Trải qua chặng đường 15 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và ngày càng chứng tỏ là cầu nối quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định trong khuôn khổ “Đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau” vì lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho hòa bình và hợp tác quốc tế.
Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư CNTT-TT, hầu hết các Tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam. Doanh nghiệp hai bên đã xúc tiến và triển khai nhiều hoạt động hợp tác phát triển trong lĩnh vực công nghiệp viễn thông và CNTT như hợp tác giữa VNPT, Viettel, FPT, VDC với các Tập đoàn viễn thông và CNTT của Hoa Kỳ như Microsoft, Motorola, IBM, Intel, Cisco. Trong ngày hôm qua, 11/5/2010, Lễ ký kết hợp đồng hợp tác cung cấp vệ tinh giữa VNPT và Lockheed Martin cũng đã được diễn ra, minh chứng cho sự hợp tác thống nhất và thành công của Việt Nam và Hoa Kỳ trong suốt chặng đường 15 năm.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng bày tỏ vui mừng trước sự hợp tác của Việt Nam- Hoa Kỳ trong chương trình đối thoại thương mại này. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam coi CNTT-TT là một công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam cũng đang xây dựng Chiến lược tăng tốc để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT, trong đó tập trung vào hoàn thiện môi trường pháp lý, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển ứng dụng CNTT trong các ngành kinh tế xã hội, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực CNTT đông đảo và có chất lượng cao. Để thực hiện mục tiêu này, cùng với những cố gắng, nỗ lực phát huy tối đa nguồn lực trong nước, Việt Nam trân trọng và đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của các cơ quan và doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ. Thứ trưởng cho biết, Bộ TT&TT luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các tập đoàn CNTT đa quốc gia, trong đó có các doanh nghiệp của Hoa Kỳ, khuyến khích việc đầu tư thương mại trong CNTT-TT tạo ra một thị trường CNTT năng động tại Việt Nam.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak cũng đã phát biểu cho rằng chương trình đối thoại thương mại về CNTT-TT tạo ra nền tảng để thúc đẩy quan hệ thương mại của hai nước. ICT có vai trò quan trọng, là động lực của việc tăng trưởng kinh tế. Việt Nam nên tham gia nhiều hơn chuỗi quan hệ quốc tế về ICT để làm tăng trưởng kinh tế của đất nước. Sự thành công của VINASAT-1 và lễ ký kết hợp đồng VINASAT-2 chứng tỏ cho sự hợp tác thành công của hai nước. Ông cũng bày tỏ mong muốn hai nước sẽ hợp tác nhiều hơn giữa cấp Chính phủ và các doanh nghiệp, cùng nhau vượt qua những thách thức trong tương lai.
Tại cuộc đối thoại này, đại diện cho Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bày thực trạng và định hướng phát triển CNTT-TT ở Việt Nam. CNTT-TT của Việt Nam từ năm 2002 – 2008 có sự tăng trưởng rõ rệt. Năm 2002 tốc độ tăng trưởng là 400 triệu USD nhưng đến năm 2008, sau sáu năm tốc độ tăng trưởng đã lên tới 45,1 tỷ USD. Trong lĩnh vực đào tạo ICT của Việt Nam thì hiện có 500.000 sinh viên đang được đào tạo về ngành CNTT và 100.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Trong tương lai, Việt Nam sẽ thực hiện chương trình đưa máy về các hộ gia đình với mức là 20-30 hộ có 1 máy tính kết nối Internet. Dự kiến năm 2015, Việt Nam sẽ lọt vào top 70 quốc gia về CNTT với GDP là 20%. Năm 2020 lọt vào top 60 với GDP là 23% và top 10 nhà cung cấp dịch vụ về CNTT-TT…
Đại diện đoàn Hoa Kỳ cũng đã trình bày tổng quan về chính sách CNTT hiện hành của Chính phủ Hoa Kỳ và báo cáo đối thoại thương mại thông tin, truyền thông và viễn thông Việt Nam – Hoa Kỳ. Báo cáo với mục tiêu tập trung xây dựng, khai thác khả năng trong lĩnh vực về hội thảo, đàm thoại, đào tạo, MRA, cơ cấu luật mới; Thúc đẩy sự hợp tác giữa các chuyên viên Chính phủ, giữa khối tư nhân của Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam và giữa ngành công nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ; Tổ chức các cuộc họp cao cấp thường xuyên để báo cáo kết quả và định hướng tương lai. Trong các hoạt động sắp tới, hai bên sẽ tổ chức triển khai “Đàm thoại về công nghiệp Phần mềm (MIC và các hiệp hội công nghiệp)”; Hội thảo về thực hiện các quy định của luật Viễn thông (Bộ TT&TT và Bộ Thương mại); Đào tạo Quản lý các dự án năm 2010…
Theo mic.gov.vn