Chủ đề Ngày Viễn thông thế giới và Ngày xã hội thông tin năm nay - “VT&CNTT vì cuộc sống tốt đẹp và văn minh đô thị” – đã khái quát hoá mục tiêu cao cả mà cộng đồng VT&CNTT trong và ngoài nước liên tục phấn đấu trong những năm qua. Cùng với các nước, VT&CNTT Việt Nam cũng đang phấn đấu xây dựng một xã hội thông tin, trong đó mọi người dân có thể tiếp cận các tiện ích VT&CNTT, tiếp thu tri thức của nhân loại để khai thác một cách hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên, xây dựng một xã hội phồn vinh, con người hoà đồng, cuộc sống thân thiện với môi trường. Với tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh như hiện nay, cuộc sống đô thị và bản thân sự phát triển của đô thị là đối tượng phục vụ to lớn của VT&CNTT.
Mật độ dân cư cao, sự sôi động của các hoạt động kinh tế xã hội ở các đô thị lớn đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý và cư dân đô thị như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tốn kém thời gian đi lại, giao dịch,….mà VT&CNTT có thể cung cấp các giải pháp hữu hiệu. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục đưa phương tiện thông tin liên lạc đến người dân ở nông thôn, VT&CNTT cũng cần thực sự quan tâm hơn nữa tới khu vực đô thị.
Việt Nam có thể tự hào với thành tựu phát triển VT&CNTT trong những năm qua. Tính đến hết tháng 4/2010, mật độ điện thoại của Việt Nam đã đạt 132% mật độ người sử dụng Internet đạt gần 30%, 100% các làng xã ở Việt Nam đã có điện thoại. Nhu cầu kết nối qua Internet quốc tế tăng liên tục và so với năm 2005 thì tổng băng thông kênh kết nối đi quốc tế đã tăng 30 lần và đã đạt hơn 100.000Mb. Ở các đô thị lớn ngày nay thật khó có thể hình dung cuộc sống thường ngày của người dân, hoạt động của các công sở, doanh nghiệp,… mà không có điện thoại, Internet, thư điện tử và các ứng dụng trên mạng trong lĩnh vực giao thông công cộng, giáo dục, hành chính công, ngân hàng, tài chính, hải quan, v.v…
Hướng tới mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, phù hợp với chiến lược quốc gia đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại, ngành thông tin và truyền thông đã xây dựng Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” với mục tiêu tổng quát:
1. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) đạt tiêu chuẩn quốc tế;
2. Xây dựng công nghiệp CNTT, đặc biệt công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và xuất khẩu;
3. Thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước;
4. Ứng dụng rộng rãi CNTT trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội;
5. Đưa các thiết bị nghe nhìn về tận hộ gia đình;
6. Xây dựng nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh về VT&CNTT, làm chủ quốc gia, vươn ra quốc tế;
7. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm vượt 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT&TT đến năm 2015, 2020 chiếm tỷ trọng tương ứng là 17 - 20% và 20 - 23% trong tổng GDP của cả nước.
Hoàn thành tốt 7 nhiệm vụ nêu trên, CNTT&TT sẽ thực sự trở thành động lực quan trọng góp phần đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Thực hiện thành công những mục tiêu trên đây là nhiệm vụ chiến lược của ngành thông tin và truyền thông Việt Nam trong giai đoạn tới. Nhân dịp này, tôi kêu gọi cán bộ công nhân viên chức toàn ngành đoàn kết, tiến lên, tiếp nhận sự hỗ trợ của các Bộ, ngành trung ương, của bạn bè quốc tế, sự ủng hộ của các hiệp hội và toàn xã hội, quyết tâm đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về CNTT-TT, thực hiện bằng được mong ước cao đẹp của Bác Hồ là “đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Chúc ngành VT&CNTT tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hoàn thành sứ mệnh kết nối và cung cấp thông tin hữu ích đến với mọi người, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào khi có nhu cầu.
Theo mic.gov.vn