Nâng cao năng suất
|
Thứ trưởng Bộ TTTT, Nguyễn Minh Hồng. |
Mô hình một cửa cấp huyện được đưa vào ứng dụng đầu tiên tại TP.HCM từ năm 2005 sau đó được triển khai rộng trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ TTTT, Nguyễn Minh Hồng nhận xét: Sau một thời gian triển khai mô hình một cửa, đến nay mô hình này đã thể hiện vai trò là một công cụ quan trọng và đắc lực đối với người dân, cán bộ thụ lý hồ sơ tại các quận, huyện và lãnh đạo các cấp. Mô hình tạo ra một môi trường làm việc điện tử và quy trình làm việc thông suốt, tổng thể, có liên kết chặt chẽ với nhau.
Chương trình một cửa đã mang lại những hiệu quả: Giúp các cán bộ thụ lý hồ sơ nâng cao năng suất, giảm khối lượng công việc thủ công từ 20% đến 30%; hỗ trợ cán bộ trong quá trình thụ lý hồ sơ, cung cấp thông tin chính xác kịp thời, bất cứ lúc nào, đồng thời giúp việc tra cứu, tìm kiếm, in ấn, thống kê báo cáo dễ dàng hơn.
Đối với người dân, giờ đây họ có thể giám sát, theo dõi và thực hiện được một số công việc mà không cần phải đến các cơ quan nhà nước. Họ có thể tra cứu thông tin trên website, gọi điện thoại, nhắn tin…Với sự hỗ trợ đắc lực từ CNTT, các cơ quan quản lý được cung cấp đầy đủ thông tin, phục vụ tốt công tác điều hành và quản lý. Đồng thời, theo dõi được từng bước công việc để có chỉ đạo kịp thời phục vụ tốt cho người dân…
Tân Bình - TP.HCM: Tiên phong
Trong 23 tỉnh thành phía Nam triển khai mô hình một cửa cấp huyện thì TP.HCM được xem là đơn vị triển khai có hiệu quả và thành công nhất. Điển hình là mô hình một cửa điện tử tại quận Tân Bình, một trong những quận đầu tiên tại TP.HCM ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính theo cơ chế một cửa (năm 2005). Đơn vị từng đoạt Giải thưởng CNTT – TT Việt Nam 2009, do Bộ TTTT trao tặng, với thành tích ứng dụng CNTT tốt.
Ông Hoàng Ngọc Long, Tổ trưởng CNTT, quận Tân Bình cho biết: Tại thời điểm bắt đầu, các vấn đề ứng dụng CNTT còn sơ khai và hầu như chưa có sự định hướng rõ ràng nhưng xuất phát từ nhu cầu thực tế, bằng nỗ lực, Tân Bình đã mạnh dạn đầu tư triển khai hệ thống các phần mềm (một cửa, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng và web tổng hợp thông tin phục vụ lãnh đạo), triển khai tại tổ nghiệp vụ hành chính công của quận và hệ thống này đã nhanh chóng mang lại hiệu quả.
Có thể nói, giai đoạn đầu triển khai Tân Bình cũng đã gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ với FPT (đơn vị triển khai CNTT cho Tân Bình) mà mọi khó khăn đều được giải quyết. Hai bên luôn cùng nhau bàn thảo, thống nhất quy trình triển khai công việc thuận lợi nhất để kết quả hiệu quả.
Bài học mà Tân Bình có được thành công là do quận có cơ chế vận hành phần mềm, phân công từng người và thời hạn cụ thể; xây dựng công cụ kiểm soát giúp lãnh đạo đơn vị dễ dàng theo dõi và quản lý, tư vấn hoàn thiện quy trình.
Thuận An-Bình Dương: Đi sau về đích sớm
|
Tìm hiểu mô hình 1 cửa tại huyện Thuận An, Bình Dương. Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình điện tử cấp huyện" tại Bình Dương, ngày 7/5/2010, do Bộ TTTT và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức đã thu hút gần 200 đại biểu đến từ 23 tỉnh thành phía Nam. |
Bình Dương là một trong những tỉnh thu hút đầu tư rất lớn. Để tạo môi trường làm việc thuận lợi, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã từng bước đề ra kế hoạch đẩy nhanh ứng dụng CNTT trên địa bàn. Theo đó, Bình Dương phấn đấu đến năm 2020 có Chính quyền điện tử.
Từ năm 2008 đến nay, đơn vị đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và dịch vụ công trọng điểm; Và 2011, Bình Dương sẽ nâng cấp trang tin điện tử của tỉnh thành cổng thông tin điện tử, cung cấp một số dịch vụ công một cửa cho người dân và doanh nghiệp…
Thực hiện triển khai từng bước, đến nay, Bình Dương đã có kết quả ban đầu tại huyện Thuận An, với Chính quyền điện tử rất được người dân và doanh nghiệp đồng tình
Ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND huyện Thuận An, Bình Dương cho biết: So với Tân Bình của TP.HCM thì Thuận An là đơn vị đi sau về CNTT. Tháng 12/2008, đơn vị mới bắt đầu triển khai ứng dụng CNTT. Và chỉ sau 4 tháng, tháng 4/2009, hệ thống chính quyền điện tử tại Thuận An chính thức được vận hành và tháng 7/2009 nghiệm thu.
Khi mới bắt đầu triển khai ứng dụng CNTT, Thuận An không tránh khỏi những khó khăn. Trước đây cán bộ, chuyên viên quen làm việc thủ công, nay chuyển sang giải quyết công việc hàng ngày trên máy tính khiến họ lúng túng. Bên cạnh đó khó khăn do quy trình, thủ tục, văn bản pháp luật áp dụng thường xuyên thay đổi (các vấn đề về thuế, tài nguyên môi trường)…
Song, nhờ quyết tâm cao của lãnh đạo huyện Thuận An, luôn theo dõi sát và chỉ đạo kịp thời nên việc triển khai ứng dụng CNTT thuận lợi hơn, giảm bớt được khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên viên của UNND huyện Thuận An cổ vũ nhiệt tình việc làm của lãnh đạo huyện, nhờ vậy mà việc triển khai CNTT diễn ra nhanh chóng. Huyện còn có những cán bộ CNTT giỏi về nghiệp vụ và công nghệ, luôn sát cánh cùng đơn vị triển khai để hỗ trợ khi họ cần. Do vậy, hệ thống Chính quyền điện tử của Thuận An luôn đáp ứng đúng yêu cầu công việc. Song song đó, Thuận An cũng đã áp dụng ISO trong công tác quản lý hành chính, điều này tác động rất lớn đến tiến độ triển khai CNTT.
"Để triển khai thành công mô hình một cửa, lãnh đạo các quận, huyện phải có quyết tâm đầu tư. Bên cạnh đó, chọn dịch vụ tốt. Dịch vụ tốt là phải có tư vấn, am hiểu khách hàng, nghiệp vụ (chọn đúng sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu...). Trong quá trình triển khai, đơn vị ứng dụng và nhà triển khai phải có sự phối hợp chặt chẽ, sao cho người dùng sử dụng được phần mềm và phần mềm phải là công cụ phục vụ công việc. Sau quá trình triển khai, nhà triển khai vẫn phải theo sát hệ thống để có vướng mắc cần hỗ trợ kịp thời..." Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Trung tâm Phát triển Phần mềm Chính phủ Điện tử, Công ty cổ phần Hệ thống Thông tin FPT chia sẻ.
Theo pcworld