Chủ nhật, 21/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 14/11/2006
Người khuyết tật làm IT

Tại phòng xác minh hóa đơn, các nhân viên khuyết tật mải mê với những chồng hồ sơ đầy con số - Ảnh: L.A.Đ.

Chi cục Thuế quận 1, TP.HCM đã tiếp nhận 17 người khuyết tật vào làm việc. Những viên chức này - những người không lành lặn - đã tạo ra “dấu ấn đặc biệt” cho đơn vị này.

Đi bằng chính đôi chân của mình

Dắt chúng tôi đi thăm các ban, tổ có những nhân viên khuyết tật, lãnh đạo Chi cục Thuế quận 1 đánh giá các bạn làm việc hiệu quả gấp 10 lần so với những gì mà cơ quan mong đợi. Các bạn đã làm lợi cho chi cục vài chục tỉ đồng từ việc nhập liệu và từ phần mềm quản lý thuế, quản lý doanh nghiệp do chính các bạn làm ra. Phần mềm này vừa được đóng gói gửi ra Hà Nội tham dự cuộc thi cấp quốc gia mang tên “Thắp sáng niềm tin”.

Thanh Vũ (25 tuổi, nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM) vừa là tổ phó tổ tin học, vừa phụ trách tổ xác minh hóa đơn, cho biết công việc hiện tại phù hợp với sở trường và chuyên môn của mình. Vũ bị sốt bại liệt từ khi 2 tuổi, đi lại rất khó khăn nhưng bằng nỗ lực tập luyện đã tự đứng lên và đi bằng chính đôi chân tật nguyền của mình. Tuy yếu ớt, có thể té ngã bất cứ lúc nào nhưng Vũ vẫn cố gắng học tập, vượt qua mọi khó khăn để tốt nghiệp Đại học Kinh tế chuyên về tin học.

17 người khuyết tật, 17 cuộc đời, 17 hoàn cảnh khác nhau, nhưng các bạn đã vượt lên số phận để chứng minh rằng mình cũng làm được và có thể làm tốt hơn những công việc mà người khác làm được!

Vũ nói việc Chi cục Thuế quận 1 tuyển người khuyết tật vào làm việc đã gây bất ngờ cho anh. Do vậy, khi hay tin đơn vị này thông báo tuyển dụng, Vũ đã đăng ký ngay. Vũ tâm sự: “Dù lương ít (1 triệu đồng/tháng) nhưng được làm việc đúng nghề, được mọi người tôn trọng, mình cảm thấy rất vui”. Ngoài giờ làm việc tại cơ quan, Vũ còn đi dạy thêm, làm thêm để có thêm thu nhập (1-2 triệu đồng/tháng) phụ giúp gia đình và học lên cao học.

Còn Xuân Lâm (28 tuổi, nhà ở huyện Củ Chi, TP.HCM) bị bại liệt đôi chân từ nhỏ, phải đi lại bằng đôi tay trong tư thế hết sức khó khăn. Lâm tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và nhân văn ngành triết học nhưng không tìm được việc làm. Không chán nản, Lâm đã đăng ký theo học tin học và lấy được bằng kỹ thuật viên chuyên về lập trình để rồi được nhận vào làm tại đây. Lâm tâm sự: “Vào đây được trọng dụng, được mọi người đối xử tốt, tôi mừng lắm”.

Vĩnh Trang, quê ở Sóc Trăng, năm nay 24 tuổi bị liệt hai chân từ 2 tuổi. Thời nhỏ đi học Trang phải nhờ bạn cõng đến trường, cõng về nhà. Ở nhà thì nhờ mẹ bế ôm, lớn lên Trang phải nhờ vào đôi bàn tay mảnh khảnh của mình. Cũng chính đôi tay ấy đã đưa Trang vào đời.

Vĩnh Trang tâm sự: “Được như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực bản thân, tôi còn nhận được nhiều sự giúp đỡ của mọi người, nhất là trong khoảng thời gian là sinh viên. Mỗi tối tôi còn đi dạy thêm để kiếm tiền trả góp chiếc xe ba bánh mới mua và học liên thông lên đại học”.

