|
Phối cảnh Khu không gian khoa học Khu công nghệ cao TPHCM.
|
° PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu - phát triển, đào tạo và vườn ươm tại SHTP giai đoạn 2?
° PGS-TS LÊ HOÀI QUỐC: Để phát triển KHCN đất nước, chúng ta phải trải qua một quá trình dài: Nhập khẩu công nghệ - Tìm hiểu công nghệ - Học tập và sáng tạo công nghệ…
Thực tế, việc thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu mang nhiều ý nghĩa về vốn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (học tập, làm việc trong môi trường, trang thiết bị hiện đại…) chứ không dễ gì các doanh nghiệp FDI vào đầu tư và chuyển giao công nghệ cho chúng ta. Vì vậy, xây dựng Khu Không gian khoa học (KGKH) ở SHTP là để tự đi trên đôi chân mình, phát huy năng lực nội sinh của đất nước. Từ đây, chúng ta sẽ xây dựng được đội ngũ nhân lực có trình độ, khả năng làm chủ công nghệ, tư duy sáng tạo, là nền tảng cho sự phát triển KHCN đất nước.
° Để phát huy năng lực nội sinh đó, SHTP đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
° Riêng về quỹ đất, với tổng diện tích 613ha, Khu CNC hiện đã dành tới 93,2ha xây dựng Khu “không gian khoa học”, phục vụ nghiên cứu – phát triển, đào tạo và vườn ươm (Khu sản xuất CNC 196,46ha), là trái tim của SHTP. Để “không gian khoa học” hoạt động đúng tiêu chí, mục đích, SHTP đã đề ra những quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt cho các nhà đầu tư.
Cụ thể, đối với các dự án nghiên cứu phát triển, các nhà đầu tư phải đáp ứng những yêu cầu như: tỷ lệ lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm hơn 70%; hệ thống quản lý hiện đại, thân thiện với môi trường… Các nhóm ngành ưu tiên cũng thực sự “cao”, cụ thể: quang điện tử, nano, năng lượng, nội dung số, thiết kế vi mạch, công nghệ sinh học; tự động hóa…
Hiện nay, SHTP đã và đang mời gọi các doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới và Việt Nam, các viện, trường đại học, các dự án chuyển giao công nghệ của nước ngoài… tham gia Khu KGKH.
° Những tổ chức, cá nhân tham gia Khu KGKH sẽ được những lợi ích gì?
° Về cơ sở vật chất, KGKH đã có các phòng thí nghiệm mở, sẵn sàng hợp tác nghiên cứu, sản xuất thử: 1 phòng thí nghiệm trung tâm và 3 phòng thí nghiệm chuyên biệt (cơ khí chính xác; công nghệ nano; công nghệ bán dẫn) được đầu tư trang thiết bị hiện đại…
Các doanh nghiệp tham gia vườn ươm còn được những ưu đãi lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp (0% trong 4 năm đầu; 5% trong 9 năm tiếp theo; 10% 2 năm tiếp theo; 25% trong thời gian còn lại của dự án), được miễn thuế nhập khẩu đối với trang thiết bị, máy móc và vật liệu xây dựng nhập khẩu để tạo tài sản cố định, miễn, giảm tiền thuê đất cho các dự án nghiên cứu & phát triển (R&D) của các tập đoàn CNC…
° Khu KGKH có đảm bảo được các cá nhân, doanh nghiệp tham gia đều thực sự “cao” về công nghệ?
° Tôi đảm bảo, bởi hội đồng tuyển chọn của Khu KGKH đều có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế, sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Cụ thể, có 4 tiến sĩ từ Mỹ, Nhật và Nga, 23 thạc sĩ và kỹ sư trong các ngành cơ khí, điện, vật lý, hóa và vật liệu có trình độ, kinh nghiệm để hỗ trợ các nhà đầu tư.
° Sau khi doanh nghiệp “tốt nghiệp” vườn ươm, sẽ không được hỗ trợ về vốn, mặt bằng, thuế. Liệu các doanh nghiệp non trẻ này có dễ “chết yểu” khi bước vào cạnh tranh khốc liệt trên thị trường?
° Đó là điều mà chúng tôi lo lắng. Các doanh nghiệp “khởi sự” từ vườn ươm ở nước ta mới chỉ được hỗ trợ ở các mặt đơn giản: mặt bằng, văn phòng, pháp lý… nhưng ít được đầu tư về vốn, công nghệ, nhân sự, quản lý, marketing… nên rất khó cạnh tranh khi bước ra thị trường.
Để giúp các doanh nghiệp khởi sự đưa ý tưởng sáng tạo ra thực tế, thương mại hóa, SHTP đang xây dựng đề án Trung tâm sáng tạo (dự kiến báo cáo UBND TPHCM vào tháng 6 tới) với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng. Trung tâm này sẽ được trang bị rất nhiều phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác nghiên cứu, thí nghiệm, sản xuất thử… của các doanh nghiệp khởi sự.
Ngoài ra SHTP cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động, hỗ trợ về pháp lý, kinh doanh, tìm vốn… cho doanh nghiệp ươm tạo và SHTP cũng làm cầu nối giữa các nhà đầu tư trong- ngoài nước, xúc tiến xây dựng quỹ đầu tư dạng như “Quỹ đầu tư mạo hiểm” do các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư thương mại hóa các các sản phẩm đi ra từ Khu KGKH…
° Ông có niềm tin về khả năng cất cánh của các ý tưởng, sáng chế công nghệ cao từ Khu KGKH?
° Tôi biết là rất khó khăn để đi từ ý tưởng tới thương mại hóa sản phẩm, nhưng đầu tư phát triển CNC là một hành trình gian khó, cần phải có sự quyết tâm, bền bỉ. Với cơ sở hạ tầng hiện nay, sự quan tâm đầu tư của nhà nước, xu hướng phát triển công nghệ cao của thời đại… tôi tin rằng, Khu KGKH sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.
° Xin cảm ơn ông!
Theo SGGP