2009: Thiệt hại hơn 60 tỷ đồng
Theo thống kê chưa đầy đủ của các doanh nghiệp (không tính đến thiệt hại về doanh thu do mất sản lượng thông tin vì lụt, bão, chập cháy cáp…), tổng thiệt hại về thiên tai của ngành bưu chính - viễn thông – CNTT năm 2009 là 60 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2008.
Trong đó, trên 6.600 cột bê tông treo cáp bị gãy và gần 10.500 cột bị đổ; Trên 159km cáp thuê bao các loại và trên 144km cáp quang bị đứt, hỏng; mạng truyền dẫn bị đứt 240 tuyến cáp quang, chưa kể 40 tuyến truyền dẫn viba bị ảnh hưởng bởi bão.
Bên cạnh đó, khoảng 2.000 trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông bị mất liên lạc, chủ yếu do mất điện hoặc đứt cáp quang, 20 cột BTS bị đổ.
Về mạng ADSL và PSTN thì mất thông tin 124 node DSLAM và 97 bộ tập trung thuê bao của PSTN.
Ngoài ra, sét cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới mạng lưới viễn thông với 292 sự cố.
Mặc dù thiệt hại lớn như vậy, song ngành viễn thông – CNTT vẫn đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp trong công tác PCLB, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra đối với mạng lưới bưu chính viễn thông.
Đặc biệt, đã triển khai được phương thức chỉ đạo điều hành thông qua truyền hình trực tuyến của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương tại 3 tỉnh, thành phố Hà Nội – Đà Nẵng – TP.HCM, nâng cao hiệu quả điều hành PCLB.
2010: Tăng cường hỗ trợ PCLB
Theo phương hướng công tác PCLB đảm bảo thông tin liên lạc năm 2010 của Bộ Thông tin & Truyền thông, rất nhiều giải pháp viễn thông – CNTT góp phần giảm nhẹ hậu quả lụt bão đã được đề cập.
Chẳng hạn, ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới và bảo dảm thông tin liên lạc cho các xã đảo, huyện đảo, các vùng trọng điểm về bão, lũ, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa phục vụ PCLB và an ninh quốc phòng;
Chủ động nắm bắt nhu cầu thông tin phục vụ công tác điều tra, dự báo khí tượng thuỷ văn, phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác PCLB, cứu trợ, tìm kiếm - cứu nạn, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ phòng, chống lũ quét và cảnh báo sóng thần;
Duy trì, nâng cao chất lượng và mở rộng vùng phủ sóng điện thoại di động, bảo đảm thông tin liên lạc cho khu vực chậm lũ, phân lũ và vượt lũ tại các vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Hoàn thiện và cập nhật kịp thời thông tin vùng phủ sóng điện thoại di động tại các tỉnh phục vụ PCLB tại địa phương. Bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo PCLB đáp ứng các nhu cầu thông tin cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đảo và vùng ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các phương tiện nghề cá trên biển;
Tiếp tục triển khai củng cố, tăng cường và phát triển thông tin di động vùng ven biển thông qua việc triển khai xây lắp các trạm BTS GSM công suất lớn ven biển của Viettel; trạm BTS sử dụng công nghệ CDMA450 của EVN Telecom, vừa phục vụ sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo công tác PCLB.
Dự kiến năm 2010, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ở Việt Nam sẽ diến biến ngày càng phức tạp, có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, tính bất thường và mức độ nguy hiểm. Với sự “vào cuộc” tích cực của ngành Viễn thông – CNTT, tin rằng công tác PCLB của nước ta sẽ được tăng cường hiệu quả, qua đó bảo đảm cho sự phát triển bền vững, giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra trong thời gian tới.
Theo taichinhdientu.vn