Thứ tư, 24/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 05/05/2010
Tăng tính minh bạch, hiệu quả của đấu thầu mua sắm CNTT

(Tạp chí Tài chính Điện tử số 81 ngày 15/3/2010) - Nhận thức rõ vai trò của CNTT trong tiến trình hiện đại hoá hướng tới nền Tài chính điện tử, hàng năm, Bộ Tài chính đầu tư khá lớn cho hoạt động CNTT. Trong những năm qua, hầu hết các dự án mua sắm CNTT tại Bộ Tài chính theo quy định về Luật Đấu thầu, đã được đấu thầu rộng rãi và được tiến hành một cách công khai, minh bạch và đặc biệt tiết kiệm được tiền tỷ cho ngân sách Nhà nước.

 

Với vai trò đầu mối quản lý Nhà nước về hoạt động CNTT của toàn ngành Tài chính, Cục Tin học và Thống kê tài chính (TH&TKTC), Bộ Tài chính vẫn tiếp tục tìm ra những bất cập trong quá trình thực hiện và tích cực tìm hướng cải tiến nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu thầu mua sắm CNTT.

Tiết kiệm tiền tỷ

Gần đây, ước tính mỗi năm có tới hơn 30 gói thầu được Cục TH&TKTC triển khai, thẩm định. Theo bà Trần Xuân Phượng, chuyên viên Cục TH&TKTC, cho biết thì hoạt động đấu thầu đã giúp cho ngân sách Nhà nước tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Đơn cử, năm 2008 có 35 gói thầu với tổng dự toán gần 36 tỷ đồng nhưng tổng giá trị phê duyệt kết quả đấu thầu là 32,8 tỷ, nghĩa là thông qua đấu thầu đã tiết kiệm được 3,2 tỷ đồng cho NSNN (tổng số tiền thực chi giảm 10% so với dự kiến kế hoạch). Năm 2009 cũng có khoảng trên 30 gói thầu, tổng dự toán phê duyệt cho các gói thầu khoảng 200 tỷ đồng, nhưng tổng kinh phí được phê duyệt trong kết quả đấu thầu công bố là 187 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 13 tỷ đồng cho NSNN (tương đương khoảng 7%).

Bà Trần Xuân Phượng cho biết thêm: năm 2009 là năm mà Cục TH&TKTC đạt “kỷ lục” về giải ngân từ trước đến nay (tỷ lệ giải ngân được trên 90%), trong đó có nhiều gói thầu có giá trị lớn, điển hình như gói thầu mua bản quyền phần mềm của Oracle. Công tác đấu thầu và thẩm định thầu do Cục TH&TKTC đảm trách không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn đưa hoạt động đấu thầu tại cơ quan Bộ Tài chính nói riêng cũng như tại các đơn vị hệ thống thuộc Bộ như Thuế, Kho bạc, Hải quan… “đi” đúng theo quy định trong quy chế đấu thầu của Bộ cũng như quy định về đấu thầu của pháp luật.

Được biết từ năm 2005 về trước, tất cả các đơn vị hệ thống thuộc Bộ Tài chính đều “áp” hình thức đấu thầu tập trung, theo đó, các gói thầu của kho bạc, thuế, hải quan… đều “đổ” về một đầu mối ở cơ quan Bộ (giao Cục TH&TKTC chịu trách nhiệm chính).

Nhưng từ năm 2005 đến nay, Bộ Tài chính đã tiến hành phân cấp việc tổ chức đấu thầu cho các đơn vị hệ thống thuộc Bộ, gói thầu của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì thực hiện (tuy nhiên, trên thực tế ở đây cũng đã phát sinh một số bất cập về chất lượng cũng như cách thức tiến hành một số gói thầu). Đồng thời theo quy định trên, với các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ CNTT có giá trị từ 50 tỷ đồng trở lên sẽ do Bộ quyết định và phải có ý kiến thẩm định của Cục TH&TKTC và Vụ Kế hoạch Tài chính, còn với những gói thầu trị giá dưới 50 tỷ đồng thì các đơn vị tự chủ động thực hiện.

