Thuế nhập khẩu còn 0% vào năm 2012
Thông thường dịp cuối năm là mùa bán hàng (sell season) của các hãng sản xuất linh kiện nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua hàng cũ và giới thiệu hàng mới. Một chuyên gia trong ngành cho biết các dòng CPU cũ của Hãng Intel mỗi lần giảm giá có khi đến 30% trong khi giá thành của CPU chiếm đến 25% tổng giá trị của một bộ PC, đó là chưa kể các hãng sản xuất linh kiện khác cũng sẽ giảm giá theo. Vì vậy, theo các doanh nghiệp, giá một số linh kiện và dòng sản phẩm hiện đang giảm không phải do việc VN gia nhập WTO. Ông Nguyễn Văn Minh, trưởng phòng nhập khẩu Công ty chuyên cung cấp laptop Nguyên Bội, cho biết giá các laptop sẽ giảm trên các dòng máy cũ, riêng các dòng máy dùng công nghệ mới chưa có biến động gì nhiều.
Hiện thuế nhập khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin (IT) của VN khá thấp. So với Singapore, giá laptop của VN cao hơn khoảng 10% và chủ yếu là do thuế nhập khẩu. Sản phẩm IT nhập khẩu vào VN hiện chịu hai mức thuế nhập khẩu với thuế suất là 5% và 10%, tùy theo mặt hàng. Riêng bộ vi xử lý (CPU) và RAM... có thuế 0%. Các sản phẩm này đến tay người tiêu dùng sẽ phải chịu thuế VAT từ 5-10%.
Vào WTO, VN sẽ tham gia Hiệp định công nghệ thông tin (ITA). Theo đó, ITA qui định từng bước dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm liên quan đến IT, tiến tới miễn thuế hoàn toàn đối với các sản phẩm và dịch vụ trong thị trường này. Tuy nhiên, sẽ có lộ trình giảm thuế. Từ 1-1-2008, VN sẽ bắt đầu giảm thuế cho các sản phẩm IT và đến năm 2012 thuế nhập khẩu các sản phẩm IT sẽ là 0%.
Cụ thể với mặt hàng laptop, PC, màn hình (monitor), bàn phím, ổ cứng... từ năm 2008 thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 10% xuống còn 8%, đến năm 2009 còn 6%, 2010 còn 4%, 2011 còn 2% và bắt đầu ngày 1-1-2012 sẽ là 0%. Theo cam kết này, rất ít sản phẩm IT được áp thuế 0% vào năm 2010 sớm như bộ cấp điện liên tục (UPS). Lúc đó nếu bạn đi du lịch sang Singapore mua một chiếc máy laptop giá chỉ rẻ hơn giá của một laptop tương tự bán tại VN do được hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Còn từ nay đến khi mức thuế áp dụng cho ITA được triển khai, giá các sản phẩm IT chỉ hi vọng vào các dịp giảm giá của nhà sản xuất, phân phối hoặc chịu khó dùng hàng công nghệ cũ với giá chấp nhận được.
Theo tính toán của chuyên gia, tốc độ giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của VN với WTO không “thấm thía” gì với tốc độ mất giá do thay đổi công nghệ. Bình quân mỗi laptop sử dụng công nghệ cũ mất giá khoảng 36%/năm nhưng với những laptop sử dụng công nghệ mới thì tốc độ mất giá lên đến 50-60%/năm. Chẳng hạn laptop Sony Vaio dòng S chỉ trong một năm giảm gần 2.000 USD so với giá 3.700 USD do có nhiều “đàn em” cạnh tranh với nhiều công nghệ cao ra đời.
|
Giá giảm không chờ giảm thuế
Ngay lúc này, người tiêu dùng đã có thể mua các sản phẩm IT với giá rẻ hơn khá nhiều so với trước, chủ yếu do các công ty thay đổi công nghệ. Laptop nhãn hiệu Dell Inspiron 700 có cấu hình bộ vi xử lý 1,7 GHz sử dụng công nghệ centrino, RAM 512 MB, màn hình 12 inch, ổ cứng 70 GB, DVD/RW... đầu năm có giá 1.700 USD nhưng nay chỉ còn khoảng 1.200 USD. Laptop IBM Lenovo T43 màn hình 14 inch, RAM 512, bộ vi xử lý 1,8 GHz công nghệ centrino, DVD... có giá 1.800 USD nay chỉ còn khoảng 1.350 USD.
Không chỉ laptop, các sản phẩm, linh kiện máy tính giá cũng thay đổi nhanh chóng. Giám đốc Công ty máy tính Thành Nhân (TNC, Q.1, TP.HCM) Nguyễn Văn Xê cho biết biến động nhiều nhất là RAM, bộ vi xử lý (CPU) và màn hình. Theo ông Xê, có những dòng CPU chỉ xuất hiện trên thị trường trong vòng một năm và bị xóa sổ do xuất hiện CPU công nghệ mới. Màn hình LCD cũng thay đổi giá khá nhanh với mức chênh lệch khoảng 30% chỉ trong vài tháng, RAM cũng thay đổi liên tục trong mức 10-20 USD.
Ông Nguyễn Minh Huyên, giám đốc thương hiệu máy tính CMS, cho biết hao mòn vô hình (do công nghệ lạc hậu) làm một dòng PC có cùng cấu hình mất giá khoảng 30-35%/năm. Ông Xê cũng cho biết để thu hút thị trường cuối năm, các nhà phân phối linh kiện đã chủ động hạ giá sản phẩm để thanh lý các sản phẩm sử dụng công nghệ cũ trước khi tung ra thị trường những dòng sản phẩm mới giá cả lại thay đổi. Chu kỳ này diễn ra gần như liên tục và cố định.
Theo Tuổi trẻ