Trang kể: “Cuối năm lớp 12, thấy việc đi lại của tôi quá khó khăn cộng với gia đình nghèo khó, nên mẹ khuyên tôi dừng chuyện học hành, ở nhà học may kiếm nghề. Tôi đành xếp bút với tấm bằng tốt nghiệp THPT, nhưng trong lòng cứ rối ren, thao thức mãi. Nhiều đêm suy nghĩ, tôi tự hỏi sao mình phải dừng lại ở đây, sao mình không tự vươn lên! Và tôi quyết định lên TP.HCM với ý nghĩ rất mông lung... sẽ làm một chuyện gì đó”.

Những ngày đầu xa quê với hai bàn tay trắng và đôi chân khó nhọc, Trang chẳng biết xoay xở ra sao. Cuối cùng Trang đã chọn công việc bán vé số để tồn tại. 18 tháng ở quận 9, TP.HCM ngày hai buổi sáng tối Trang bươn chải trên đường với xấp vé số trên tay! Tiền lời không nhiều, Trang phải tằn tiện hết cỡ để có được hai bữa ăn, trả tiền nhà và dành dụm chút đỉnh cho ngày mai.

“Sau mỗi buổi bán vé số về nhà trọ là tôi ôn bài cũ, rồi đọc sách luyện thi mua từ các quầy sách cũ. Mỗi ngày một chút, cho đến khi thấy tự tin thì tôi đăng ký thi. Tôi đã thi đậu vào cao đẳng tin học Trường đại học Khoa học tự nhiên”. May mắn cho Trang là sau khi ra trường, đang trong lúc đi tìm việc làm tại trung tâm giới thiệu việc làm cho người tàn tật thì biết được thông tin tuyển dụng của Chi cục Thuế quận 1 và Trang đã được tuyển.

Tự tin vào đời

Nơi có nhiều bạn khuyết tật làm việc trong Chi cục Thuế quận 1 là tổ tin học và tổ xác minh hóa đơn. Trong đó, tổ tin học chịu trách nhiệm về “hệ tuần hoàn” của cơ quan khi lo mọi thứ liên quan đến tin học như phần cứng, phần mềm, mạng, các dự án... Hiện Chi cục Thuế quận 1 có gần 100 máy vi tính vừa nối mạng nội bộ, vừa nối mạng nghiệp vụ với một số đơn vị trong quận nhưng luôn trong tình trạng “chạy tốt”...

“Nhờ các bạn mà hiện nay hầu hết các nghiệp vụ của Chi cục Thuế quận 1 đều thực hiện bằng tin học, trong đó khâu quyết định nhất là nhập liệu” - ông Nguyễn Khắc Phúc, chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1, cho biết.

Kể về “sự tích” tuyển người ở Chi cục Thuế, ông Lê Bá Cần - bí thư quận 1 - cho biết khi quận 1 đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng tin học vào các hoạt động nghiệp vụ vào cuối năm 2005, lãnh đạo Chi cục Thuế quận 1 nêu khó khăn lớn nhất trong quá trình tin học hóa là công tác làm dữ liệu.

Lâu nay cán bộ quen quản lý qua sổ sách giấy tờ hết sức thủ công, do vậy Chi cục Thuế đề xuất cho tuyển dụng những bạn khuyết tật biết vi tính vào làm công việc nhập liệu. Công việc này vừa thiết thực cho cơ quan vừa phù hợp với điều kiện của các bạn.

“Tôi thấy đề xuất hay nên tán thành về mặt chủ trương, còn UBND quận thì duyệt kinh phí để trả lương hằng tháng. Biết nhiều em khó khăn về chỗ ở, Chi cục Thuế quận 1 đã thu xếp một khu vực để các em trọ miễn phí” - ông Cần cho biết.

Theo ông Cần, ngay sau khi thí điểm thành công ở Chi cục Thuế, lãnh đạo quận 1 khuyến khích mỗi phòng ban, mỗi phường của quận tiếp nhận một bạn khuyết tật. Mới đây, quận ủy đã chỉ đạo cho phòng nội vụ tiếp nhận làm thủ tục hồ sơ hơn 10 bạn khuyết tật để hợp đồng tuyển dụng làm việc cho các phường.

“Lâu nay người khuyết tật cứ loay hoay không biết học gì để có việc làm trong tương lai. Nay chúng tôi đã có thể tự tin vào đời...” - một nhân viên khuyết tật Chi cục Thuế quận 1 xúc động nói.

Theo Tuổi trẻ

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0