Chưa kịp mừng khi thấy lượng sinh viên đăng ký theo học ngành khoa học máy tính cao kỷ lục thì trường ĐH Washington đã “choáng váng” khi biết rằng có đến hơn một nửa số vụ gian lận trong thi cử và học tập bị phát hiện là của sinh viên thuộc khối ngành CNTT.
Đáng lo hơn khi ĐH Washington không phải là trường hợp cá biệt mà hầu hết các trường đại học thuộc hàng top trong lĩnh vực CNTT của nước Mỹ cũng đang đau đầu vì vấn nạn gian lận của sinh viên.
Theo ghi nhận của chính những giảng viên và nhà quản lý giáo dục của các trường đại học, nạn gian lận trong học tập và thi cử xảy ra ở hầu hết các nhóm ngành nhưng đặc biệt cao ở các khoa thuộc nhóm ngành CNTT với kiểu gian lận điển hình nhất là ăn cắp (copy) các đoạn mã lập trình (code) của sinh viên các khóa trước để hoàn thành bài tập, bài thi của mình.
“Sự thật là tại hầu hết các trường, chúng tôi đều phát hiện được một lượng lớn những vụ “đạo code” của sinh viên thuộc các khóa nhập môn khoa học máy tính nhờ có sự giúp sức của phần mềm phát hiện gian lận”, giáo sư Ed Lazowska, Trưởng khoa CNTT và cơ khí của trường ĐH Washington nói. Các giáo viên sử dụng một phần mềm để so sánh bài tập của các sinh viên với nhau và với bài tập của các sinh viên khóa trước đã nộp để từ đó phát hiện ra những đoạn code giống nhau.
Tuy có số lượng không cao như ĐH Washington nhưng hồi tháng 2/2010, Ủy ban kỷ luật của trường ĐH Stanford cũng đã phải thừa nhận có tới 23% (28 trong tổng số 123) số vụ gian lận là của sinh viên ngành CNTT mặc dù họ chỉ chiếm 6,5% tổng số sinh viên của trường. Theo giáo sư Mehran Sahami của trường Stanford, nguồn gốc cơ bản nhất của hành vi gian lận trong sinh viên ngành CNTT là họ vẫn hiểu không đúng về việc viết code cho các phần mềm. “Họ cho rằng viết code cũng giống như làm toán nhưng thực ra, viết code giống như viết văn hơn bởi nó đòi hỏi người viết phải có một sự sáng tạo rất lớn và kết quả của những người khác nhau không bao giờ giống nhau”, giáo sư Sahami nói.
“Số vụ gian lận ngày càng nhiều lên khiến chúng tôi phải rất vất vả tìm cách ngăn chặn tình trạng này”, giáo sư Lenny Pitt, Giám đốc chương trình đào tạo đại học chuyên ngành khoa học máy tính của trường ĐH Illinois tỏ ra khá bức xúc. Cũng theo giáo sư Pitt, các sinh viên thường gian lận trong phần bài tập về nhà hơn là trong các kỳ thi bởi hầu hết đều cảm thấy rất bế tắc khi code mà họ viết ra không thể chạy được và giải pháp nhanh nhất là… đi mượn code của một ai đó. Nhưng vị giáo sư này không chỉ biết “đổ tội” cho sinh viên và theo ông, chính các giáo viên cũng đóng góp một phần nguyên nhân. “Chúng tôi thường lười sáng tạo và giao cho sinh viên những bài tập giống nhau từ năm này qua năm khác và đó là một sự khuyến khích gian lận”, ông Pitt nói.
Với các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, đây thực sự là một vấn nạn nghiêm trọng. “Đạo đức đang trở thành một vấn đề lớn trong ngành công nghiệp IT bởi hành vi “đạo code” không chỉ liên quan đến vấn đề bản quyền mà còn là chuyện bảo mật”, David Foote, CEO của Foote Partners, một hãng chuyên cung cấp nhân lực cho ngành CNTT nói.
Các CIO thì cho rằng những sinh viên có thói quen “đạo code” sẽ là một tai họa tiềm ẩn với bất cứ công ty nào bởi họ có thể là nguồn gốc phát sinh những vụ kiện liên quan đến bản quyền phần mềm, bản quyền sáng chế và các vấn đề về sở hữu trí tuệ khác. “Các trường ĐH Mỹ hiện không có chương trình giảng dạy về vấn đề đạo đức nghề nghiệp và hành vi gian lận. Đừng đổ hết lỗi lên đầu sinh viên mà hãy nhìn thẳng vào sự thật là các trường đã không đủ nỗ lực để ngăn chặn sự gian lận ngay từ đầu”, ông Foote kết luận.
Theo Ictnews