Cũng theo bà Trần Xuân Phượng, hoạt động đấu thầu mua sắm CNTT tại Bộ Tài chính thời gian qua đã đảm bảo được tính công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định của “hành lang pháp lý” đối với hoạt động đấu thầu mua sắm (nói thêm về “hành lang pháp lý”: văn bản pháp quy có giá trị cao nhất hiện nay là Luật Đấu thầu số 61/2005/QH ngày 29/1/2005, dưới Luật là Nghị định số 85/NĐ-CP ngày 25/10/2009 của Chính phủ, và Quy chế đấu thầu ban hành tại Quyết định số 123/QĐ-BTC ngày 16/01/2009 (gọi tắt là Quy chế 123) của Bộ Tài chính. Dự kiến trong tháng 2/2010, Vụ Kế hoạch Tài chính sẽ trình Bộ Tài chính Quy chế đấu thầu mới nhằm hướng dẫn cụ thể Nghị định 85, thay thế cho Quy chế 123 hiện đã phát sinh một số điểm không phù hợp với Nghị định 85 - PV).

Vẫn còn bất cập

Cách thức đấu thầu mua sắm CNTT gồm có 3 bước: Bước 1 - chuẩn bị đấu thầu gồm việc thành lập tổ chuyên gia đấu thầu, xây dựng kế hoạch đấu thầu, xây dựng hồ sơ mời thầu; Bước 2 - tổ chức đấu thầu sau khi có kế hoạch phê duyệt, gồm thông báo mời thầu, đóng thầu, mở thầu theo đúng kế hoạch, tổ chức chấm thầu; Bước 3 - đánh giá kết quả đấu thầu và công bố kết quả. 1 đợt thầu kéo dài khoảng 1,5 tháng.

Tuy nhiên, đấu thầu không phải là một công việc đơn giản. Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của CNTT ngành Tài chính thì độ phức tạp của các gói thầu mua sắm CNTT cũng gia tăng và đã phát sinh một số bất cập:

Thứ nhất, về tiến độ triển khai các gói thầu: theo quy định đối với đấu thầu rộng rãi, sau khi kế hoạch đấu thầu đã được phê duyệt thì thời gian đăng thông báo mời thầu tối thiểu 10 ngày, thời gian nhận hồ sơ đề xuất tối thiểu 15 ngày, thời gian chấm thầu khoảng 10 đến 15 ngày, thời gian lãnh đạo Bộ phê duyệt khoảng 5 ngày. Như vậy, tổng thời gian là khoảng một tháng rưỡi. Rất nhiều gói thầu đã được triển khai theo đúng tiến độ đó, chẳng hạn như gói thầu xây dựng Cổng thông tin điện tử (Portal) Bộ Tài chính, các gói thầu mua sắm thiết bị năm 2009 của cơ quan Bộ Tài chính.

Thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số gói thầu chậm tiến độ, điển hình như gói thầu mua sắm thiết bị năm 2008 của Tổng cục Thuế kéo dài hơn 1 năm vẫn chưa xong; gói thầu thuế thu nhập cá nhân cũng đang bị “vướng” trong quá trình thực hiện.

Cần lưu ý, một trong những nguyên nhân gây ra sự chậm tiến độ của một số gói thầu lại xuất phát từ sự “vô tư quá mức cần thiết” của đơn vị chủ đầu tư. Đơn cử, có gói chào hàng cạnh tranh, theo Quy chế 123 thì thời gian của gói chào hàng chỉ trong vòng 1 tháng đến 5 tuần, nhưng trên thực tế đã kéo dài hơn khá nhiều chỉ vì chủ đầu tư “bỏ qua” công đoạn làm công văn thông báo cho các nhà thầu biết những thông tin như số lượng nhà thầu tham gia, thời gian nộp hồ sơ đề xuất, giá dự thầu… của các nhà thầu. Cơ quan thẩm định thấy quy trình thủ tục sai quy định đã yêu cầu phải thêm thời gian để dành cho “công đoạn” hợp thức lại thủ tục.

Thứ hai, về nhân lực: nhân lực “mỏng” là câu chuyện đã được nhắc đến ở nhiều nơi, nhiều lúc, và tiếp tục là vấn đề thời sự trong công tác tổ chức đấu thầu, thẩm định các gói thầu mua sắm CNTT tại Bộ Tài chính.

