Là một lãnh đạo trẻ và cao cấp của hãng Cisco Systems, Kỹ sư Christopher Hoàng Phạm còn là thành viên của Ban giảng huấn tại Đại học Bách khoa San Jose State (Hoa kỳ) từ năm 1997. Anh đã tham gia đào tạo nhiều kỹ sư và lãnh đạo kỹ thuật ưu tú tại các đại học và các hãng. Trong thời gian rảnh, anh Hoàng thường tham gia các công tác từ thiện như trợ giúp cứu lũ, các chương trình phát triển giáo dục và văn hóa tại quê nhà, đồng thời hỗ trợ phát triển tuổi trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ. Và mới nhất, anh lại vừa lập dự án và xin tài trợ để xây dựng phòng lab công nghệ thông tin trị giá 350.000 USD tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Christopher Hoàng Phạm tâm sự: “Tôi muốn tương lai có thể tuyển những người Việt từ Việt Nam qua Mỹ để làm việc. Người ta làm một thời gian rồi lại trở về dạy những người trong nước, điều đó tôi rất mong muốn. Điều thứ 2 là Cisco đem nguồn việc làm sang các nước Châu Á vì nhân công rẻ hơn, thì tại sao không đưa về Việt Nam? Đây là bước đầu tiên, nhưng tôi nghĩ chắc chắn sẽ làm được. Tôi mới họp với một số anh em sinh viên của Đại học Bách khoa, thấy anh em rất nhiệt tình và giỏi…”
Sang Mỹ cách đây 20 năm, Christopher Hoàng Phạm đã có những ngày khó khăn khi trong túi vẻn vẹn chỉ có 10 USDa và sở hữu vốn tiếng Anh ít ỏi. Anh vẫn nhớ rất rõ cái rét của mùa đông đầu tiên trên miền đất lạ... Nhưng cũng may ở San Jose có đông người Việt Nam, và một ông chủ nơi anh làm bồi bàn đã mở hướng cho anh bằng những lời động viên, khuyến khích anh theo học lấy một nghề cho tương lai. Christopher Hoàng đã chọn ngành điện tử, để rồi qua bao nhiêu thành công cũng như thất bại trên thương trường, anh trụ lại Cisco System.
Riêng tại Thung lũng Sillicon, kỹ sư gốc Việt có khoảng 10% và có mặt tại tất cả các hãng lớn. Theo con số thống kê trên báo chí Hoa Kỳ, thì số sáng chế, phát minh được đăng ký của giới công nghệ thông tin người Việt nhiều hơn của IBM - hãng máy tính đã có mặt trên thế giới hàng trăm năm nay. Với số lượng và thành công đó, một mạng lưới các chuyên gia Công nghệ thông tin người Việt tại Mỹ đã được thành lập từ năm 1986, mà Christopher Hoàng Phạm là một trong những thành viên đắc lực. Là một trong những người đứng ra tổ chức Hội nghị Khoa học quốc tế lần 6 của người Việt Nam tại Mỹ ở Thung lũng Silicon trong năm 2005, Christopher Hoàng mong muốn lần tổ chức tiếp theo vào năm 2007 sẽ có sự tham gia của cả những chuyên gia từ Việt Nam. Anh cho biết: “Lập ra mạng lưới đó, thứ nhất là để hãnh diện mình là một người Việt. Thứ hai, để nối kết, chia sẻ với nhau. Khi tôi vào, với tư cách là học trò làm việc với các giáo sư, sau đó dần dần trở thành người trong Ban giảng huấn, mình cũng nối tiếp sự nghiệp đó. Kỳ vừa rồi tôi đứng vai trò trong Ban Lãnh đạo. Tôi muốn các anh chị em sinh viên tiếp nối thế hệ các giáo sư ngày xưa, cùng lập thành mạng lưới. Người Việt qua Mỹ rất tự hào vì mình là người Việt…”.
Mình là một người Việt Nam - đó là điều mà Christopher Hoàng Phạm vẫn luôn tâm niệm trong suốt 20 năm xa quê. Sang Mỹ với biết bao lạ lẫm buổi ban đầu từ ngôn ngữ, văn hoá, nhưng anh nung nấu học thành tài trong vòng 10 năm, để sau này đem những cái mà mình học được về nước. Hàng chục giải thưởng dành cho nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin, rồi giải thưởng kỹ sư người Mỹ gốc châu Á xuất sắc mà anh nhận được, đều xuất phát từ những thành tích trong chuyên môn và cả những đóng góp cho cộng đồng mà anh tham gia rất tích cực trong suốt nhiều năm qua.
Ngay tại gia đình nhỏ của mình, anh vẫn ngày ngày dạy bảo các con - một bé trai và hai bé gái sinh đôi rằng: “Chúng mình là người Việt Nam. Con ở nước này, con phải đóng góp cho nước này, nhưng con cũng phải nhớ rằng con là người Việt Nam. Từ chén cơm, từ chén nước mắm… mình dùng những cái đó để con cái biết đó chính là Việt Nam. Rồi những dịp lễ, tôi cho con tôi mặc đồ quốc phục, đi vào những hội chợ Việt Nam. Vào đó được hội nhập với văn hoá Việt Nam, nên cuối cùng nó biết nó là người Việt Nam, biết cái gì là của Việt Nam, và bọn trẻ rất thích…”
Tháng 12 này, bé trai 9 tuổi của anh sẽ được cùng cha về thăm quê hương nhân dịp Christopher Hoàng Phạm về tham gia Hội thảo "Nâng cao tính tích hợp và ổn định của hệ thống", với tư cách là thành viên Ban tổ chức. Bận rộn chuẩn bị cho Hội thảo quốc tế tin học lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, anh cũng đã sắp xếp một lịch trình các nơi mà hai cha con sẽ đến, để khi trở lại Mỹ, bé sẽ biết được nơi đó quê cha đất tổ, một đất nước thanh bình mà cha mẹ mình vẫn ngóng trông, thương nhớ về, sau biết bao bộn bề cuộc sống.
Theo Thanh niên