Rất nhiều thách thức
Tại Hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành Ngoại giao” do Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì vừa diễn ra sáng nay, 10/5/2010, TS. Phạm Kiến Thiết, Trung tâm Thông tin, Bộ Ngoại giao đã nêu lên khá nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT của ngành ngoại giao.
Điển hình như hạ tầng cơ sở CNTT được xây dựng cách đây 5 – 7 năm, ít được bảo dưỡng, bắt đầu tụt hậu, không đáp ứng yêu cầu gia tăng nhanh chóng trong công tác chuyên môn nghiệp vụ. Hoặc nhân lực cũng chưa đủ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tới (hiện cả Trung tâm Thông tin mới có 20 kỹ sư và 10 cộng tác viên có trình độ tương đương kỹ sư).
Đặc biệt, Bộ Ngoại giao đang rất cần có một khung chiến lược cho việc ứng dụng CNTT, trong đó bao hàm 5 nhân tố gồm: Tầm nhìn, mục tiêu và kế hoạch; Bản lĩnh chính trị, sự chỉ đạo quan tâm thực hiện của các cấp, đơn vị trong ngành; Đánh giá mức độ sẵn sàng và xác định được các mục tiêu thực tế; Tập trung các hình thức và chiến lược quản lý; Xây dựng các mối liên hệ và phối hợp giữa các tổ chức, khu vực (hiện ngành Ngoại giao đã đặt văn phòng ở nhiều nơi trên thế giới, mỗi nơi có ứng dụng và yêu cầu khác nhau bởi nhiều khi phải tuỳ thuộc vào quy định, hạn chế của từng quốc gia).
Hướng tới hệ thống mạng toàn cầu
Cũng tại Hội thảo sáng nay, các đại biểu đặc biệt quan tâm tới ý tưởng xây dựng mạng lưới CNTT toàn cầu để kết nối Hà Nội với các đại sứ quán và lãnh sự quán trên thế giới.
Theo giới thiệu của ông Phan Trần Quân, đại diện Công ty Orange, mạng lưới CNTT toàn cầu sẽ được xây dựng với 4 yêu cầu gồm Bảo mật (có khả năng mã hoá theo cấp độ các thông tin mật; mạng riêng ảo được dùng để mã hoá các thông tin ít quan trọng), Độ tin cậy (các dịch vụ như truyền hình, thoại, các dịch vụ trực tuyến được phân loại mức độ ưu tiên để đảm bảo chất lượng), Hiệu suất cao, Thuận lợi cho công tác quản lý.
Mặt khác, theo ông Phan Trần Quân cho biết, mạng lưới này sẽ luôn có độ sẵn sàng cho các hoạt động trực tuyến như hội nghị trực tuyến, thoại, dữ liệu/ thông tin, nhằm đem lại lợi ích cho các hoạt động chính trị, lợi ích xã hội cũng như lợi ích kinh tế.
Cụ thể, về các hoạt động chính trị, có thể thực hiện các cuộc họp của Chính phủ với các văn phòng đại diện trên thế giới, qua đó, Chính phủ có thể sử dụng thời gian cuộc họp hiệu quả hơn; thông tin được truyền dẫn đến các cơ quan đại diện một cách bảo mật, chính xác và nhanh chóng.
Về lợi ích xã hội, thúc đẩy đối thoại và trao đổi giữa Bộ Ngoại giao với các cơ quan đại diện ở nước ngoài; Tăng cường trao đổi thông tin và đối thoại trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng như các công tác xã hội khác (các hội nghị trực tuyến sẽ được diễn ra thường xuyên trên cơ sở hạ tầng sẵn có); Tăng cường mối quan hệ trong cộng đồng Ngoại giao thông qua các phương tiện thông tin liên lạc trực tiếp; Các tổ chức kinh tế xã hội cũng có thể sử dụng cơ sở hạ tầng của mạng lưới CNTT toàn cầu của ngành Ngoại giao cho các mục đích xã hội khác.
Về lợi ích kinh tế, dựa trên cơ sở hạ tầng ổn định sẵn có, thông tin liên lạc qua phương thức thoại (được bảo mật) giữa các địa điểm có thể được thực hiện nội mạng, giúp giảm chi phí gọi điện thoại quốc tế; Hội nghị trực tuyến toàn cầu sẽ giảm chi phí đi lại, phục vụ khách sạn cho các cán bộ ngoại giao. Ngoài ra, các tổ chức kinh tế xã hội có thể sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu để mang lại lợi ích kinh tế chung cho đất nước.
Nếu được Bộ Ngoại giao chính thức đồng thuận, dự kiến việc triển khai xây dựng mạng lưới CNTT toàn cầu của ngành ngoại giao sẽ được chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (2010 – 2011), khuyến nghị cung cấp các dịch vụ cho 12 địa điểm; giai đoạn 2 (2012 – 2014), kết nối tới tổng số 60 điểm; và giai đoạn 3 (2015) sẽ kết nối qua vệ tinh cho các điểm quan trọng, kết nối các văn phòng đại diện còn lại, Internet VPN cho các địa điểm nhỏ và ít quan trọng nhất.
Theo đúng lộ trình này thì tới năm 2015, ở Việt Nam sẽ chính thức hoạt động mô hình “Bộ Ngoại giao điện tử”.
Theo taichinhdientu.vn