... 100% số xã có điểm kết nối truyền dẫn băng rộng đa dịch vụ để cung cấp các dịch vụ viễn thông, Internet băng rộng, phát thanh truyền hình, thương mại, chính phủ điện tử… Mật độ điện thoại khu vực nông thôn sẽ đạt 50-60%, mật độ thuê bao Internet đạt 30-40% so với mật độ bình quân toàn quốc.
Nhằm hoàn thành việc xây dựng các kênh truyền dẫn chuyên biệt phục vụ chính phủ điện tử và thông tin cơ sở 2 chiều, Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đưa vào sử dụng Trung tâm dữ liệu điện tử Chính phủ Việt Nam trên Internet; 100% tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có mạng truyền hình hội nghị trực tuyến riêng... Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 hầu hết người dân và doanh nghiệp sẽ được cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 2-3.
Để thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án, Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp thiết bị, dịch vụ thông tin, truyền thông cho khu vực nông thôn với chính sách ưu đãi về thuế và cho vay vốn với lãi suất thấp; hỗ trợ người dân phí duy trì sử dụng dịch vụ viễn thông phổ cập, hỗ trợ mua sắm đầu thu kỹ thuật số khi thực hiện chương trình số hóa phát thanh truyền hình.
Dự kiến, Đề án sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2010.
Theo Ictnews