Xét về mức độ “pờ rồ” (chuyên gia - PV), hiện ở Cục TH&TKTC có không nhiều  phòng nắm chắc các quy định về đấu thầu, trong đó, đơn vị “chủ lực” là Phòng Kế hoạch & Quản lý dự án chỉ có vỏn vẹn 7 cán bộ, 100% lực lượng đều phải tham gia công tác đấu thầu, mỗi người phải thẩm định rất nhiều gói thầu mỗi năm, hầu như liên tục “quay cuồng” với các gói thầu, hết gói này đến gói khác.

Trước đây, Phòng Kế hoạch & Quản lý dự án “lĩnh” tất cả các gói thầu sau khi các phòng chuyên môn khác đưa ra yêu cầu kỹ thuật. Song hiện nay, theo quy định thì đối với những gói thầu trị giá dưới 1 tỷ đồng, Phòng Kế hoạch & Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm thẩm định, không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa tham gia tổ chuyên gia đấu thầu vừa tổ chức thẩm định. Do đó, đã có sự “vào cuộc” của các phòng chuyên môn, trong đó, Phòng Quản lý & Phát triển phần mềm “lo” mảng đấu thầu phần mềm, một số phòng khác tham gia mảng “phần cứng”.

Chính vì nhân lực của các phòng chuyên môn mới tham gia hoạt động đấu thầu, chưa đủ sự chuyên nghiệp nên đã dẫn đến nhiều hệ luỵ mà một trong những ví dụ minh hoạ cụ thể là sự tuỳ tiện “bỏ qua” một số khâu của quy trình chuẩn, dẫn đến chậm tiến độ triển khai gói thầu như vừa nêu ở phần trên.

Thứ ba, vẫn còn tư tưởng thụ động khi triển khai đấu thầu mua sắm CNTT: theo quy trình chuẩn, trong vòng không quá 5 ngày kể khi có quyết định phê duyệt dự toán kinh phí của Bộ Tài chính, Phòng Kế hoạch & Quản lý dự án phải có tờ trình lãnh đạo Cục TH&TKTC về việc phân chia thực hiện các gói thầu, hình thức “áp” cho các gói thầu… Phòng Kế hoạch & Quản lý dự án đã làm tốt vai trò này của mình. Tuy nhiên, tiến độ triển khai không ít gói thầu vẫn bị chậm bởi tư tưởng thụ động của một số đơn vị liên quan.

“Từ lúc trình lãnh đạo Cục biết quy mô, tên các gói thầu, đến lúc thực hiện từng gói thầu, do chưa quy định chặt chẽ thời gian, nên bên cạnh những đơn vị nào đã có sẵn đầu bài thì làm luôn, vẫn còn đơn vị chờ khi nào dự toán được duyệt xong mới nghĩ đến chuyện triển khai, dẫn tới hàng tháng sau, thậm chí nửa năm sau mới có đầu bài, hệ quả là không kịp giải ngân trong năm, phải chuyển sang năm sau” - bà Phượng cho biết.

Sẽ cải tiến quy trình và tháo gỡ

Song song với việc “nhận diện” những bất cập trong công tác đấu thầu mua sắm CNTT, Cục TH&TKTC cũng đã đề xuất hướng tháo gỡ. Chẳng hạn, để hạn chế sự thụ động triển khai các gói thầu, Cục TH&TKTC sẽ yêu cầu các đơn vị trong quy trình xây dựng kế hoạch, dự toán, phải “hình dung” luôn phương án ra đầu bài, có “khung” sẵn để sau khi được phê duyệt dự toán chỉ cần chi tiết hoá “khung” đó, tránh chuyện tùy tiện, thích làm thì làm, không thích thì thôi. Đồng thời, phải xây dựng sẵn cả quy chế phối hợp, lấy ý kiến của các đơn vị khác có liên quan trong quá trình xây dựng yêu cầu kỹ thuật của hồ sơ mời thầu.

Đồng thời, để khắc phục sự tuỳ tiện “bỏ qua” quy trình chuẩn, Cục cũng sẽ có quy định cụ thể trong ISO đấu thầu với những “bước đi” nhất định phải tuân thủ, chẳng hạn như phòng/trung tâm chủ trì triển khai gói thầu phải có trách nhiệm xin ý kiến các đơn vị liên quan và phải có văn bản hoặc email góp ý của phụ trách đơn vị, phải có tổng hợp ý kiến tiếp thu/không tiếp thu trước khi trình lãnh đạo phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu thầu.

Theo taichinhdientu.vn

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0