Đó là ý kiến của ông Vũ Đức Đam – Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trong trao đổi bên lề với phóng viên ICTnews tại lễ trao Giải thưởng Sao Khuê 2010 diễn ra tối hôm qua, ngày 21/4. Ông Vũ Đức Đam cũng là bí thư tỉnh ủy đầu tiên nhận giải thưởng Sao Khuê dành cho cá nhân có đóng góp xuất sắc với sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam.
Thưa ông, ông có thể nêu những nét khái quát về tình hình ứng dụng CNTT tại Quảng Ninh hiện nay?
Không như Hà Nội, TP.HCM, hay những địa phương khác có địa hình thuận tiện, địa bàn Quảng Ninh rất rộng và có nhiều vùng miền núi, biển, đảo… nên việc ứng dụng CNTT gặp nhiều khó khăn, mức độ ứng dụng còn thấp. Ở Quảng Ninh, việc ứng dụng CNTT đã được chúng tôi tiến hành làm từng bước từ những việc đơn giản nhất, chúng tôi không đưa ra một chương trình nào gọi là trọng điểm, mà tất cả đều để diễn ra một cách tự nhiên theo đúng nhu cầu phát triển.
Hiện nay, trong địa bàn tỉnh chúng tôi thường xuyên làm việc với UBND tất cả các cấp thông qua hội nghị trực tuyến nhằm hạn chế việc đi lại, tiết kiệm thời gian trong triển khai công tác điều hành thường xuyên, đặc biệt là những công việc đòi hỏi thời gian gấp gáp như tuyên truyền về dịch bệnh, phổ biến nghị quyết của Đảng, triển khai quyết định mới... Trong các cơ quan quản lý Nhà nước, hiện nay cũng dùng phổ biến hồ sơ điện tử.
Chúng tôi cũng chủ động phát triển chương trình ứng dụng vào những vấn đề thiết thực, những việc cần thiết cho cộng đồng như phát triển Wimax trên vịnh Hạ Long để du khách có thể truy cập được Internet giữa vịnh, hay có thể dùng Wifi miễn phí trên nhiều tuyến phố ở thành phố Hạ Long.
Tuy nhiên tôi cho rằng, những yếu tố trên chỉ là những cái sơ khai ban đầu của việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và triển khai các công việc của Nhà nước tiến tới chính quyền điện tử mà thôi.
Việc ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính trong những năm gần đây được các cấp, các ngành đặt ra quyết tâm cao, tuy nhiên trong thực tế lại chưa thực sự hiệu quả. Ông đánh giá gì về thực trạng này?
Đó là do chúng ta làm chưa đủ quyết liệt. Chúng ta đã nhận thức được ý nghĩa của việc ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính, tuy nhiên trong nhiều cơ quan hai vấn đề này lại chưa thực sự thúc đẩy lẫn nhau. Theo tôi, câu chuyện ở đây chính là các đối tượng ứng dụng không được hướng dẫn cụ thể. Về chuyện kinh phí, nếu so với kinh phí bỏ ra để làm 1km đường thôi, thì đã có thể làm được rất nhiều việc cho lĩnh vực CNTT.
Do vậy, điều rất quan trọng để ứng dụng thành công chính là cần đơn giản hóa những vấn đề phức tạp, đừng để các đối tượng ứng dụng bình thường có tâm lý coi CNTT là điều gì đó rất cao siêu, khó tiếp cận. Như câu chuyện tiếp cận với chiếc xe máy ngày xưa, hay bây giờ là việc dùng chiếc điện thoại di động, một khi đã làm cho mọi người quen thì việc ứng dụng CNTT sẽ trở nên đơn giản, đạt hiệu quả hơn.
Do vậy, vấn đề còn lại là chúng ta làm gì cho có hiệu quả, thiết thực, làm gì để mọi người dần cảm thấy các ứng dụng CNTT trở thành công cụ hữu ích, không thể thiếu.
Nhưng dù vậy, trong thời gian qua việc ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính đã có những bước biến chuyển đáng kể. Tôi cho rằng, vấn đề này cũng giống như câu chuyện của một đoàn tàu: khi bắt đầu khởi hành rất khó, nhưng khi đã đạt đến gia tốc nhất định thì việc di chuyển sẽ thuận lợi hơn. Chúng ta đang ở giai đoạn bắt đầu khởi hành, tuy đi chậm nhưng không đứng im.
Việt Nam đang ấp ủ mục tiêu "trở thành quốc gia mạnh về CNTT” vào năm 2015. Theo ông, đâu là những yếu tố cần thiết để đưa mục tiêu đó trở thành hiện thực?
Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT, đó là niềm mơ ước của tất cả chúng ta. Ước mơ đó cũng chính đáng như việc mong muốn Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh.
Tuy nhiên, để trở thành một quốc gia mạnh nói chung, một quốc gia mạnh về một ngành nào đó, đặc biệt là ngành CNTT - ngành đòi hỏi không chỉ ở trí tuệ, sự sáng tạo, không chỉ là đức tính cần cù, chịu khó của mỗi cá nhân, mà còn đòi hỏi cả một hệ thống quản lý cần có một tư duy cực kỳ khoa học. CNTT của Việt Nam đến nay vẫn là một ngành non trẻ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ phần mềm. Chính vì vậy, chúng ta nên khuyến khích, lắng nghe những ý tưởng mới, cho dù những ý tưởng đó ban đầu có thể chưa hợp lý.
Tôi cho rằng, đây là việc không chỉ của riêng một cá nhân nào, không chỉ riêng Bộ TT&TT hay một ngành nào làm được mà đòi hỏi sự nỗ lực chung của cộng đồng. Với định hướng chung từ Đảng, Nhà nước, và quyết tâm chung của các hệ thống chính quyền, chừng nào mọi người dân, mọi cán bộ và mọi nhà lãnh đạo nhận ra rằng CNTT là không thể thiếu được, là điều bắt buộc để mang lại cơ hội cho chúng ta tiến nhanh hơn, tiến mạnh hơn, thì tôi tin chắc chúng ta làm được.
Xin cảm ơn ông!
Theo Ictnews