Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam, cơ quan làm chủ dự án, cho biết với dự án thí điểm, hoạt động của nhiều BĐVHX cũng như năng lực của nhân viên đã khác. Trước đây, BĐVHX không có internet, chỉ có dịch vụ gửi thư, điện thoại và các dịch vụ bưu chính truyền thống khác, với Internet, đối tượng phục vụ khách hàng của BĐVHX đã mở rộng hơn.
Với 72 điểm BĐVHX trong dự án thí điểm này, đã có gần 200 nhân viên BĐVHX được đào tạo kỹ năng cơ bản sử dụng máy tính và truy cập Internet, như kỹ năng tổ chức quản lý, vận hành tại điểm truy nhập viễn thông công cộng, kỹ năng cơ bản sử dụng máy tính, các chương trình Word, Excel, cài đặt một số phần mềm đơn giản, xử lý, khắc phục một số lỗi máy tính đơn giản, truy cập các trang web, download, gửi file, email..., in ấn tài liệu, kỹ năng về phục vụ khách hàng và kinh doanh. Kết quả cho thấy năng lực phục vụ khách hàng của nhân viên BĐVHX nhìn chung đã tốt hơn, niềm nở và hiệu quả hơn hẳn so với trước đây qua đánh giá của bản thân họ và đánh giá của các lãnh đạo địa phương.
Tuy nhiên, ghi nhận từ các nhân viên vẫn cho thấy kết quả còn hạn chế do thời gian đào tạo ngắn, trong khi nhu cầu sử dụng của xã hội lớn nên họ muốn tiếp tục được đào tạo. Ngoài ra họ cũng mong muốn được tham gia lớp đào tạo về kỹ năng quản trị mạng và phần cứng để có thể tự xử lý những sự cố nhỏ, bảo đảm cho phòng máy hoạt động thường xuyên và liên tục.
Theo Báo cáo đánh giá tác động Dự án thí điểm, có 93,1% người sử dụng được hỏi cho biết họ đã nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của nhân viên. Một số nhân viên BĐVHX cho biết trong thời gian tới, khi dự án giúp cho hiểu biết của người dân tăng lên, nhu cầu sử dụng nhiều hơn, họ hoàn toàn có thể tự đầu tư phòng máy và kinh doanh để thu lợi nhuận. Bưu điện Thái Nguyên đã có kế hoạch xây dựng và triển khai mô hình tương tự tại các điểm BĐVHX khác bằng ngân sách tự có của mình trong năm 2010 và những năm sắp tới. Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động được thì các điểm này sẽ buộc phải thu mức phí cao hơn mức phí đang được hỗ trợ hiện nay của dự án.
Theo Ictnews