Hội nghị được Bộ TT&TT bảo trợ và do Viện Chiến lược TT&TT cùng Công ty tổ chức sự kiện Beacon đồng tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên phát triển viễn thông để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam trở thành điểm đầu tư kinh doanh hấp dẫn của các tập đoàn viễn thông và CNTT hàng đầu thế giới.
Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển viễn thông cao nhất thế giới. Năm 2009 và 2010, dù gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, song mạng lưới viễn thông Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực và dung lượng, mở rộng vùng phục vụ đến nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Tính đến cuối năm 2009, Việt Nam có 3 triệu thuê bao Internet và 22,9 triệu người dùng Internet, tăng lần lượt 45,5% và 10,3% so với năm 2008. Số người dùng Internet băng rộng là khoảng 3 triệu. So với các quốc gia châu Á, tỷ lệ người dân sử dụng Interent của Việt Nam là khoảng 26%, chỉ đứng trước Indonesia (13%), Thái Lan (24%) và Philippine (25%).
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT, cho biết mục tiêu cơ bản của Việt Nam sẽ là phát triển Internet băng rộng ở mọi lúc mọi nơi, để người dân dễ dàng sử dụng, tiếp cận.
Theo dự thảo đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT trong năm 2020, Việt nam đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ phủ sóng thông tin di động đến 70% dân cư; triển khai đưa công nghệ FTTx đến các hộ gia đình ở vùng đô thị. Hầu hết các hộ gia đình Việt Nam đều có điện thoại vào năm 2011. Đến 2015, 20-30% hộ gia đình trên toàn quốc có máy tính và truy cập Internet, trên 90% hộ có TV, trong đó 80% hộ gia đình xem truyền hình số, sử dụng các hình thức khác nhau như truyền hình cáp, Internet, vệ tinh.
Mục tiêu đến năm 2020 là phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 90% dân cư, hoàn thiện mạng băng rộng đến thôn bản, và chuyển đổi hoàn toàn truyền hình analog sang truyền hình số vào 2020.
Hội nghị Viễn thông Quốc tế Việt Nam sẽ diễn ra trong 2 ngày (19 và 20/5) với nhiều nội dung tham luận như kế hoạch phát triển các dịch vụ băng rộng của doanh nghiệp, các giải pháp công nghệ và dịch vụ nội dung cho mạng 3G.
Hội nghị có trên 200 đại biểu đến từ các Bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp viễn thông trong nước như VNPT, Viettel, EVN, VTC, … và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, cung cấp thiết bị viễn thông, các tổ chức nghiên cứu và tư vấn quốc tế… tham dự.
Theo Ictnews